Kiên quyết xử lý cán bộ nhũng nhiễu, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, kết quả giải ngân vốn của các đơn vị năm 2021 là tiêu chí để đánh giá xét thi đua và đánh giá hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của người đứng đầu.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế.

Sáng 10/6, báo cáo tại phiên họp mở rộng của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã nêu các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện trong những tháng cuối năm, trong đó có đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

Bất động sản, chứng khoán, vàng còn tiềm ẩn rủi ro

Trước khi trình bày, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, các báo cáo gửi đến Ủy ban Kinh tế đã được Chính phủ quan tâm, chính sửa rất kỹ.

Theo đánh giá của Chính phủ, từ đầu năm đến nay, nhiệm vụ thực hiện "mục tiêu kép" được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao. Các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh của người dân; cố gắng cao nhất bảo đảm các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP quý I và dự báo 6 tháng đầu năm chưa đạt mục tiêu theo kịch bản đề ra. Xuất nhập khẩu còn phụ thuộc vào một số ít thị trường, tỷ trọng xuất khẩu khu vực FDI còn cao (74,8%); cán cân thương mại có chiều hướng nghiêng về nhập siêu (5 tháng nhập siêu 369 triệu USD); hàng hóa xuất nhập khẩu có thời điểm bị ùn ứ.

Các thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán, vàng còn tiềm ẩn rủi ro, báo cáo nêu rõ.

Vẫn nằm trong các hạn chế, theo Thứ trưởng, đến hết tháng 5 năm 2021, còn 15,6% vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương chưa được các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết do phải chờ thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 .

Giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương 5 tháng đầu năm 2021 còn chậm, đạt 22,12% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (25,98%), trong đó vốn nước ngoài giải ngân rất thấp, chỉ đạt 2,97%.

Thu hút FDI đạt 14 tỷ USD, nhưng số dự án cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần giảm trên 50% cho thấy tín hiệu còn nhiều khó khăn, sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu suy giảm.

Hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 23%. Đáng chú ý, số lượng các doanh nghiệp quy mô lớn rút lui khỏi thị trường tăng cao, phản ánh sức chống chịu của các doanh nghiệp đã suy giảm bởi dịch bệnh.

Lực lượng lao động trong quý I giảm, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức và lao động thiếu việc làm đều tăng. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, đặc biệt là người lao động làm việc trong các khu công nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, đấu tranh, phòng, chống tội phạm còn nhiều thách thức, nhất là đối với tội phạm lừa đảo, tài chính, tội phạm qua mạng cũng là hạn chế được Chính phủ nhìn nhận.

Kiên định thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép"

Về dự báo kinh tế 6 tháng cuối năm, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, kinh tế trong nước được nhiều tổ chức trên thế giới đưa ra mức dự báo tăng trưởng khá lạc quan trong năm 2021. Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021 đến từ khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, gia tăng đầu tư và mở rộng hoạt động thương mại thông qua tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại đã ký kết.

Tuy nhiên triển vọng tăng trưởng kinh tế trong nước những tháng cuối năm còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức; dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp; năng lực nội tại của nền kinh tế thấp, phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; khả năng lạm phát gia tăng; rủi ro về thiên tai, dịch bệnh; đời sống nhân dân và hoạt động kinh doanh còn khó khăn…

Trong đó, việc ứng phó, ngăn chặn, kiểm soát thành công dịch Covid-19 là nhân tố quan trọng, có vai trò quyết định tới ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo thực hiện trong những tháng cuối năm, Thứ trưởng cho biết Chính phủ tiếp tục chuyển nhanh tư duy, nhận thức, phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình để đưa ra quyết sách kịp thời, chính xác, hiệu quả.

Chính phủ cũng xác định kiên trì kiềm chế, đẩy lùi, ngăn chặn có hiệu quả đợt bùng phát lần thứ 4 của dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, khôi phục và phát triển kinh tế. Sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực để sớm có vắc-xin phòng Covid-19 và tiêm miễn phí cho toàn dân, nhằm đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng và việc này cần duy trì hằng năm. Tiêm vắc-xin là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược và quyết định để thoát khỏi đại dịch.

Giải pháp tiếp theo được Thứ trưởng báo cáo là thường xuyên rà soát, kịp thời có biện pháp hiệu quả tháo gỡ những vướng mắc về thể chế để huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng hệ thống hành chính nhà nước kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân.

Tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương nắm bắt tình hình để điều chỉnh giải pháp thu hút FDI phù hợp tiếp tục được Chính phủ xác định thời gian tới.

Về vấn đề được nhiều đại biểu và chuyên gia quan tâm là giải ngân vốn đầu tư công, Thứ trưởng cho biết từ nay đến cuối năm sẽ tập trung tháo gỡ những vướng mắc thể chế đầu tư công, xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng…; người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, rà soát tiến độ, kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA; kiên quyết xử lý cán bộ có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm; lấy kết quả giải ngân vốn của các đơn vị năm 2021 là tiêu chí để đánh giá xét thi đua và đánh giá hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của người đứng đầu; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.

Tin bài liên quan