Ai bảo kích cỡ là không quan trọng?
Thành tích ấn tượng của VN-Index tuần qua là việc nhảy vọt qua mức 930 điểm trong khi mức kỷ lục mà giới chuyên môn kỳ vọng là 900 điểm. Đánh giá về tình hình thị trường, người phụ trách đầu tư của CTCK MHBS và SBSC có chung 2 kết luận quan trọng:
Một là, VN-Index điều chỉnh nhẹ trong phiên cuối tuần là hợp lý và rất cần thiết; phiên điều chỉnh xảy ra theo logic của TTCK Việt
Hơn lúc nào hết, giá trị giao dịch là thước đo quan trọng nhất để xác định các nhà đầu đang ở trạng thái nào: đang chủ động bán ra, đang chủ động mua vào hay “đắp chiếu” nghỉ ngơi. Xem xét chu kỳ TTCK hàng năm, thời điểm tháng 7 âm lịch là thời điểm khó khăn nhất của TTCK khi sức cầu xuống thấp (thể hiện bởi quy mô giao dịch thấp) và các cơ hội ngắn hạn không được nhìn thấy một cách rõ ràng. Tuy nhiên, do giai đoạn điều chỉnh của thị trường năm 2007 bắt đầu từ giữa tháng 3 dương lịch, sớm hơn khoảng 1 tháng rưỡi so với chu kỳ hàng năm, nên giai đoạn phục hồi cũng có thể bắt đầu ngay từ hôm nay, thay vì trung tuần tháng 9 dương lịch theo chu kỳ. Vào thời điểm hiện nay, giá trị giao dịch tăng mạnh cho thấy, nhiều nhà đầu tư đang ở trạng thái mua vào.
Niềm tin quan trọng nhưng không phải là tất cả
Màu xanh trở lại với thị trường chưa phải là dấu hiệu quả quyết rằng, chu kỳ điều chỉnh kéo dài 4 tháng qua đã kết thúc. Đồng thời, một tuần khởi sắc cũng chưa đủ chắc chắn VN-Index sẽ tiến từ mức 935,68 điểm lên thẳng đến kỷ lục 1174,22 điểm (đạt được vào trung tuần tháng 3/2007) mà không bị gián đoạn. Theo quan điểm của giới chuyên môn, đợt điều chỉnh mạnh mẽ trong 4 tháng qua đối với thị trường OTC và niêm yết đều xuất phát từ một nguyên nhân chính là niềm tin của nhà đầu tư. Cụ thể, các nhà đầu tư từng rất tự tin vào khả năng tăng trưởng của DN niêm yết trong 3 năm tới và qua đó là sự gia tăng giá trị cổ phiếu; tin rằng, nhà đầu tư nước ngoài đang kéo đến ngày càng nhiều và họ không cưỡng lại được việc cạnh tranh lẫn nhau để mua cổ phiếu; tin rằng chính sách quản lý thị trường ngày càng cởi mở và phù hợp với chuẩn mực quốc tế, khiến nhà đầu tư trong nước cũng như ngoài nước đều hài lòng.
Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn không như mong đợi. Niềm tin của các nhà đầu tư trong thời gian gần đây ít nhiều bị lung lay bởi việc một số tổ chức nước ngoài la to lên rằng họ sẽ rút lui; việc một số công ty niêm yết bắt đầu khó khăn trong chiến lược sử dụng vốn; việc cơ quan quản lý thắt chặt cửa tín dụng, đồng thời tính đến chuyện đánh thuế cao. Xem qua bức tranh trên, nhiều người mau chóng kết luận, niềm tin bị lung lay và vì thế tương lai thị trường 6 tháng cuối năm sẽ rất gay go.
Các báo cáo của những tổ chức tài chính nước ngoài như Merrill Lynch, HSBC, Deustche Bank... và nhiều CTCK trong nước như BVSC, TSC, VDSC… trong 2 tháng qua đều đề cập đến một vấn đề liên quan đến niềm tin. Theo đó, số đông nhà đầu tư cá nhân và DN niêm yết có thể đã mua chứng khoán và ngủ quên trong trạng thái tự tin quá mức (over confident), một kiểu lạc quan tếu về lợi nhuận mà TTCK sẽ mang lại. Tình trạng này có thể nhìn thấy qua việc hàng trăm nghìn tài khoản đầu tư mới được mở trong 3 tháng đầu năm, hầu hết các công ty niêm yết đều huy động vốn và dùng một phần vốn lớn cho mục tiêu đầu tư tài chính (đi mua cổ phiếu niêm yết và OTC) và tin rằng, VN-Index tiếp tục tăng trưởng vài chục phần trăm mỗi tháng, vài trăm phần trăm mỗi năm… như đã nhìn thấy trong năm 2005 và 2006. Khi sự việc xảy ra không như mong đợi, niềm tin quá lớn của các nhà đầu tư cá nhân đã trở thành nỗi ám ảnh của chính họ.
Mục tiêu và nguyên tắc đầu tư
VN-Index trong mấy tháng qua đã có sự điều chỉnh khá lớn, với mức điều chỉnh khoảng 25% (cao nhất là 1.174,22 điểm vào tháng 3 và thấp nhất là 883,9 vào ngày 6/8/2007). Tuy nhiên, con số thất thoát tương đương 25% tài sản bằng cổ phiếu của nhà đầu tư trong vòng 5 tháng (tính trung bình chỉ là -5%/tháng) rõ ràng chậm hơn nhiều so với mức tăng trưởng tuyệt đối lên đến 170% trong khoảng thời gian từ tháng 8/2006 đến tháng 3/2007 (giá trị tài sản chứng khoán tăng đến 34%/tháng).
Do đó, sự hoảng loạn mà nhiều nhà đầu tư cá nhân gặp phải trong thời gian 5 tháng qua không xuất phát từ một sự đổ vỡ nghiêm trọng nào của thị trường, mà chủ yếu là hệ quả của việc họ đã lạc quan quá mức và lạc quan thiếu cơ sở. Vì vậy, khi mọi chuyện không như mong đợi thì trạng thái lạc quan cho rằng, ngắn hạn - trung hạn - dài hạn đều tốt và cứ mua thì sẽ có lợi nhuận chuyển sang trạng thái không có chút tin tưởng vào ngắn hạn - nghi ngờ về trung hạn và không đủ kiên nhẫn để nghĩ về dài hạn.
Nhân đây, người viết chỉ muốn chia sẻ suy nghĩ về hai vấn đề “xưa như trái đất” trong trong hành trang của bất cứ nhà đầu tư nào: mục tiêu và nguyên tắc đầu tư. Thật ngạc nhiên là chỉ rất ít nhà đầu tư cá nhân xác định rõ ràng mục tiêu của mình đối với TTCK và nguyên tắc trong việc đầu tư. Có thể vì lý do này, nhà đầu tư cá nhân cảm thấy phấn khích khi VN-Index tăng trở lại trên 900 điểm trong tuần qua và sẽ rất buồn nếu VN-Index lại giảm xuống mức 900 điểm trong tuần này. Giá lên thì vui vẻ mà giá xuống thì phải buồn phiền, trạng thái tâm lý trên thoạt nhìn qua sẽ thấy quá hợp lý và đương nhiên là vậy. Tuy nhiên, trạng thái tâm lý này chỉ nên tồn tại trong hoàn cảnh thị trường không còn cơ hội trong trung và dài hạn và bạn đang muốn bán càng nhanh càng tốt các chứng khoán của mình.
Vậy tâm trạng hợp lý nên là gì? Nếu bắt đầu suy xét từ mục tiêu của một nhà đầu tư dài hạn là tìm được các cơ hội mua cổ phiếu tốt ở giá càng hợp lý càng tốt (giá càng rẻ càng tốt, thị trường định giá càng thấp càng tốt) sau đó sẽ thu được lợi nhuận khi các cổ phiếu này càng ngày càng tốt hơn (do DN làm ăn tốt hơn) và số đông nhà đầu tư nhìn nhận ra giá trị đích thực mà cổ phiếu đó xứng đáng được nhận. Từ đó, nguyên tắc của một nhà đầu tư chuyên nghiệp theo đúng nghĩa là sẽ mua và lạc quan mạnh mẽ khi tâm lý hưng phấn của thị trường đi xuống khiến cho các cơ hội đầu tư tốt bị định giá thấp; ngược lại họ sẽ lo lắng hơn và buộc phải bán đi cả những khoản đầu tư tốt nếu như sự hưng phấn của đám đông quá cao và thiếu cơ sở.
VN-Index tăng trở lại sau một thời gian suy giảm là một tín hiệu vui, chúng ta nên chúc mừng nhau vì tiền đang trở lại. Nhưng nếu tuần này VN-Index lại giảm, chúng ta cũng nên vui và lạc quan rằng, các cơ hội tốt với giá hợp lý vẫn mời gọi và chúng ta đang còn thời gian để nắm lấy. Nói nhỏ điều này, tất cả các báo cáo của các tổ chức đầu tư trong 2 tháng qua đều có cái nhìn lạc quan về tương lai của TTCK Việt Nam trong trung và dài hạn (điều này rất hiếm thị trường có được) mặc dù với cơ hội ngắn hạn thì có người lạc quan, có người lo lắng.