Không được đặt lệnh tự động bằng robot, nhà đầu tư, CTCK nào bị ảnh hưởng?

Không được đặt lệnh tự động bằng robot, nhà đầu tư, CTCK nào bị ảnh hưởng?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quyết định này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến một số công ty chứng khoán (CTCK) có nguồn thu lớn đến từ các mảng kinh doanh như kinh doanh chênh lệch giá, copytrade, các CTCK nhận lệnh gián tiếp từ bên thứ ba qua robot…

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa có công văn gửi các CTCK cho biết, qua công tác quản lý và giám sát đối với hoạt động cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến tại các CTCK, UBCK nhận thấy có hiện tượng sử dụng công nghệ robot để đặt lệnh giao dịch chứng khoán trực tuyến tự động với tần suất lớn.

Hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro và làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường chứng khoán, cụ thể như sau:

Làm gia tăng đột biến lệnh từ các CTCK vào Sở giao dịch chứng khoán trong cùng 1 thời điểm, dẫn đến số lệnh vào sàn vượt quá năng lực thiết kế của cả hệ thống, gây hiện tượng quá tải hệ thống.

Nguy cơ dẫn đến việc đổ vỡ dây chuyền khi thị trường chứng khoán diễn biến xấu, từ đó tác động tiêu cực đến công tác quản trị rủi ro của các công ty chứng khoán.

Căn cứ quy định về giao dịch chứng khoán trực tuyến tại Thông tư số 134/2017/TT-BTC ngày 19/12/2017 và Thông tư số 73/2020/TT-BTC ngày 7/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán, việc sử dụng các công nghệ này để đặt lệnh hiện chưa được phép thực hiện.

Vì vậy, UBCKNN yêu cầu các CTCK thực hiện rà soát và dừng ngay việc sử dụng hình thức đặt lệnh tự động như trên (nếu có). Có biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn các hình thức đặt lệnh tự động nêu trên đồng thời yêu cầu nhà đầu tư chấm dứt đặt lệnh tự động nêu trên khi chưa được cơ quan quản lý cho phép.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, thời gian qua có một số CTCK đầu tư chi phí để xây dựng hệ thống robot giao dịch và quảng bá sản phẩm này tới đông đảo nhà đầu tư.

Nói về tác động của yêu cầu này với thị trường, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP.HCM CTCK DSC nhận xét, giao dịch bằng robot hay giao dịch bằng tần suất cao ngày càng phổ biến ở các thị trường. Hiện tại, ở thị trường Mỹ, tỷ trọng giao dịch của Giao dịch tần suất cao (High-Frequency Trading – HFT) chiếm khoảng trên dưới 50% khối lượng. Các thị trường châu Âu, con số này khoảng 20 - 30% thanh khoản hằng ngày. Ngoài HFT, nhiều giao dịch với mục đích khác cũng thực hiện qua robot đặt lệnh, do đó khối lượng giao dịch bằng robot chiếm tỷ trọng lớn ở các thị trường phát triển. Không chỉ thị trường chứng khoán, mà các giao dịch HFT còn phổ biến ở cả thị trường hàng hóa, ngoại hối hay tiền số.

Ở thị trường Việt Nam, chưa có con số thống kê chính thức, nhưng có thể ước đoán việc giao dịch bằng robot chưa phải chiếm tỷ trọng quá lớn. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận hoạt động giao dịch bằng robot này đang phát triển nhanh, chiếm tỷ trọng nhiều hơn, nhiều tổ chức đã và đang có kế hoạch phát triển, cũng như ngày càng ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường.

Các trường hợp sử dụng đặt lệnh tự động phổ biến gồm: (1) Tạo lập các sản phẩm như chứng quyền, phái sinh, ETFs; (2) Kinh doanh chênh lệch giá; (3) Chẻ lệnh; (4) Nhận lệnh từ một bên thứ ba hợp tác với các CTCK; (5) Copytrade, hoặc các giao dịch ủy thác trên nhiều tài khoản; (6) Quản trị rủi ro (cắt lỗ, chốt lời) một cách chủ động; (7) Các hoạt động khác….

Giả định tất cả các hoạt động nêu trên được phân loại là giao dịch bằng robot, có thể phân tích ảnh hưởng của việc cấm giao dịch bằng robot chi tiết thông qua các mảng sử dụng như sau:

- Tạo lập thanh khoản các sản phẩm như chứng quyền, phái sinh, ETFs: Trong quy chế của sản phẩm phái sinh, chứng quyền, ETFs đều có quy chế tạo lập. Việc giao dịch bằng robot giúp việc tạo lập dễ dàng hơn. Tất nhiên, việc ngừng giao dịch bằng robot sẽ khiến nghiệp vụ tạo lập khó thực hiện hơn khi thực hiện bằng thủ công, người đặt lệnh phải quan sát liên tục và chưa chắc thực hiện nhanh/chính xác bằng máy. Tuy nhiên, cũng không phải lúc nào lệnh trên sàn cũng thiếu để phải thực hiện các hình thức tạo lập trên, đặc biệt là phái sinh (HĐTL), còn thanh khoản chứng quyền và ETFs không quá nhiều. Do đó, có thể giảm thanh khoản và tính hiệu quả của tạo lập so với thực hiện bằng máy, nhưng mức độ tác động đến thị trường là không nhiều.

- Kinh doanh chênh lệch giá, cụ thể ở đây là mua/bán đồng thời trên thị trường cơ sở và phái sinh (Hợp đồng tương lai): Chênh lệch giữa phái sinh và cơ sở của thị trường Việt Nam luôn tồn tại, do đó xuất hiện nhiều cơ hội kinh doanh chênh lệch giá. Một số CTCK thực hiện sớm các nghiệp vụ này thu được ít nhiều thành quả trong thời gian đầu và kéo dài đến hiện tại. Việc ngừng giao dịch qua robot có thể khiến hoạt động kinh doanh chênh lệch giá khó thực hiện hơn, vì thông thường các cơ hội kinh doanh chênh lệch giá có thể xuất hiện rất nhanh và sức người khó có thể thực hiện nhanh được. Điều này sẽ ảnh hưởng một phần đến thanh khoản thị trường cơ sở (các cổ phiếu trong VN30) và cả thị trường phái sinh. Ngoài ra, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của một số CTCK có thể mạnh hoạt động này, có thể họ phải thay đổi chiến lược, tìm nguồn thu khác.

- Chẻ lệnh: Đây là hoạt động phổ biến của một số tổ chức/cá nhân khi tạo lập một cổ phiếu nào đó nhằm che lệnh thật. Việc chẻ lệnh diễn ra ở nhiều CTCK khiến hệ thống giao dịch quá tải như đã từng xảy ra và một trong những giải pháp khi đó phải nâng lô từ 10 lên 100 nhằm hạn chế điều này. Việc ngừng hoạt động giao dịch qua robot có thể giúp hạn chế việc quá tải hệ thống và cũng không ảnh hưởng quá lớn đến thanh khoản thị trường. Lệnh vào ít hơn nhưng có lẽ sẽ thực chất hơn.

- Nhận lệnh từ một bên thứ ba hợp tác với các CTCK: Ở cả thị trường phái sinh hay cơ sở, một công ty không có đăng ký kinh doanh môi giới chứng khoán cơ sở hay phái sinh, thực hiện tổng hợp lệnh của các khách của mình, sau đó đặt lệnh qua một CTCK (tạm gọi là nhận lệnh từ bên thứ ba). Việc không giao dịch qua robot khiến hoạt động này có thể phải ngừng lại vì hoạt động này nếu trên quy mô lớn sẽ gần như phải thực hiện realtime và bằng máy. Quy định mới sẽ ảnh hưởng đến các công ty dạng này và các CTCK có hợp tác với các công ty đó.

- Copytrade, hoặc các giao dịch ủy thác trên nhiều tài khoản: Đây là hoạt động cũng được triển khai ở một vài CTCK trong thời gian gần đây. Khi cấm giao dịch bằng máy, việc đặt lệnh trên nhiều tài khoản một lúc có thể gặp nhiều khó khăn hơn, khiến các CTCK khó khăn hơn trong việc vận hành dịch vụ này. Tất nhiên, nếu khâu vận hành thủ công không thể đáp ứng, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản.

- Quản trị rủi ro (cắt lỗ, chốt lời) một cách chủ động: đây là tính năng của một số phần mềm giao dịch mới. Việc này phần nào hỗ trợ nhà đầu tư trong việc quản trị rủi ro, nhưng mặt khác cũng có thể dẫn đến việc stoploss/chốt lời ồ ạt làm tăng mức độ biến động của thị trường. Không thực hiện tự động, nhà đầu tư có thể chần chừ hơn trong việc ra quyết định, nhất là khi cắt lỗ. Do đó, việc này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến thanh khoản.

- Các hoạt động khác, ví dụ giao dịch bằng thuật toán: Hoạt động này chưa phổ biến vì hầu như chưa có bên nào chính thức cho phép tác động vào core giao dịch. Có một số đội tự doanh thực hiện nhưng giao dịch tự doanh hiện không chiếm tỷ trọng quá lớn.

Tổng hợp các tác động trên, ông Huy cho rằng, ảnh hưởng đến thanh khoản là có, nhưng ở mức độ trung bình vì tỷ trọng giao dịch bằng robot ở Việt Nam chưa cao, giảm mức độ biến động thị trường và giảm tải áp lực cho hệ thống giao dịch.

Quyết định này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến một số CTCK có nguồn thu lớn đến từ các mảng kinh doanh như kinh doanh chênh lệch giá, copytrade, các CTCK nhận lệnh gián tiếp từ bên thứ ba qua robot… mà chưa tìm được giải pháp thay thế. Các công ty hợp tác với các CTCK để triển khai dịch vụ cho khách hàng của mình.

Tin bài liên quan