Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,9% trong quý III

0:00 / 0:00
0:00
Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc trong quý III/2023 tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái và kết quả tăng trưởng này vượt kỳ vọng của thị trường.
Kinh tế Trung Quốc trong quý III/2023 tăng 1,3% so với quý trước đó. Ảnh: AFP

Kinh tế Trung Quốc trong quý III/2023 tăng 1,3% so với quý trước đó. Ảnh: AFP

Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong quý III/2023 tăng trưởng 1,3% so với quý trước đó, lấy lại động lực sau khi mức tăng trưởng 0,5% của quý II. Trước đó, các nhà kinh tế dự báo với Reuters rằng, mức tăng trưởng quý III của Trung Quốc là 4,5%.

Theo tờ Financial Times, kinh tế Trung Quốc trong quý I/2023 tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ năm trước và đạt mức tăng 6,3% trong quý II.

Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc vẫn tỏ ra thận trọng khi đánh giá triển vọng kinh tế. "Chúng ta cần lưu ý rằng môi trường bên ngoài đang trở nên phức tạp và nghiêm trọng hơn, trong khi nhu cầu trong nước vẫn chưa đủ mạnh và nền tảng cho sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế cần được củng cố hơn nữa", Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc hôm 18/10 đánh giá.

Hướng đến mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 5% - vốn là mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ - trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã cố gắng ổn định ngành bất động sản và ngân hàng, đồng thời tăng cường hỗ trợ cho thị trường chứng khoán và đồng nhân dân tệ.

Bà Alicia García-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á -Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Natixis, cho rằng phạm vi của các biện pháp ổn định cho thấy Bắc Kinh đang phản ứng trước những "vết nứt" xuất hiện trong hệ thống tài chính.

Bà Alicia García-Herrero nói thêm: "Đối với tôi, mức tăng trưởng nhẹ 5% trong năm sẽ không đủ để che đậy những vết nứt đó. Nếu thế giới đi sai hướng, Trung Quốc sẽ rất khó tránh khỏi những vết nứt ngày càng sâu sắc hơn".

Chính quyền Trung Quốc đang cố gắng đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng đầu tư bất động sản và đầu cơ tài chính dựa vào đòn bẩy nợ cũng như các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng nhà nước không hiệu quả.

Bắc Kinh muốn thúc đẩy mô hình kinh tế dựa vào tăng trưởng bền vững hơn, được củng cố bởi các dịch vụ tiêu dùng và sản xuất công nghệ cao, đồng thời hỗ trợ tốt hơn cho các mục tiêu an ninh quốc gia, theo Financial Times.

Thế nhưng, việc đạt được sự thay đổi đó trở nên khó khăn hơn sau khi Trung Quốc không thể phục hồi như mong đợi sau đại dịch Covid-19, còn suy thoái bất động sản làm giảm niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc cũng có vẻ không ổn định khi cuộc chiến giữa Israel và phiến quân Hamas ở Trung Đông nổi lên, làm gia tăng lo ngại mối quan hệ Mỹ - Trung xấu đi. Do đó, các nhà phân tích đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm tới của Trung Quốc xuống còn khoảng 4,5%.

Tin bài liên quan