Lạm phát luôn là vấn đề nhức nhối đối với các nhà hoạch định vĩ mô - Ảnh minh họa: Đức Thanh

Lạm phát luôn là vấn đề nhức nhối đối với các nhà hoạch định vĩ mô - Ảnh minh họa: Đức Thanh

Khống chế lạm phát, cần có thời gian

Lạm phát luôn là vấn đề nhức nhối đối với các nhà hoạch định vĩ mô và các nhà kinh tế. Chúng luôn tăng và tăng nếu nền kinh tế còn phát triển, thu nhập của người dân được cải thiện.

Ở Việt Nam , kinh tế vẫn đang tăng trưởng, giá vàng và bất động sản ở mức cao, khiến nhiều người trở nên giàu có. Điều này khiến mọi người tiêu dùng nhiều hơn, đầu tư, đầu cơ nhiều hơn.

Ngoài ra, dịch vụ và thương mại phát triển mạnh, hàng hóa sản xuất ra phải qua nhiều kênh phân phối trung gian trước khi đến tay người tiêu dùng khiến chi phí tăng và nó được cộng vào giá thành.

Đầu cơ bất động sản tràn lan, tất cả của chìm của nổi được quy thành đất, từ đất lại thành nhà mới, xe mới, cách sống mới…, khiến cho tổng cầu tăng đột biến, dẫn đến giá tăng.

Tất cả được quy cho là tiền mất giá!

Theo tôi, tất cả những lý do trên là nguyên nhân chính làm cho lạm phát ở Việt Nam tăng cao.

Bên cạnh đó, hoạt động của ngân hàng nở rộ, lãi suất cao nhưng vẫn có người vay, bởi đầu cơ vẫn có lãi. Bắt đầu có người hoài nghi, dao động, tại sao tăng lãi suất mà lạm phát không giảm?

Tôi cho rằng, vấn đề nằm ở thời gian và lãi suất. Phanh một chiếc ôtô nó khác với việc phanh một đoàn tàu. Với cả một nền kinh tế, chúng ta cần có nhiều thời gian hơn, lãi suất đã cao mà chưa đủ thì cần cao hơn.

Khống chế lạm phát không bao giờ dễ dàng, chúng luôn là liều thuốc đắng cay, chua xót, bởi kèm theo đó có thể là hàng vạn người thất nghiệp, hàng loạt công ty phá sản.