VNBA cho rằng, lãi suất của nhiều ngân hàng vẫn cao hơn mức cam kết.

VNBA cho rằng, lãi suất của nhiều ngân hàng vẫn cao hơn mức cam kết.

Lãi suất huy động vẫn đang ở mức cao

(ĐTCK-online) Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa có báo cáo về tình hình lãi suất huy động bằng VNĐ của các ngân hàng thương mại đang áp dụng.

Theo báo cáo, từ giữa tháng 8/2007 đến giữa tháng 9/2007, một số ngân hàng thương mại đã có động thái điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất huy động của mình. Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của VNBA, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại đang áp dụng hiện vẫn cao, nếu so với lãi suất thỏa thuận giữa các thành viên của Hiệp hội thì lãi suất của nhiều ngân hàng vẫn cao hơn mức cam kết.

Đối với hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước, hiện hầu hết đều áp dụng cơ chế khác nhau về mức lãi suất huy động ở mỗi địa phương và do chi nhánh của ngân hàng tại địa phương đó quyết định. Nhưng về bình quân thì vẫn ổn định so với tháng trước, xấp xỉ với mức lãi suất cam kết theo thỏa thuận từ tháng 4/2007, đối với kỳ hạn 3 tháng tối đa là 0,6%/tháng, kỳ hạn 6 tháng là 0,63%/tháng, kỳ hạn 9 tháng là 0,65%/tháng và 12 tháng là 0,69%/tháng.

Đối với khối ngân hàng cổ phần, trong tháng trước có 8 ngân hàng cùng nhau cam kết thỏa thuận sẽ giảm lãi suất huy động theo chủ trương của VNBA, đến nay có một số ngân hàng thực hiện cắt giảm lãi suất theo cam kết. Tuy nhiên, mức giảm lãi suất chủ yếu tập trung vào loại kỳ hạn 3 tháng, với mức thấp hơn khoảng 0,05% so với lãi suất đã áp dụng trước đó. Còn các kỳ hạn khác vẫn cao hơn mức lãi suất đã thỏa thuận.

Theo báo cáo của VNBA, để thống nhất thực hiện các mức lãi suất thỏa thuận, trong thời gian qua nhiều Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố đã mời các ngân hàng thương mại trên địa bàn họp bàn nhằm khắc phục sự cạnh tranh lãi suất, góp phần thực hiện chủ trương đồng thuận về lãi suất của VNBA.

Về mặt thị trường, theo nhận định của VNBA, hiện tại mức lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại vẫn đang ở mức cao, các ngân hàng thương mại vẫn phải tiếp tục điều chỉnh giảm mức lãi suất huy động tiền gửi.

“Hiện nay, tốc độ huy động vốn lớn hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng, trong khi vốn khả dụng của toàn hệ thống vẫn dư thừa kéo dài, tình hình lạm phát vẫn đang ở mức cao. Chỉ số giá tiêu dùng tuy có dấu hiệu chững lại và có xu thế giảm. Theo dự báo của các cơ quan quản lý, trong thời gian tới, các luồng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp của nước ngoài vào Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng ở mức cao”, VNBA nhận định.

Đối với lãi suất tiền gửi ngoại tệ, có một thỏa thuận tương tự giữa các ngân hàng thông qua VNBA, đó là áp dụng lãi suất huy động ngoại tệ thấp hơn lãi suất công bố của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Trên thực tế, từ khi có thỏa thuận này vào tháng 4/2007, có khá nhiều ngân hàng tuân thủ, tuy nhiên cũng có một số ngân hàng vẫn không áp dụng triệt để những gì đã cam kết.

Đến thời điểm hiện tại, đã hơn một tuần sau khi FED cắt giảm lãi suất huy động của mình 0,5 điểm phần trăm so với mức 5,25% trước đó, hầu hết ngân hàng thương mại trong nước cũng chưa có phản ứng gì đối với lãi suất huy động USD của mình.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết, thông thường sau khi FED thay đổi lãi suất thì các ngân hàng thương mại trong nước sẽ có sự điều chỉnh phù hợp, tuy nhiên sự điều chỉnh thường không ngay lập tức hay nói khác đi là có độ trễ về thời gian nhất định.

“Hiện ngân hàng vẫn đang xem xét những phản ứng của thị trường cũng như tính toán về cung cầu vốn để quyết định có điều chỉnh giảm lãi suất huy động ngoại tệ của mình hay không, đây là điều cần phải cân nhắc kỹ bởi thường thì vào thời điểm cuối năm, nhu cầu vốn có những biến động mạnh nên ngân hàng sẽ phải thận trọng hơn”, vị lãnh đạo này cho biết.

Theo đánh giá chung, hiện vốn khả dụng của các ngân hàng thương mại vẫn khá tốt cả VNĐ và USD, nếu lãi suất huy động USD giảm thì có thể tác động tới lãi suất VNĐ theo hướng giảm theo để duy trì khoảng cách lãi suất nhất định giữa VNĐ và USD. Khoảng cách giữa hai mức lãi suất này nhằm tránh việc dịch chuyển nguồn vốn của người gửi tiền.