Khó tìm kiếm lợi nhuận với tầm nhìn ngắn hạn

Khó tìm kiếm lợi nhuận với tầm nhìn ngắn hạn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường phiên cuối tuần qua đóng cửa trong không khí hồ hởi của các nhà đầu tư, dù dòng tiền không quá mạnh nhưng nhiều cổ phiếu tăng giá ấn tượng nhờ hiện tượng tiết cung. Các cổ phiếu từ vốn hóa lớn đến vốn hóa nhỏ đều ít nhiều có “đất diễn” cho riêng mình.

Trước đó, phần lớn thời gian giao dịch trong tuần chứng kiến trạng thái tâm lý thận trọng, thanh khoản rất thấp, chỉ đạt trung bình 15.000 tỷ đồng khớp lệnh trên HOSE. Thị trường không có nhóm ngành dẫn dắt cụ thể, mà chỉ có một số cổ phiếu tạo được hiệu ứng tốt nhờ câu chuyện riêng.

Mặc dù vậy, thị trường chỉ cần một phiên tăng mạnh vào cuối tuần cũng đủ để đánh tan tâm lý nghi ngờ, với sự dẫn dắt của các cổ phiếu trụ trong nhóm ngân hàng như CTG, BID, TCB.

Số liệu lạm phát ở Mỹ tháng 3/2024 cao hơn dự báo của các chuyên gia kinh tế, khiến S&P 500 có phiên rung lắc, nhưng điều này không ảnh hưởng nhiều đến VN-Index. Trong 1 tháng qua, những nhà đầu tư cần bán cổ phiếu đã hạ tỷ trọng hoặc bán hết gần hết danh mục, nên khi tin xấu xuất hiện thì lực cung không còn quá mạnh để kích hoạt tâm lý hoảng loạn và bán tháo. Sự nghi ngờ của phần đa nhà đầu tư trong vài tuần gần đây lại trở thành “liều thuốc kháng sinh” giúp thị trường vững vàng trước những tin xấu. Nếu đặt trong hoàn cảnh mà trước đó nhiều nhà đầu tư đang hưng phấn, say mê kiếm lãi, thì kết quả trong tuần qua có thể không được “yên bình”.

Điểm trừ của phiên hồi phục cuối tuần chính là thanh khoản chưa thực sự ấn tượng, khi khối lượng khớp lệnh vẫn thấp hơn mức trung bình 3 tháng. Sự nghi ngờ trước đó của số đông nhà đầu tư có thể giúp VN-Index không giảm sốc, nhưng cũng đồng thời khiến chỉ số khó bứt phá như cách vận động trước Tết Âm lịch 2024.

Tỷ giá vẫn là câu chuyện vĩ mô được bàn luận nhiều nhất, khi USD/VND chiều bán ra niêm yết tại Vietcombank lập đỉnh cao mới ở mức 25.180. VND đang có mức mất giá 3,1% so với USD, vẫn nằm trong biên độ cho phép (4%), nhưng với đà tăng nhanh trong thời gian qua của tỷ giá và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ trì hoãn việc cắt giảm lãi suất cho tới tháng 9/2024, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ cân nhắc sử dụng các công cụ mạnh hơn để kiềm chế tỷ giá.

Trong khi đó, đà tăng lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Việt Nam trong thời gian qua là chỉ báo cho thấy mặt bằng lãi suất huy động có thể đã tạo đáy. Nhìn chung, sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước nhằm mục đích ổn định vĩ mô khiến dòng tiền trên thị trường chứng khoán khó có thể dồi dào thêm, từ đó sẽ là trở ngại không nhỏ cho khả năng bứt phá của VN-Index.

Theo dữ liệu thống kê của chúng tôi, dòng tiền tổng thể trên thị trường đang có xu thế giảm và hiện tại phân bổ nhiều nhất ở 2 nhóm vốn hóa lớn (VN30) và vốn hóa vừa (Midcap), dư địa để dòng tiền tăng thêm ở 2 nhóm này vẫn còn. Trong khi đó, nhóm vốn hóa nhỏ (Smallcap) đang tụt lại phía sau. Do vậy, nhà đầu tư nên hạn chế bỏ vốn vào các cổ phiếu vốn hóa nhỏ mà phần lớn trong số đó là các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản kém. Đây chưa phải là pha dành cho nhóm này hoạt động mạnh.

Chúng tôi dự báo, thị trường sẽ tiếp tục trạng thái tăng giá (bull-market), nhưng cách vận động sẽ khó lường và trồi sụt hơn nhiều so với nhịp tăng nhanh từ 1.100 điểm lên 1.250 điểm. Ngoài ra, chúng tôi bảo lưu quan điểm, bối cảnh thị trường hiện tại vẫn rất khó để tìm kiếm lợi nhuận với tầm nhìn ngắn hạn. Thay vì vậy, nhà đầu tư nên xác định tầm nhìn dài hạn, tức là việc mua và nắm giữ cổ phiếu ít nhất 3 tháng kể từ thời điểm này, thành quả sẽ đến một cách chắc chắn hơn.

Tin bài liên quan