Ảnh Shutter

Ảnh Shutter

Lạc quan thận trọng

(ĐTCK) Khi đi tìm câu hỏi về triển vọng tăng trưởng của thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới, người viết đã ghi nhận được rất nhiều ý kiến kỳ vọng, nhưng cũng có một số ý kiến thận trọng với con đường phía trước.

Sau thời gian dài trầm lắng, thị trường bất động sản Việt Nam đã có khoảng 5 năm tăng trưởng ấn tượng. Kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư được cải thiện, khách du lịch quốc tế tăng mạnh, dòng tiền ngoại liên tục tìm đến Việt Nam… là những nguồn năng lượng thúc thị trường đi lên.

Với nền tảng đó, nhiều ý kiến chuyên gia kỳ vọng, thị trường sẽ còn tiến những bước dài nữa trong thời gian tới.

Sự lạc quan này cần thời gian kiểm chứng, nhưng không hẳn là không có cơ sở.

Có thể thấy rằng, tháng Ngâu (tháng 7 Âm lịch) trước đây với dân địa ốc thường là tháng “ngồi chơi xơi nước”, nhưng mấy năm nay đã khác.

Cụ thể, theo các số liệu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, trong quý III/2018  - quý có tháng Ngâu, thị trường Hà Nội có 10.536 căn hộ mở bán, tăng tới 170% so với quý I và tăng 19% so với quý II/2018. Lượng giao dịch cũng rất ấn tượng, đạt 6.419 giao dịch, tăng 126% so với quý I và bằng 95% so với quý II.

Thị trường TP.HCM dù có sự sụt giảm mạnh về nguồn cung, nhưng đó chỉ là yếu tố ngẫu nhiên về thời điểm chào hàng của chủ đầu tư, chứ không thể hiện xu thế sụt giảm của thị trường. Thậm chí, dòng sản phẩm hạng sang tại thị trường TP.HCM có tỷ lệ hấp thụ đạt 100%.

Không chỉ tại TP.HCM, mà thị trường Hà Nội cũng xuất hiện ngày càng nhiều dự án siêu sang và cũng nhận được sự quan tâm lớn của người mua. Điều này theo ông Dương Đức Hiển, Giám đốc Bộ phận Kinh doanh nhà ở Savills Hà Nội, cho thấy sự trưởng thành của thị trường bất động sản Việt Nam và tạo ra cái nhìn thiện cảm từ các nhà đầu tư ngoại.

Nhưng không chỉ ở phân khúc nhà ở, các phân khúc khác như văn phòng cho thuê, khách sạn, căn hộ dịch vụ cơ bản đều thể hiện một bức tranh sáng sủa.

Cả hiệu suất cho thuê, lợi tức và giá ở các phân khúc này đều tăng trong mấy năm liền, khiến nhiều người thực sự tin tưởng về một triển vọng tươi sáng trước mắt.

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội cho rằng, năm 2018 sẽ là bước đệm cho sự bùng nổ của phân khúc văn phòng cho thuê trong năm 2019 và 2020. Sở dĩ nói vậy là bởi, thị trường văn phòng có tính chu kỳ rõ rệt. Sau khi hấp thụ hết nguồn cung cũ, thị trường sẽ chào đón thêm các nguồn cung mới và bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới.

Một điểm sáng nữa khiến cho nhiều nhà quan sát tự tin về sự thăng hoa của thị trường, đó là năm qua liên tiếp có các vụ IPO lớn của doanh nghiệp bất động sản.

Nếu nhìn trong một khoảng thời gian 5 năm trở lại đây, thì quả thực, việc các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán đã mang lại những hiệu ứng tích cực.

Một minh chứng cho sức hút của thị trường bất động sản chính là nhóm cổ phiếu bất động sản trong 5 năm qua tăng tới 143,3%, cao hơn so với mức tăng 96,5% của VN-Index.

Thị trường chứng khoán được ví là “hàn thử biểu” của nền kinh tế và trong một khía cạnh nào đó, cổ phiếu bất động sản là “nhiệt kế” của thị trường địa ốc. Và việc nhóm cổ phiếu bất động sản có sức hút, chứng tỏ nhà đầu tư vẫn đặt kỳ vọng lớn vào sự phát triển của thị trường địa ốc.

Dù vậy, không phải tất cả đều có cái nhìn lạc quan với thị trường. Là người trong cuộc, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, không nên quá lạc quan về thị trường. Bởi nhìn sâu vào bức tranh tổng thể, vẫn còn đó không ít băn khoăn, nhất là sự lệch pha cung cầu, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường. Thị trường đang thiếu nguồn cung căn hộ trung cấp, trong khi, đây là phân khúc có nhu cầu lớn nhất.

Như vậy, có thể thấy, bức tranh chung của thị trường bất động sản vẫn gam màu sáng là chủ yếu, nhưng nếu chỉ buông lỏng kiểm soát thì "vui quá hóa buồn" là điều dễ nhận thấy.            

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan