Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Lãi suất cho ngành nông nghiệp luôn ở mức tốt nhất

0:00 / 0:00
0:00
Ngành ngân hàng không có giới hạn nào về cơ chế chính sách, nguồn vốn, cũng như khoanh nợ, xóa nợ tại vùng thiên tai, trần lãi suất cho doanh nghiệp nông nghiệp luôn ở mức tốt nhất là 4%.

Đây là khẳng định của ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức sáng 3/1.

Cụ thể, theo ông Tú, nhiều năm qua, ngành ngân hàng và nông nghiệp luôn phối hợp chặt chẽ. Doanh nghiệp nông nghiệp có nợ xấu thấp; mức dư nợ của nông nghiệp luôn chiếm khoảng ¼ toàn ngành kinh tế.

Một trong những chương trình phối hợp lớn giữa ngân hàng và nông nghiệp trong năm 2023, là gói vay 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, thời gian triển khai đến hết ngày 30/6/2024. Với lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn, chương trình đến nay đã giải ngân được hơn 9.000 tỷ đồng.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng nhận định, 1% tăng trưởng năm nay khó tương đương 7% những năm khác. Chính vì vậy, sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong năm 2023 là rất đáng ghi nhận.

Trong khi đó, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ về tín dụng cho ngành nông nghiệp.

Trong năm 2023, trên cơ sở đề xuất của Bộ NN&PTNT, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có gói tín dụng ưu đãi 15.000 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được hơn 70%.

Bên cạnh hỗ trợ về nguồn vốn từ phía ngân hàng, Thủ tướng cũng chỉ đạo cần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh nông nghiệp thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, công nghiệp hóa nông nghiệp, xây dựng nông dân trí thức. Đây là những tư tuởng mới hướng đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao trình độ, năng lực hiểu biết, cũng như kỹ năng của nông dân.

Đồng thời, mở cửa thị trường, phát triển hàng hóa theo chuỗi giá trị, chuyển đổi số, các địa phương triển khai thương mại điện tử tốt.

Theo Thủ tướng, Bộ NN&PTNT cần phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức nhiều hội nghị với cơ quan đại diện, thương vụ ở nước ngoài, triển khai thương mại biên giới, đặc biệt với Trung Quốc; Xây dựng đề án xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU; Thích ứng linh hoạt, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tăng cường giao dịch thông qua sàn thương mại điện tử, hỗ trợ địa phương tiêu thụ nông sản; Làm việc với doanh nghiệp, thị trường bên ngoài để đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng để tiếp cận thị trường tốt hơn.

Tin bài liên quan