Theo TS Lê Xuân Nghĩa, vẫn sẽ còn những căng thẳng trên thị trường ngoại hối

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, vẫn sẽ còn những căng thẳng trên thị trường ngoại hối

Lạm phát, tỷ giá và độ “trễ” chính sách

Tháng 7/2011, sau nhiều biện pháp kìm hãm, lãi suất cho vay VND vẫn dao động ở mức 18 - 20% cho các ngành nghề sản xuất - kinh doanh và 22 - 25% cho các ngành phi sản xuất. Cung tín dụng VND 6 tháng tăng 2,72%!

Lãi suất cho vay USD trung bình dao động ở mức 5 - 6%. Cung tín dụng USD tăng 22,21% trong cùng thời gian! Lạm phát 7 tháng đầu năm ở mức 14,61%. Nhập siêu trong nửa năm đạt 7,5 tỷ USD (với lượng vàng tái xuất trong tháng 5 và 6 đạt 1,6 tỷ USD)!

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam tính đến tháng 5, theo ước tính của IMF đạt 13,5 tỷ USD. Trong tháng 7, Ngân hàng Nhà nước mua vào thêm 4 tỷ USD, tương ứng một số tiền VND được bơm ra thị trường!

Tác động từ nhiều phía này sẽ tạo nên những áp lực gì cho đồng tiền quốc gia trong nửa cuối năm 2011 được dự báo còn nhiều sóng gió?

 

Nóng, phẳng, chật

Không phải là câu chuyện về một cuốn sách “Best seller” xa xôi đâu đó, mà là câu chuyện “sát sườn” về nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam, cái gì đang nóng, đang phẳng, đang chật ở đây?!?

Nóng: Áp lực lạm phát quá nóng. Điều dễ hiểu. Độ trễ chính sách từ hai quyết định tăng tỷ giá khá mạnh tay hồi đầu năm, với biên độ phá giá lớn nhất so với những lần trước đó, đang ngày càng tác động vào nền kinh tế vĩ mô. Giá cả tiếp tục tăng cao, đặc biệt là những sản phẩm trong rổ hàng hóa tính CPI.

Với các nhà điều hành, quan ngại hàng đầu trong các thách thức vĩ mô phía trước không gì khác ngoài lạm phát. Và những toa thuốc tập trung trực diện vào một số khu vực của nền kinh tế là giải pháp cần thiết để “hạ sốt” cho nền kinh tế hiện tại.

Phẳng: Lãi suất bị cào bằng quá phẳng giữa các tổ chức tín dụng, không kể đối tượng có được ưu tiên hay không ưu tiên cũng bị áp mức lãi suất phi sản xuất từ 20 - 30%. Bên cạnh đó là những điều kiện khó khăn để DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ có thể vay vốn, dù với lãi suất cao ngất ngưởng. Đây vẫn chỉ là một câu chuyện cũ, nhưng cái mới là với việc siết trần lãi suất huy động ở mức 14%, tưởng như sẽ điều hòa lượng cung tiền đồng, hóa ra lại gây méo mó trong hệ thống khi lãi suất cho vay được thả “tự do” để ngân hàng quyết định.

Lãi suất chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, càng cho thấy nỗi lo lạm phát của nhà điều hành vẫn chưa giảm.

Chật: “Room” tăng trưởng tín dụng, “room” lạm phát cuối năm, tỷ giá song hành USD/VND dần trở nên chật chội… Những NHTM có nguồn thu USD dồi dào từ các tổ chức, tập đoàn nhà nước, đặc biệt sau khi có quy định buộc các đơn vị này phải bán USD cho NHTM, tuần đầu tháng 7 đã tích cực cho DN vay ngoại tệ với lãi suất ưu đãi. Nhu cầu của DN cũng tăng cao, bởi lợi ích hiển hiện của việc đi vay USD với lãi suất chỉ 5 - 6% so với việc vay VND với lãi suất gấp hơn 4 lần, ngay cả khi áp lực tỷ giá vẫn chực chờ.

Chiếc giày nền tảng vĩ mô vốn đã chật, giờ có vẻ đang chật thêm so với đôi chân của DN. Tuy nhiên, ít ai kỳ vọng nó sẽ rộng hơn cho chặng đường phía trước, khi tín hiệu phát ra từ Ngân hàng Nhà nước, thậm chí sang cả năm 2012, chính sách tiền tệ vẫn “linh hoạt, thận trọng” mà thực chất là thắt chặt.

Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ông Lê Xuân Nghĩa cũng đồng tình rằng, vẫn sẽ còn những căng thẳng trên thị trường ngoại hối nếu để tình trạng tăng trưởng tín dụng ngoại tệ vượt trội so với nội tệ như trên!

 

Sau cam kết ổn định?

Trong một báo cáo về kinh tế Việt Nam vừa qua, Standard Chartered đã tỏ ra băn khoăn bởi những chính sách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước khi đã hai lần hạ giá VND so với USD, ngay sau những tuyên bố giữ cam kết ổn định. Theo một số nhà kinh tế, hiện tại tỷ giá đang được kiểm soát, tuy nhiên không tránh khỏi sức ép phá giá nội tệ với mức tăng VND khoảng 3% từ nay đến cuối năm. Hiệu ứng Domino từ lượng dự trữ ngoại hối mỏng khó đối phó với biến động tỷ giá; áp lực cầu USD tăng cao khi các hợp đồng vay USD đáo hạn vào cuối năm; chênh lệch lạm phát lớn giữa Việt Nam và Mỹ; thâm hụt thương mại gia tăng, cần nguồn USD thanh khoản; đặc biệt là tâm lý ngày càng bất an với đồng tiền quốc gia, khi tỷ lệ đô la hóa nền kinh tế đã ở mức báo động… Với các yếu tố ấy, sức ép tỷ giá vào cuối năm nay là không nhỏ.

Trong bối cảnh ấy, các nhà quản lý không còn cách nào khác ngoài việc phải tính toán một cách dài hạn và cân nhắc hơn đến khả năng kiểm soát, cân đối cung - cầu USD ngay trong chính DN mình. Nhìn rộng ra thế giới, hầu hết DN ở các nước phát triển có sử dụng công cụ bảo hiểm rủi ro tỷ giá, đưa rủi ro tỷ giá vào chi phí, giá thành khi xây dựng kế hoạch kinh doanh. Đó là điều các nhà lãnh đạo DN Việt Nam cần lưu ý, nhất là trong thời điểm này.