Kịch bản tăng trưởng 2021 cần bảo đảm 5 yếu tố

0:00 / 0:00
0:00
Chủ nhật, 25/7, Quốc hội dành gần trọn ngày thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giải pháp 6 tháng cuối năm 2021...
Trước khi thảo luận tại hội trường, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về kinh tế, xã hội, ngân sách (Trong ảnh: phiên thảo luận của tổ 14 ).

Trước khi thảo luận tại hội trường, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về kinh tế, xã hội, ngân sách (Trong ảnh: phiên thảo luận của tổ 14 ).

Ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn nợ công, bội chi ngân sách nhà nước ở mức cho phép, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, vai trò quan trọng của ngân sách trung ương, đó là 5 yếu tố mà kịch bản tăng trưởng 2021 cần bảo đảm, theo ý kiến đại biểu Quốc hội.

Kinh tế tư nhân chưa thực sự trở thành động lực

Trước đó, chiều ngày 22/7/2021, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm nay và 5 năm tới.

Tổng hợp ý kiến tại 20 tổ thảo luận cho thấy 106 ý kiến tán thành với nội dung trong Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và cho rằng các báo cáo được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, cô đọng, súc tích.

Về các kết quả đạt được, một số vị đại biểu nhấn manh tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 5,64%, cao hơn mức tăng cùng kỳ của năm 2020 (1,82%) , thu ngân sách nhà nước đạt ấn tượng.

Lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định kim ngạch xuất khẩu tăng cao, số lượng doanh nghiệp thành lập mới vẫn gia tăng; sức khỏe và tính mạng của Nhân dân được chăm lo và bảo vệ cũng là những kết quả được đại biểu ghi nhận.

Tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ ra không ít hạn chế, như thu hút FDI giảm; vốn đầu tư nước ngoài giải ngân rất thấp, chỉ đạt 7,37%. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao hơn cùng kỳ, bắt đầu xuất hiện những doanh nghiệp lớn rời bỏ thị trường .

Bên cạnh đó tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 29,02% kế hoạch, thấp hơn mức 34% của cùng kỳ năm trước.

Một số ý kiến nhấn mạnh việc triển khai chính sách, thực hiện các gói hỗ trợ bị ảnh hưởng bởi tác động của dịch bệnh Covid-19 còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, tỷ lệ giải ngân thấp, chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn, đặc biệt là người lao động trong khu vực phi chính thức, công nhân và các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Việc tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 được đặt ra rất cấp bách, tuy nhiên, việc triển khai thực hiện cũng chậm.

Đánh giá về việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, nhiều đại biểu sốt ruột khi cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn rất chậm, không đạt được mục tiêu. Việc này còn nhiều vướng mắc, khó khăn, đặc biệt liên quan đến đất đai khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, theo nhận xét của đại biểu.

Liên quan đến khó khăn của doanh nghiệp, đại biểu cho rằng việc tiếp cận các gói hỗ trợ gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp hầu như không tiếp cận được nguồn vốn do chưa đáp ứng đầy đủ được tiêu chí.

Theo đánh giá của đại biểu, kinh tế tư nhân chưa thực sự trở thành động lực của nền kinh tế. Năng lực, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã tương đối yếu, thể hiện qua chỉ số nợ thuế cao. Khi phân tích mô hình tài chính cho thấy nhà nước còn chưa có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong nước .

Việc yêu cầu các doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất là vấn đề “bấp bênh” trong pháp lý. Nếu doanh nghiệp không đồng thuận và có những ràng buộc về hiệp định thương mại dễ dẫn đến việc khiếu kiện ra trọng tài quốc tế, Tổng thư ký Quốc hội phản ánh ý kiến đại biểu.

Có kịch bản cho tình huống xấu nhất

Đóng góp giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2021, đại biểu cho rằng cần xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế cho năm 2021 phù hợp với tình hình hiện nay, dự báo kịp thời, linh hoạt, thống nhất, phù hợp với từng vùng, miền đối phó với các tình huống khác nhau.

Ý kiến tại nhiều tổ đề nghị tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” trong khi điều kiện dịch bệnh ngày càng phức tạp, tác động của dịch bệnh rất lớn, các doanh nghiệp phá sản, ngừng sản xuất nhiều.

Kịch bản tăng trưởng cần phải bảo đảm 5 yếu tố: ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn nợ công, bội chi ngân sách nhà nước ở mức cho phép, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, vai trò quan trọng của ngân sách trung ương. Nghiên cứu xây dựng chương trình tổng thể phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 cũng là quan điểm của đại biểu khi thảo luận tổ.

Một số đại biểu nhấn mạnh Chính phủ kiên định mục tiêu kép nhưng 6 tháng cuối năm cần có giải pháp cụ thể, thiết thực hơn. Trước mắt ưu tiên linh hoạt về phòng, chống dịch và tiến hành giãn cách xã hội, chú trọng đến vấn đề vắc-xin, trang, thiết bị y tế và thuốc điều trị Covid-19.

Cần đánh giá, dự đoán đúng tình hình, xây dựng các kịch bản phù hợp với tình hình thực tế trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát và trong tình hình dịch bệnh trở nên phức tạp hơn. Đồng thời, dự lường, đưa ra phương án, kịch bản để ứng phó nếu trong trường hợp xấu nhất như dịch bệnh phức tạp, sạt lở, lũ, lụt, thiên tai cùng lúc xảy ra, trong đó chú ý đến vấn đề vệ sinh môi trường, an ninh nguồn nước là ý kiến được nêu ở hơn 1 tổ thảo luận.

Một số vị đại biểu đề nghị Chính phủ cần tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để xử lý nhanh các vấn đề tồn đọng, như ngân hàng 0 đồng , 12 dự án yếu kém của ngành Công Thương .

Đại biểu Quốc hội còn cho rằng cần đẩy mạnh hỗ trợ tín dụng cho các dự án hiệu quả, tiềm năng; kiểm soát dòng tín dụng chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ cao như: bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...

Tin bài liên quan