Kinh tế trưởng ADB: "Nếu chậm cải cách thể chế, Việt Nam sẽ mất 10 năm cơ hội đầu tư"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB, ông Nguyễn Minh Cường cho rằng, kinh tế Việt Nam đang đối mặt với một số rủi ro nội tại, đòi hỏi phải cải cách thể chế để khơi thông nguồn lực.

Tại Lễ công bố “Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phối hợp tổ chức vào sáng 26/4, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB đã có một số chia sẻ về kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện tại và đưa ra những khuyến nghị chính sách.

Triển vọng tích cực nhưng rủi ro nội tại đã bộc lộ

Theo ông Cường, Báo cáo nói trên do OECD và ADB cùng nghiên cứu và các báo cáo độc lập của ADB về kinh tế Việt Nam cho thấy cái nhìn khá tích cực.

OECD và ADB cho rằng, Việt Nam sẽ đạt được sự tăng trưởng GDP 6,5% vào năm 2023 và 6,6% vào năm 2024, tương ứng với mức lạm phát 4,3% và 3,7%.

Cơ sở của dự báo này là Việt Nam đã có phản ứng chính sách nhanh nhạy trong cuộc khủng hoảng Covid-19 nên nhanh chóng hồi phục sau những đợt suy thoái sau đại dịch và đạt được mức tăng trưởng cao trong khu vực, tạo điều kiện vững chắc cho những tiến bộ kinh tế trong tương lai.

OECD và ADB cho rằng Việt Nam sẽ đạt được sự tăng trưởng GDP 6,5% vào năm 2023 và 6,6% vào năm 2024

OECD và ADB cho rằng Việt Nam sẽ đạt được sự tăng trưởng GDP 6,5% vào năm 2023 và 6,6% vào năm 2024

Việt Nam hiện đang là nền kinh tế nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng mang lại nguồn lực lớn cho Việt Nam. Trên thực tế, Trung Quốc đã phục hồi rất nhanh ngay cả khi quốc gia này vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ và tài khoá mở.

"Trung Quốc mở cửa có thể làm kinh tế Việt Nam có rủi ro về lạm phát và gia tăng tính cạnh tranh nhưng bù lại dòng vốn của Trung Quốc rất mạnh, sẽ là một động lực lớn cho kinh tế Việt Nam nếu tận dụng được", ông Cường nói.

Tuy nhiên, chuyên gia ADB cũng cho rằng, bên cạnh những thuận lợi thì các rủi ro đe dọa sự tăng trưởng của Việt Nam đã lộ diện. Đó là những rủi ro bên ngoài như suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát, Fed tăng lãi suất… và cả những rủi ro nội tại xuất hiện do 3 năm chống chịu Covid-19 về thị trường vốn, thị trường lao động, về già hoá dân số, chất lượng thể chế…

"Trong năm 2023 - 2024 chúng tôi đánh giá rủi ro lớn của kinh tế Việt Nam vẫn là những rủi ro nội tại", ông Cường nhấn mạnh.

Cụ thể, vị chuyên gia cho rằng, năng suất lao động, chất lượng cơ sở hạ tầng, chất lượng thể chế của Việt Nam đều đang ở giai đoạn thấp trong khi quy mô nền kinh tế đã tăng lên gần 400 tỷ USD với sự phức tạp và tính liên ngành cao.

Ông Nguyễn Minh Cường phát biểu tại Lễ công bố “Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023” sáng 26/4.

Ông Nguyễn Minh Cường phát biểu tại Lễ công bố “Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023” sáng 26/4.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng dân số già hóa nhanh, lao động làm việc tự do và lao động làm việc không thường xuyên đang có xu hướng gia tăng, quá trình biến đổi khí hậu cũng đang là một thách thức đối với tăng trưởng, tỉ trọng thuế/GDP tương đối cao so với các nước trong khu vực...

Nâng cao chất lượng thể chế là vấn đề cấp bách

Theo ông Nguyễn Minh Cường, Việt Nam đang là nền kinh tế nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư, nhất là về lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Rất nhiều nguồn lực từ bên ngoài đang muốn hỗ trợ cho Việt Nam trong các lĩnh vực này.

Tuy nhiên, nguồn lực vào Việt Nam đang vấp phải hai trở ngại: một là khả năng hấp thụ vốn, hai là chất lượng thể chế.

Ví dụ hiện nay có rất nhiều nguồn lực hỗ trợ cho không Việt Nam về kỹ thuật để thực hiện chuyển đổi năng lượng, nhưng để một bộ ngành nào đó tiếp nhận được nguồn lực này phải mất vài tháng thậm chí vài năm, cho thấy thể chế đang là rào cản.

Giải quyết tắc nghẽn của thị trường vốn phải nằm trong định hướng tổng thể là Việt Nam có chuyển từ ưu tiên chống lạm phát sang ưu tiên tăng trưởng hay không.

Ông Nguyễn Minh Cường

Cái thứ hai là khả năng hấp thụ vốn, theo ông Cường, câu chuyện giải ngân đầu tư công chậm ở Việt Nam cho thấy sự hạn chế về khả năng hấp thụ vốn. "Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn, trung bình mỗi năm Việt Nam phải giải ngân 16 tỷ USD nhưng thực tế số thực hiện thấp hơn nhiều", ông Cường nói và đặt câu hỏi: Phải chăng nền kinh tế chỉ có khả năng hấp thụ vốn đầu tư công ở mức 11-12 tỷ USD/năm?

Nâng cao chất lượng thể chế, từ đó nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng hạ tầng và nâng cao khả năng hấp thụ vốn là vấn đề cấp bách của Việt Nam hiện nay.

"Nếu chậm cải cách thể chế, Việt Nam có thể mất 10 năm cơ hội đầu tư và thu hút đầu tư bởi dòng vốn FDI là vốn dài hạn từ 10 năm trở lên", ông Cường lưu ý.

Chính sách tài khóa nên rõ rệt hơn

Theo chuyên gia ADB, vấn đề quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay là thực hiện các giải pháp trước mắt để thúc đẩy tiếp tục phục hồi kinh tế; nhưng vẫn phải đồng thời với những chính sách dài hạn để có tăng trưởng bền vững, hướng tới chuyển đổi số và tăng trưởng xanh.

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần nhìn nhận tổng thể về mặt nguyên tắc là phải cân đối giải pháp trước mắt với các giải pháp trung và dài hạn. Cần giải quyết các vấn để thách thức trước mắt nhưng không để cho những rủi ro cơ cấu tiếp tục bộc lộ.

Đi vào cụ thể, ông Cường nói rằng, năm 2023 tất cả chúng ta đều nhận thấy những rủi ro từ thị trường vốn (nhất là thị trường trái phiếu) và thị trường bất động sản đã lan tỏa ra toàn bộ nền kinh tế. Giải quyết tắc nghẽn của thị trường vốn phải nằm trong định hướng tổng thể là Việt Nam có chuyển từ ưu tiên chống lạm phát sang ưu tiên tăng trưởng hay không.

Nếu chuyển sang thì hành động chính sách phải thật sự quyết liệt. Vừa rồi Ngân hàng Nhà nước rất quyết liệt trong hạ lãi suất, hỗ trợ nhà ở xã hội, cho phép ngân hàng thương mại mua lại trái phiếu, giữ nguyên nhóm nợ… cho thấy chính sách tiền tệ rất tích cực.

"Tuy nhiên, gánh nặng lên hệ thống ngân hàng đang lớn dần, chúng tôi vẫn cho rằng chính sách tài khóa nên rõ rệt hơn (đầu tư công, giảm thuế VAT...). Trong đó, đầu tư công vẫn có vai trò then chốt. Nếu chúng ta không đẩy mạnh được giải ngân đầu tư công mà cứ loay hoay giải quyết tắc nghẽn thị trường vốn thì gánh nặng cứ dồn vào chính sách tiền tệ", ông Cường nhận định.

Tin bài liên quan