Khoảng trống nhà tạo lập thị trường - Kỳ 2: Lay lắt trên thị trường trái phiếu

Khoảng trống nhà tạo lập thị trường - Kỳ 2: Lay lắt trên thị trường trái phiếu

(ĐTCK) Không chỉ nhạt nhòa trên thị trường cổ phiếu, nhà tạo lập trên thị trường trái phiếu cũng trong tình cảnh tương tự.

Kỳ 2: Lay lắt trên thị trường trái phiếu

Gánh nặng nghĩa vụ

Tiếng là nhà tạo lập trên thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) hiện tại, nhưng trên thực tế, cả ngân hàng thương mại hay công ty chứng khoán đều chẳng mặn mà vào “vai” này.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, giới chuyên gia cho rằng, chủ yếu do nhà tạo lập thị trường phải đối mặt với gánh nặng nghĩa vụ lớn, trong khi quyền lợi không tương xứng.

Quyền lợi nổi bật với nhà tạo lập thị trường là được sử dụng các thông tin khai thác từ hệ thống thông tin thị trường trái phiếu của Sở GDCK Hà Nội (HNX); được tham gia các đợt đấu thầu TPCP trên thị trường sơ cấp, nhưng chính điều này lại tiềm ẩn nhiều rủi ro.

“Với cơ chế khó khả thi như hiện tại, cộng với thị trường trái phiếu Việt Nam chưa cho phép bán khống, chưa có sản phẩm phái sinh TPCP, nên tổ chức mua vào TPCP sẽ đối mặt với rủi ro lỗ lớn.

Chẳng nói đâu xa, vì biến động lãi suất mà sau khi mua vào lượng khá lớn TPCP hồi đầu năm 2018, một số ngân hàng đã phải cắt lỗ vào giữa năm nay.

Thêm vào đó, cơ sở dữ liệu trên hệ thống của HNX chưa được chuẩn hóa theo mong muốn của các thành viên thị trường.

Thực trạng này khiến các ngân hàng không mặn mà tham gia với tư cách là nhà tạo lập trường trên hệ thống giao dịch của HNX…”, lãnh đạo một ngân hàng là thành viên của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho hay.

Từ góc nhìn của một tổ chức tham gia thị trường, lãnh đạo một công ty quản lý quỹ lớn cho rằng, tuy có quyền lợi, nhưng vì nhiều nguyên nhân mà quyền này không có tính hấp dẫn trên thực tế.

Điều này cộng với gánh nặng nghĩa vụ như hàng năm phải mua một lượng TPCP lớn, phải thực hiện chào mua, chào bán TPCP với cam kết chắc chắn cho các kỳ hạn chuẩn trên hệ thống của HNX…, nên không hấp dẫn các tổ chức tài chính tham gia làm nhà tạo lập thị trường...

Điều an ủi là nhờ cơ sở dữ liệu phản ánh hơi thở của thị trường, hiện một số tổ chức tài chính khá tích cực triển khai các hoạt động của nhà tạo lập thị trường qua sân chơi do VBMA thiết lập.

Tuy nhiên, đây chỉ là “đốm sáng nhỏ" nên chưa đủ sức khắc phục được sự nhạt nhòa của nhà tạo lập thị trường trên thị trường trái phiếu Việt Nam. 

Kỳ vọng vào cơ chế mới

Để khắc phục những bất cập trên, qua đó tiếp sức cho nhà tạo lập thị trường hoạt động, Bộ Tài chính và HNX đang thúc đẩy triển khai một số giải pháp như chuẩn bị đưa vào giao dịch Hợp đồng tương lai TPCP, hoàn thiện cơ chế mới để cân bằng hơn quyền và nghĩa vụ đối với nhà tạo lập thị trường…

“Nếu như từ năm 2014 đến nay, chúng ta đã triển khai quy định nhà tạo lập trên thị trường sơ cấp, thì điểm mới tại Nghị định 95/2018 về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ trên thị trường chứng khoán (có hiệu lực từ ngày 1/7/2018) là   lần đầu tiên áp dụng cơ chế nhà tạo lập thị trường trên thị trường thứ cấp”, bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) nói.

Trả lời câu hỏi quy định mới trên liệu có khắc phục được tình trạng "nghĩa vụ nặng, quyền lợi nhẹ" như hiện tại khiến nhà tạo lập thị trường không mặn mà tham gia thị trường, bà Hiền cho biết, quy định mới được xây dựng dựa trên chuẩn mực quốc tế, cụ thể là có sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới trong quá trình xây dựng chính sách, nên đảm bảo cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ theo chuẩn mực quốc tế.

Quyền lợi nổi bật của nhà tạo lập thị trường là đối tượng duy nhất được tham gia các phiên đấu thầu TPCP của Bộ Tài chính. Các nhà đầu tư khác phải thông qua nhà tạo lập thị trường để mua trái phiếu.     

Quyền lợi nổi bật của nhà tạo lập thị trường là đối tượng duy nhất được tham gia các phiên đấu thầu TPCP của Bộ Tài chính. Các nhà đầu tư khác phải thông qua nhà tạo lập thị trường để mua trái phiếu.

Về nghĩa vụ, bà Hiền cho hay, với cơ chế mới, trong một phiên giao dịch, nhà tạo lập thị trường phải thực hiện chào giá 2 chiều (cả mua và bán), với cam kết chắc chắn trên thị trường thứ cấp như thông lệ quốc tế, nên sẽ giúp cho thanh khoản của thị trường tốt hơn.

Khi thực hiện nghĩa vụ này mà không có đủ công cụ nợ, nhà tạo lập thị trường thực hiện mua trên thị trường.

Trường hợp không mua được, Bộ Tài chính (Kho bạc Nhà nước) sẽ phát hành TPCP và thực hiện hợp đồng mua bán lại với nhà tạo lập thị trường. Quy định này sẽ giúp nhà tạo lập thị trường thúc đẩy thanh khoản trên thị trường thứ cấp TPCP và tạo ra đường cong lợi suất chuẩn...

Theo phản ánh của các thành viên thị trường, nội dung mới về nhà tạo lập thị trường tại Nghị định 95/2018 tuy đã có hiệu lực, nhưng vẫn chưa đi vào cuộc sống do đang chờ văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Được biết, sau khi Ủy ban chứng khoán Nhà nước vừa hoàn tất lấy ý kiến các bên liên quan góp ý cho dự thảo thông tư hướng dẫn đăng ký, lưu ký, niêm yết, giao dịch và thanh toán giao dịch công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương, văn bản này đang trong quá trình được Bộ Tài chính xem xét ban hành.

“Trong năm 2019, chúng tôi sẽ tập trung phát triển nhà tạo lập thị trường với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ theo thông lệ quốc tế, thí điểm nghĩa vụ chào giá cam kết chắc chắn 2 chiều đối với nhà tạo lập thị trường nhằm thúc đẩy phát triển thị trường thứ cấp...”, bà Hiền nói.

Kỳ cuối: Đi tìm nhà tạo lập thị trường phái sinh

Tin bài liên quan