Tăng trưởng lĩnh vực dịch vụ những tháng đầu năm 2015 tương đối ổn định - Ảnh: Lê Toàn

Tăng trưởng lĩnh vực dịch vụ những tháng đầu năm 2015 tương đối ổn định - Ảnh: Lê Toàn

Kinh tế dần hồi phục, nhưng nợ xấu vẫn là mối lo lớn

(ĐTCK) Nền kinh tế dần hồi phục, kéo theo nhu cầu vốn của DN cải thiện. Tuy nhiên, để dòng tín dụng luân chuyển mạnh mẽ hơn, cần thiết đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Muốn làm được điều này, Việt Nam cần có một khung pháp lý rõ ràng trong việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính để đẩy nhanh việc phát mãi tài sản thu hồi nợ.

Dấu hiệu hồi phục kinh tế

Nền kinh tế Việt Nam khởi động năm 2015 với một vị thế khá lạc quan. Quý I, ngành sản xuất đã tăng trưởng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lĩnh vực dịch vụ cũng có mức tăng đáng kể 5,8%. Chỉ số GDP quý I/2015 tăng 6,0% so với quý I năm ngoái, phản ánh chỉ số PMI có mức ổn định tương đối trong ba tháng qua. Nhờ vào nhu cầu cao hơn, tăng trưởng tín dụng khối tư nhân trong quý I/2015 cũng đạt mức 15,5% so với cùng kỳ.

Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải thiện và đưa nền kinh tế đi đúng hướng. Chúng ta thấy nhiều cải cách trong lĩnh vực ngân hàng và NHNN thể hiện sự minh bạch khi cung cấp thông tin và định hướng thị trường. Các dự án đầu tư công cũng ngày càng đi theo hướng phục vụ nhu cầu cấp thiết, thay vì chỉ phân bổ theo địa lý tỉnh, thành. Tuy nhiên, hiện tại, phần đầu tư vào khu vực nhà nước vẫn còn cao, trong khi sản lượng đầu ra của khu vực này không lớn. Điều đó chứng tỏ Chính phủ cần xem xét lại việc phân bổ nguồn vốn, đồng thời, đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN.

Việt Nam cũng chưa có nhiều cải cách về lao động hay phát triển công nghiệp phụ trợ và chưa có một cơ quan đầu ngành nào hỗ trợ việc tập trung nguồn vốn tài trợ để đưa Việt Nam tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam vẫn đang chịu những ảnh hưởng của một nền kinh tế phát triển dựa trên tín dụng, do đã có một thời kỳ sử dụng tín dụng (cho vay nợ) tăng cao. Hiện tại, Chính phủ cũng đã có những biện pháp để giảm dần dòng tín dụng đổ vào các lĩnh vực không hiệu quả để ưu tiên tín dụng cho những lĩnh vực phát triển hiệu quả hơn.

Kinh tế dần hồi phục, nhưng nợ xấu vẫn là mối lo lớn ảnh 1

Bà Trinh Nguyễn, Chuyên gia kinh tế HSBC Global Research

Trong trung hạn, chúng tôi nhận định triển vọng nền kinh tế Việt Nam tương đối sáng sủa do ngành sản xuất đang hoạt động tốt và tăng trưởng lĩnh vực dịch vụ tương đối ổn định. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang có những cải cách đối với hoạt động đầu tư.

Lâu nay, Việt Nam tập trung chủ yếu vào số lượng, nhưng nay đã chú trọng hơn vào chất lượng như phát triển công nghệ một cách bền vững và đầu tư vào các dự án phục vụ nhu cầu cấp thiết, thay vì phân bổ theo vùng miền. Tuy nhiên, theo chúng tôi, còn khá nhiều việc mà Chính phủ Việt Nam cần phải tiếp tục thực hiện như: cải thiện năng suất, cải cách khu vực lao động, ngành giáo dục, phân bổ nguồn vốn sao cho hiệu quả và thực hiện cải cách lĩnh vực ngân hàng.

Kỳ vọng tăng trưởng GPD sẽ đạt mức 6,1% khi nhu cầu nội địa dần được cải thiện và một ngành sản xuất tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, quá trình hồi phục của nền kinh tế vẫn chứa đựng một số rủi ro, bao gồm nhu cầu ngoài nước yếu có thể làm cho nhu cầu đối với hàng hoá của Việt Nam bị giảm đi, cũng như sự suy giảm trong chu kỳ hàng hoá làm giảm trị giá xuất khẩu của Việt Nam.

Thêm vào đó, các quốc gia láng giềng như Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc hiện đang là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam. Đồng tiền của các nước đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam giảm cũng có thể làm cho biên lợi nhuận của các nhà xuất khẩu bị giảm theo.

Nhu cầu vốn cải thiện dần

Trước sự hồi phục của nền kinh tế, nhu cầu vốn tín dụng đang dần được cải thiện và tốt hơn nhiều so với năm trước. Dự báo dư nợ tín dụng sẽ dần cải thiện về cuối năm nên mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13 - 15% được Chính phủ đề ra không khó đạt được, nhất là khi mặt bằng lãi suất đang theo chiều hướng giảm.

Các mức lãi suất qua đêm đã tăng cho thấy nhu cầu mạnh trên thị trường. Điều này là tích cực, vì tăng trưởng tín dụng đã tốt lên rất nhiều so với năm trước. Trên cơ sở lạm phát thấp đã tạo cơ hội giảm thêm 0,5% lãi suất OMO, đưa chi phí vốn giảm về mức 4,5%/năm. Nhu cầu về tín dụng đã dần cải thiện sẽ làm cho các điều kiện kinh doanh dễ dàng hơn.

Mặc dù hiện tại tình hình thanh khoản khá dồi dào, nhưng các ngân hàng vẫn luôn phải kiểm soát rủi ro nên tăng trưởng tín dụng khó ồ ạt. Chỉ số cho vay trên huy động đã giảm từ mức 93% vào tháng 5/2011 xuống còn 76% tính đến thời điểm hiện tại, do quá trình giảm bớt nợ vay (một phần do tín dụng khó tăng trưởng) và tăng trưởng của tiền gửi tiết kiệm.

Lãi suất cho vay là một hàm số của lãi suất phi rủi ro và mức rủi ro tối thiểu. Vì tỷ lệ nợ xấu cao, các ngân hàng thương mại trở nên thận trọng hơn khi đánh giá mức độ rủi ro của các DN và nâng mức rủi ro tối thiểu lên cao hơn.

Nếu thị trường định giá rủi ro một cách hiệu quả thì không có gì đáng lo ngại, vì khi đó các DN hoạt động tốt sẽ được đền đáp xứng đáng. Tuy nhiên, có một dấu hiệu lo ngại về nền kinh tế là tăng trưởng của khối công ty nhà nước. Đầu tư cho khối này đã tăng trong những năm gần đây, nhưng đây không phải là khối hoạt động hiệu quả nhất của nền kinh tế.

Trong những tháng đầu năm, nhu cầu tín dụng tốt lên rất nhiều báo hiệu các điều kiện trong nước cải thiện. Chúng tôi kỳ vọng, tín dụng tăng dần trong năm nay khi niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào triển vọng nền kinh tế tăng lên.

Thông thường, NHNN sử dụng các ước tính trong quý IV để đảm bảo đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Ngành ngân hàng Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13 - 15% đưa ra cho năm nay khi nhu cầu của nền kinh tế cải thiện. Nhưng vấn đề không phải là đạt được mức tăng trưởng mục tiêu cho khối tư nhân vay, mà phải cải thiện cách phân phối tín dụng của ngành tài chính - ngân hàng.

Đồng thời, tập trung nhiều hơn vào các kế hoạch thực hiện tái cấu trúc ngành ngân hàng để cải thiện tính hiệu quả hơn là mức tăng trưởng. Việc kéo dài thời hạn các khoản nợ không nói lên được mức độ tăng trưởng của nền kinh tế trong trung, dài hạn, vì có thể rất nhiều khoản nợ trong số này là của các ngành không sản xuất, bắt buộc Nhà nước phải hỗ trợ, còn không sẽ làm tăng tỷ lệ nợ xấu.

Cần khung pháp lý xử lý  nợ xấu

Mục tiêu của ngành ngân hàng Việt Nam là kiểm soát nợ xấu về 3% vào cuối năm. Đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn trong năm 2015, nhưng không phải không thể thực hiện được khi NHNN đã ban hành Thông tư 36 có hiệu lực từ ngày 1/2/2015 và việc áp dụng thống nhất nhóm nợ của từng khách hàng.

Thông tư 36 đã siết lại việc cho vay đầu tư cổ phiếu và mở rộng đối tượng người có liên quan trong việc tính hạn mức cho vay tối đa cho một nhóm khách hàng. Do đó, các ngân hàng hiện đang cho vay đầu tư nhiều vào cổ phiếu hoặc đang sở hữu chéo các ngân hàng khác sẽ phải thu hồi các khoản vay để quản lý các khoản nợ xấu tiềm năng.

Ngoài ra, việc áp dụng thống nhất phân loại nhóm nợ dựa trên thông tin của Trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC) cũng sẽ buộc các ngân hàng phải áp dụng cùng một chuẩn mực phân loại nhóm nợ. Vì vậy, các ngân hàng nhiều khả năng sẽ phải hạ nhóm nợ các khách hàng yếu và trích lập dự phòng nhiều hơn.

Mặt khác, VAMC cũng đang tích cực mua nợ xấu từ các ngân hàng theo phương thức cũ: mua nợ xấu bằng mệnh giá và phát hành trái phiếu đặc biệt cho ngân hàng. Nếu trong năm nay, VAMC thực hiện mua nợ theo giá thị trường thì đây sẽ là một bước tiến hết sức quan trọng trong việc minh bạch hóa và giải quyết nợ xấu một cách dứt điểm.

Một điều quan trọng nữa là chúng ta phải đối diện với thực tế nợ xấu có thể ở mức cao, sau đó, phải giải quyết triệt để vấn đề nợ xấu đồng thời nâng cao chuẩn mực hoạt động của các ngân hàng để giảm thiểu nợ xấu phát sinh mới.

VAMC đã làm tương đối tốt các công việc của họ như: mua nợ xấu và phân loại nợ xấu, giúp các ngân hàng giải quyết tạm thời nợ xấu một cách nhất định. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn của Việt Nam hiện nay là khung pháp lý cho phép xử lý những khó khăn về nợ xấu chưa có. Trong đó, khó nhất là phát mãi tài sản.

Ở các nước trên thế giới khi khoản nợ vay của khách hàng rơi vào nợ xấu thì phía ngân hàng hoàn toàn có thể xử lý tài sản để phát mãi, nhưng với Việt Nam thì vấn đề này không hề dễ dàng do có quá nhiều thủ tục hành chính phức tạp.

Chẳng hạn như ở Mỹ, khi xảy ra cuộc khủng hoảng dưới chuẩn, giá bất động sản giảm rất nhiều và ngân hàng có thể bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Các thủ tục hành chính phức tạp không cho phép phát mãi tài sản nhanh chóng để thu hồi nợ. Tâm lý xã hội nhìn việc thu hồi nợ như một việc xấu. Việt Nam cần cải cách thủ tục hành chính để phục vụ phát mãi tài sản thu hồi nợ, khơi dòng tín dụng.

Lĩnh vực sản xuất vẫn là ngành hoạt động tốt ở Việt Nam và lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng ổn định dựa trên đặc điểm dân số học, nguồn lực trẻ của Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa, tất cả các DN đều tốt lên, mà trước tình hình này đòi hỏi DN, nhất là với các DN trong lĩnh vực sản xuất phải biết kiểm soát dòng tiền một cách hiệu quả mới có thể tăng trưởng tốt. Điều này cũng có nghĩa là các DN cũng như nền kinh tế không chỉ nên dựa quá nhiều vào dòng vốn tín dụng - ngân hàng. Vì như thế, tăng trưởng kinh tế (GDP) Việt Nam sẽ không bền vững.

Tin bài liên quan