Chủ tịch HNX Trần Văn Dũng

Chủ tịch HNX Trần Văn Dũng

Kỳ vọng vững từ nội lực thị trường

(ĐTCK) UBCK cho biết, trong số 1,5 triệu tỷ đồng vốn huy động được qua TTCK kể từ khi mở cửa hoạt động đến nay, có 900.000 tỷ đồng là nguồn vốn huy động từ thị trường trái phiếu Chính phủ - thị trường hiện do Sở GDCK Hà Nội (HNX) vận hành và phát triển. 

Trên thị trường niêm yết, HNX kiên định cải tổ chất lượng minh bạch và quản trị công ty - công việc mà theo Chủ tịch HNX Trần Văn Dũng, cần “thúc” DN làm tốt để vững từ nội lực khi tính việc nâng hạng TTCK Việt Nam.

Vị thế người đi học

Thiết lập quan hệ hợp tác song phương với 17 Sở GDCK trên thế giới, trong đó có các Sở GDCK đã phát triển như New York, Luân Đôn, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore..., nhưng nói về câu chuyện nâng hạng TTCK Việt Nam, Chủ tịch HNX Trần Văn Dũng lại chia sẻ góc nhìn rất khiêm tốn. Là một người có kiến thức và hiểu biết sâu sắc về quan hệ quốc tế, Chủ tịch HNX cho biết, hợp tác quốc tế của HNX 10 năm qua mới chỉ tập trung vào việc học hỏi kinh nghiệm.

“HNX lựa chọn đối tác theo nguyên tắc lượng sức mình, học hỏi là chính, chứ chưa nên đặt vấn đề có cạnh tranh hay không với các Sở GDCK khác”, ông Dũng nói.

Giá trị của những nỗ lực học hỏi hiện diện trong nhiều hoạt động thực tế: Sở GDCK New York và Sở GDCK Thẩm Quyến chia sẻ bài học về xây dựng hệ thống giao dịch khớp lệnh hiện đại tại HNX; Sở GDCK Singapore, Đài Loan chia sẻ kinh nghiệm về bài học cốt lõi “TTCK là phải nâng cao chất lượng minh bạch”; Sở GDCK Malaysia, Thái Lan giúp HNX kiến thức về quản trị công ty, còn Sở GDCK Thẩm Quyến, Hồng Kông chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài...

Dành nhiều nỗ lực để kết nối, mở rộng quan hệ quốc tế, Chủ tịch HNX cho rằng, đó là những bước đi để tiếp nhận kinh nghiệm, bài học từ các Sở đi trước. Hiểu hoạt động của thị trường mình nên khi được hỏi về khả năng nâng hạng TTCK, ông Dũng cho rằng, chúng ta cần biết mình đang ở đâu để xác định những điểm mấu chốt cần tập trung nâng hạng.

Nền kinh tế vĩ mô mấy năm gần đây tăng trưởng ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt. Một số DN đã đạt quy mô vốn hóa trên 1 tỷ USD, nhưng còn nhiều điều kiện khác nữa thị trường chưa đạt được. Tiêu chuẩn nâng hạng TTCK được xem xét trước hết về độ mở của nền kinh tế, về tỷ lệ đầu tư tối đa của khối ngoại, về mức độ tự do hóa tài khoản vốn, sau đó là quy mô vốn hóa của các DN, thanh khoản.... “Nâng hạng thị trường đòi hỏi nỗ lực tổng thể, chứ không thể chỉ là vài động tác kỹ thuật là nâng hạng được”, ông Dũng nhấn mạnh.

Nâng hạng TTCK là mục tiêu mà UBCK đề cập vào năm 2014, với mong muốn trong tương lai, Việt Nam sẽ có tên trong khối TTCK mới nổi. Trong phạm vi của Sở, ông Trần Văn Dũng cho biết, HNX đã và sẽ nỗ lực hướng DN đến chuẩn minh bạch; giúp DN hiểu và thực hành thông lệ tốt về quản trị công ty. Ông hy vọng, nỗ lực của Sở sẽ góp phần giúp DN vững từ gốc nội lực, để tự tin hơn trên con đường hội nhập. Đó như một xu thế không thể khác của nền kinh tế Việt Nam khi hội nhập quốc tế.

Nhìn thẳng vào chất lượng minh bạch

2 năm gần đây, HNX thực hiện một công việc khá đặc biệt: chấm điểm minh bạch và quản trị công ty của các DN niêm yết. Sở dĩ, công việc này là đặc biệt bởi chưa từng có cơ quan quản lý nào lại đi chấm điểm tất cả các DN đang quản lý và chấp nhận công khai số điểm khi phần đông DN chưa đạt... trung bình.

Trong lần giao lưu với hơn 300 DN tại hội nghị DN niêm yết 2014 hồi tháng 10/2014, Chủ tịch HNX nhận được câu hỏi: ông nghĩ gì khi nhiều người cho rằng, điểm của các DN trên HNX còn thấp, sẽ ảnh hưởng đến chính uy tín, hình ảnh của Sở?

“Chúng tôi không ngại công khai kết quả chấm điểm”, ông Dũng nói, “mà chỉ lo DN không nhận thấy điểm yếu của mình”. Chủ tịch HNX thể hiện niềm tin: “Khi nhìn thẳng vào chất lượng minh bạch và nhận thức rõ điểm yếu trong quản trị công ty, các DN sẽ có động lực hoàn thiện nó”.

Sự trung thực trong tư duy đánh giá DN của Chủ tịch HNX đã khiến những DN được điểm cao nhận được sự cổ vũ và niềm vinh dự rất thực. Bà Phạm Thị Minh Trang, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Y tế Danameco - DN được vinh danh năm 2014 cho biết, Danameco từng được nhận nhiều giải thưởng, nhưng chưa lần nào bà thấy vui như lần này. “Giải thưởng ghi nhận nỗ lực của chúng tôi, không phải là kết quả kinh doanh, mà cao hơn thế, đó là văn hóa kinh doanh minh bạch”, bà Trang nói. Việc chấm điểm mà HNX thực hiện, với nhiều DN là không dễ chấp nhận, nhưng đó sẽ là một công việc hữu ích, nếu tạo ra sự thi đua, tạo sức ép buộc các DN phải tự cải tổ.

“Cũng giống như xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, lúc đầu các tỉnh, thành không quan tâm, nhưng Ban Tổ chức vẫn kiên nhẫn thực hiện. Cho đến nay, tất cả các tỉnh, thành đều quan tâm, thậm chí có trên 50 tỉnh, thành đã đưa việc phấn đấu nâng cao thứ hạng vào Nghị quyết để thực hiện”, Chủ tịch CTCP TNG, ông Nguyễn Văn Thời nói.

Giúp DN nhận ra chính mình để tự “nâng hạng” là mục tiêu không dễ gì, nhưng HNX đã mạnh dạn bước bước đi đầu tiên. Cùng với đó, tạo dựng hệ thống vận hành TTCK phái sinh và duy trì thị trường trái phiếu hiệu quả trong bối cảnh Quốc hội yêu cầu từ năm 2015, kỳ hạn trái phiếu phát hành phải từ 5 năm trở lên (hiện kỳ hạn trung bình của TPCP chỉ hơn 3 năm) là hai bài toán rất lớn đang đặt ra với HNX. Giải bài toán bằng cách nào, đó là những thử thách mới, nhưng Chủ tịch HNX đặt niềm tin vào sức mạnh nội lực khi tài sản lớn nhất của Sở là hơn 200 nhân sự đam mê, trí tuệ và toàn tâm xây dựng TTCK Việt Nam. 

Tin bài liên quan