Đầu tháng 1/2015, NHNN đã thay đổi tỷ giá tham chiếu 1%

Đầu tháng 1/2015, NHNN đã thay đổi tỷ giá tham chiếu 1%

Không nên bó khung tỷ giá

(ĐTCK) Trước sự tăng giá mạnh của đồng USD với các loại ngoại tệ khác và khả năng còn tăng tiếp, nhiều phân tích đang đưa ra khuyến nghị mới cho điều hành tỷ giá thay vì bó khung 2% năm nay.
 

Tỷ giá chịu áp lực nhất định

Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC vừa công bố bản Báo cáo Kinh tế vĩ mô - Triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam số tháng 2/2015 với tiêu đề: “Những thách thức trong năm 2015: nhu cầu, lạm phát giảm và nợ” đề cập đến một chỉ thị của NHNN đã thông báo (theo trang web của NHNN ngày 27/1/2015). Theo đó, Nhà nước sẽ đưa ổn định tiền tệ lên ưu tiên hàng đầu và NHNN sẽ chỉ giảm cặp tỷ giá VND/USD tối đa 2% trong năm nay. NHNN đã thay đổi tỷ giá tham chiếu 1% từ đầu tháng Giêng tạo cơ hội để giảm giá tiền đồng thêm 1%. Kể từ tháng 12/2014, tiền đồng cũng đã tăng giá mặc dù tỷ giá tham chiếu có thay đổi trong khi các đồng tiền khác bao gồm đồng Euro và Nhân dân tệ đều mất giá.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế đến từ Nhóm Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô châu Á của Ngân hàng Standard Chartered nhận định, đồng Việt Nam sẽ không chịu nhiều áp lực về tỷ giá ngắn hạn.

ANZ dự báo, tỷ giá USD/VND có thể đạt mức 22.050 đồng vào cuối năm 2015 do cán cân thương mại nghiêng về hướng thặng dư trong 3 năm liên tục, cộng hưởng với dòng vốn FDI gia tăng đã củng cố vị thế của VND so với các đồng tiền khác trong khu vực. Tuy vậy, chuyên gia ANZ không kỳ vọng VND hoàn toàn “đứng ngoài” trước đà tăng giá của đồng đô la Mỹ, nhất là khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ sớm tăng lãi suất trong thời gian tới.

Báo cáo Triển vọng kinh tế năm 2015 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS) vừa công bố khuyến nghị, đồng USD tăng giá, nhiều loại tiền khác đã giảm giá trị như đồng NDT, YEN, EUR; điều này sẽ tạo áp lực nhất định lên tỷ giá năm 2015. Do vậy, cần xem xét cân nhắc thực hiện chính sách tỷ giá linh hoạt, nhằm đảm bảo ổn định hơn cho nền kinh tế.  

Tiếp tục giảm lãi suất chính sách

Báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần được điều chỉnh theo mùa trong tháng 1/2015 của HSBC cho thấy, các điều kiện kinh doanh tại các công ty thuộc lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục được cải thiện ở mức khiêm tốn, với kết quả chỉ số đã giảm từ 52,7 điểm trong tháng 12 xuống 51,5 điểm trong tháng 1. Hoạt động mua hàng đã gia tăng tháng thứ 17 liên tiếp, mặc dù tốc độ tăng là chậm nhất kể từ tháng 10. Ở những nơi tăng mua hàng, nguyên nhân được cho là để đáp ứng yêu cầu sản xuất cao hơn.

Với tốc độ cải thiện vẫn ở mức khiêm tốn, báo cáo của UBGS cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới duy trì mức lãi suất thấp, nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa, để tiếp tục hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh, việc xem xét tiếp tục giảm lãi suất cho vay là cần thiết và nhiều ý nghĩa.

Đồng quan điểm trên, bà Eugenia Fabon Victorino, Chuyên gia kinh tế ANZ, khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, trong bối cảnh lạm phát tiếp tục giảm sẽ có nhiều dư địa hơn để NHNN tiếp tục giảm lãi suất chính sách trong năm 2015. Bên cạnh đó, NHNN có nhiều công cụ để thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm 2015.

Tuy nhiên, báo cáo của HSBC cũng cảnh báo, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam trong ngắn hạn và trung hạn có thể là do cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là phân bổ các khoản tín dụng như thế nào, bởi nguy cơ quay lại mô hình tăng trưởng không bền vững - ủng hộ cho các DNNN hoạt động đầu tư thiếu hiệu quả.

Không phải ngẫu nhiên HSBC quan ngại như vậy bởi số liệu cho thấy, trong hai năm qua, thị phần đầu tư Nhà nước chiếm tới 40,4% trong khi thị phần sản lượng đóng góp chỉ có 32,2%. Trong năm 2011, thị phần đầu tư 37% trong khi sản lượng là 32%. Nói cách khác, mặc dù đã chiếm phần lớn hơn trong phân bổ nguồn vốn, khu vực Nhà nước vẫn không thể cải thiện sản lượng của mình.

“NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13 - 15% trong năm 2015 và Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,2%, gần bằng dự đoán của HSBC là 6,1% trong năm 2015. Tuy nhiên, HSBC lo ngại rằng, tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam, đặc biệt là các ngành hoạt động hiệu quả nhất của nền kinh tế là tư nhân trong nước tiếp tục bị các DNNN lấn lướt”, báo cáo của HSBC nhận định.     

Tin bài liên quan