Kinh tế khu vực phía Nam phục hồi mạnh mẽ trong 9 tháng năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
Trong 9 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vực phía Nam đạt 2.209 nghìn tỷ đồng, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm tỷ trọng 53% so với cả nước.
Sản xuất lốp xe ôtô tại Công ty TNHH Sailun Việt Nam, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu (Tây Ninh). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN).

Sản xuất lốp xe ôtô tại Công ty TNHH Sailun Việt Nam, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu (Tây Ninh). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN).

Ngày 14/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội nghị ngành công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ 8 năm 2022.

Trong 9 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vực phía Nam đạt 2.209 nghìn tỷ đồng, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm tỷ trọng 53% so với cả nước (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng năm 2022 cả nước đạt 4.170 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ).

Có 14/20 tỉnh, thành phố tăng trưởng cao hơn mức cả nước như: Bà Rịa-Vũng Tàu (47,14%); thành phố Cần Thơ (43,53%); Trà Vinh (40,79%); Sóc Trăng (30,24%); Tây Ninh (29,98%)...

Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2022 của khu vực cũng tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021. Có 12/20 tỉnh, thành phố có mức tăng cao hơn mức tăng bình quân của cả nước (cả nước tăng 9,6%) như: thành phố Cần Thơ tăng 30,9%; Vĩnh Long tăng 28,9%; Tây Ninh tăng 20,13%...

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Dương Văn Thắng cho biết trong 9 tháng năm 2022, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh đạt được kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Kinh tế tiếp tục phục hồi và đạt mức tăng trưởng khá cao; tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng đạt 11,52%, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước là 8,83%), xếp hạng 1/8 tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 74,1% so với kế hoạch, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến của các đại biểu đã đề xuất những quan điểm, chủ trương, cơ chế, chính sách cũng như giải pháp cụ thể, thiết thực để tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của ngành công thương.

Các đại biểu khẳng định, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại của các địa phương vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, nhất là về pháp luật, cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện hoạt động liên kết vùng, kết nối không gian phát triển.

Hầu hết các ý kiến tập trung vào 4 nhóm vấn đề gồm: quản lý nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu; quản lý và phát triển điện năng lượng tái tạo; quy hoạch phát triển thương mại tại các cửa khẩu, chợ trên tuyến biên giới với nước bạn Campuchia và phát triển thương mại điện tử.

Trước bối cảnh thị trường xăng dầu trong nước 9 tháng năm 2022 có nhiều biến động, đại diện lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang kiến nghị ngành công thương nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý xăng dầu; trong đó, quy định cụ thể về thời gian bán hàng tối thiểu trong ngày của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trường hợp cắt giảm trụ bơm xăng dầu và loại xăng dầu bán ra phải thông báo và được Sở Công Thương chấp thuận.

Đồng thời, nghiên cứu quy định về mức chiết khấu tối thiểu của các thương nhân phân phối xăng dầu, tổng đại lý trả cho khách hàng, đại lý thuộc hệ thống.

Tại hội nghị, đại diện các Cục Công tác phía Nam, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), lãnh đạo Tập Đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã giải trình những vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao những kết quả đạt được trong phát triển công nghiệp, thương mại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vừa được kéo giảm; biến động giá xăng dầu và nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Trên cơ sở đó, để hoàn thành mục tiêu năm 2022, Thứ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra của ngành; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; ưu tiên các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả; theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất; hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu...

Năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vực phía Nam đạt 2.353 nghìn tỷ đồng, đạt 96,74% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm tỷ trọng 49% so với cả nước (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2021 cả nước đạt 4.789 nghìn tỷ đồng).

Tin bài liên quan