Kiểm toán - một nghề nghiệp được nhận định là đặc thù, nhàm chán bởi đối mặt chỉ có số liệu và rủi ro khi có sự nhầm lẫn. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ đã giúp cho những nhận định cũ phải thay đổi, thưa ông?
Đúng vậy, những xu hướng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, tự động hóa quy trình bằng robot (RPA) và blockchain đang thay đổi căn bản cách thức kiểm toán. Ví dụ, AI có thể tự động quét và phân tích 100% giao dịch để phát hiện các điểm bất thường, thay vì phương pháp chọn mẫu thủ công. Tự động hóa quy trình bằng robot thì đảm nhiệm những tác vụ lặp đi lặp lại như nhập liệu hay đối chiếu số liệu, giúp kiểm toán viên tập trung vào những vấn đề phức tạp, mang tính chiến lược hơn.
Điều này không chỉ nâng cao độ chính xác, hiệu suất công việc mà còn làm cho nghề kiểm toán trở nên hấp dẫn hơn khi nhân sự được giải phóng khỏi các công việc nhàm chán để đảm nhiệm vai trò phân tích, tư vấn có giá trị cao.
Bên cạnh đó, phân tích dữ liệu nâng cao đã trở thành công cụ đắc lực giúp kiểm toán viên đánh giá rủi ro, nhận diện sai sót trọng yếu và rút ra những phân tích có giá trị từ dữ liệu phi cấu trúc khổng lồ. Xu thế toàn cầu đang rất rõ: ai nắm bắt công nghệ sẽ nắm giữ tương lai của ngành kiểm toán.
Đáng chú ý, các hãng kiểm toán hàng đầu thế giới cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ. Hãng PwC đã công bố dành 1 tỷ USD cho AI tạo sinh nhằm tiên phong ứng dụng AI trong kiểm toán, thuế và tư vấn. Thậm chí một số nghiên cứu đã dự báo trong vài năm tới, phần lớn công việc mang tính quy trình trong kiểm toán có thể được tự động hóa tới 90% nhờ AI. Điều này cho thấy mức độ đột phá mà công nghệ sẽ mang lại - và cũng là lời cảnh báo rằng nếu chúng ta không kịp thích ứng, chính nghề kiểm toán truyền thống có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.
Liệu có thể hiểu rằng, trong tương lai, công chúng sẽ có cơ hội đặt niềm tin vào AI thay vì con người? Kiểm toán Nhà nước đã sẵn sàng đồng hành cùng AI như thế nào?
Tôi muốn nhấn mạnh rằng công nghệ sẽ không bao giờ thay thế hoàn toàn vai trò con người. Kinh nghiệm, trực giác nghề nghiệp và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên vẫn là nhân tố quyết định để đảm bảo niềm tin của công chúng.
Công nghệ là công cụ để chúng ta làm việc thông minh hơn, chứ không phải để loại bỏ con người khỏi quy trình. Vì vậy, kiểm toán viên cần học hỏi kỹ năng mới, sẵn sàng thích ứng với những phương pháp kiểm toán hiện đại, đồng thời giữ vững giá trị cốt lõi của nghề nghiệp.
Ở Việt Nam, chúng ta có cơ hội rất lớn để bắt kịp và thậm chí đi cùng nhịp với thế giới. Với lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, năng động và nền tảng công nghệ thông tin đang phát triển nhanh, ngành kiểm toán nhà nước Việt Nam có điều kiện thuận lợi để ứng dụng những thành tựu mới nhất của cuộc cách mạng số.
Những năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã xác định chuyển đổi số là mũi nhọn ưu tiên hàng đầu. Mới đây, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã nhấn mạnh việc ứng dụng AI trong kiểm toán là “nhiệm vụ cấp bách, cần triển khai ngay” để nâng cao hiệu quả quản lý, phù hợp với chủ trương chuyển đổi số quốc gia. Quyết tâm đó đã được cụ thể hóa bằng hành động.
Kiểm toán Nhà nước đã thí điểm ứng dụng AI trong hoạt động kiểm toán tại cuộc Kiểm toán Chuyên đề việc đầu tư, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin, các hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số tại một số địa phương. Những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ. AI đã hỗ trợ kiểm toán viên phân tích dữ liệu và lựa chọn mẫu kiểm toán hiệu quả hơn; đã cập nhật tự động các quy định pháp luật, so sánh đối chiếu dữ liệu trên phạm vi rộng để có các đánh giá chính xác, toàn diện và hỗ trợ kiểm toán viên đưa ra kết luận khách quan hơn.
Rõ ràng, nếu biết tận dụng thời cơ, Việt Nam có thể đi tắt, đón đầu nhiều xu hướng mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán công. Chúng ta có thể xây dựng một nền kiểm toán hiện đại, minh bạch, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển và quản trị quốc gia. Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một hình mẫu về ứng dụng công nghệ trong kiểm toán ở khu vực nếu có chiến lược đúng đắn và hành động quyết liệt ngay từ bây giờ.
Chủ động cập nhật, đổi mới, thích nghi với xu thế là việc cần làm ngay và luôn, thưa ông?
Lịch sử đã chỉ ra rằng ai không bắt kịp xu thế sẽ bị bỏ lại phía sau. Trong lĩnh vực công nghệ, những bài học như vậy không thiếu. Kodak từng là “gã khổng lồ” trong ngành phim ảnh với 90% thị phần vào thập niên 1990, nhưng do chậm chuyển sang công nghệ ảnh số nên đã nộp đơn phá sản vào năm 2012. Blockbuster, một thời là chuỗi cho thuê băng đĩa video lớn nhất thế giới, cũng sụp đổ vào năm 2010 vì không kịp thích ứng với xu hướng xem phim trực tuyến do Netflix khởi xướng. Những ví dụ đó cho thấy sự nghiệt ngã của việc chậm thay đổi: quy mô lớn hay vị thế cao đến đâu cũng không bảo đảm cho thành công trong tương lai, nếu chúng ta không chủ động đổi mới.
Trong lĩnh vực kiểm toán công cũng vậy. Nếu chúng ta hài lòng với phương thức làm việc cũ, bỏ qua làn sóng công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ, thì chẳng mấy chốc sẽ trở nên lạc hậu trước khối lượng dữ liệu khổng lồ và các giao dịch tài chính phức tạp của nền kinh tế số. Ngược lại, nếu biết rút kinh nghiệm từ những bài học trên, chúng ta sẽ thấy rằng đổi mới là con đường duy nhất. Chuyển đổi số trong kiểm toán không chỉ đơn thuần là đầu tư máy móc, phần mềm, mà còn là đổi mới tư duy và cách làm. Mỗi kiểm toán viên cần hiểu rằng công nghệ không đe dọa chúng ta, mà chính là thời cơ để chúng ta làm tốt hơn sứ mệnh của mình.
Vì vậy, hãy hành động ngay, mạnh mẽ và dứt khoát. Chúng ta không thể chậm trễ hơn nữa. Nếu không chủ động, chúng ta sẽ đi vào vết xe đổ của những tổ chức, mô hình đã thất bại vì không kịp chuyển mình. Ngược lại, nếu quyết tâm nắm bắt, chúng ta có thể biến thách thức thành cơ hội, đưa ngành kiểm toán Việt Nam vươn lên một tầm cao mới trong kỷ nguyên số.
Người xưa có câu “mọi việc đều khó khăn khi bắt đầu” nhưng cũng có câu “hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân”, Kiểm toán Nhà nước khởi đầu hành trình ứng dụng công nghệ như thế nào, thưa ông?
Ứng dụng công nghệ, đặc biệt là AI, trong kiểm toán công là xu thế tất yếu. Vấn đề chỉ còn là chúng ta hành động nhanh hay chậm mà thôi. Mỗi đơn vị, mỗi kiểm toán viên của ngành kiểm toán hãy chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng về công nghệ; mạnh dạn đề xuất và thử nghiệm những cách làm mới; và quan trọng hơn cả là hãy thay đổi tư duy để sẵn sàng cho một tương lai kiểm toán số hóa.
Việt Nam chúng ta có đủ lý do để tin tưởng và lạc quan. Bởi lẽ, chúng ta không khởi hành một mình, mà có cả một cộng đồng kiểm toán quốc tế đang chuyển mình, sẵn sàng chia sẻ và hợp tác. Với sự quyết tâm của lãnh đạo, sự đồng lòng của đội ngũ kiểm toán viên và sự hỗ trợ từ các chuyên gia công nghệ, tôi tin rằng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam sẽ vững vàng bước lên con tàu kỷ nguyên số, nâng cao chất lượng, hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong mọi hoạt động.