Lặng im trên đỉnh núi tuyết

Lặng im trên đỉnh núi tuyết

(ĐTCK) Mẫu Sơn năm nào cũng có tuyết. Trên đỉnh núi Mẹ, cả mùa Đông không có lấy một chút nắng. Những thân cây ngả rạp rêu mốc bám xù xì, trĩu xuống vì băng đóng cứng sau một đêm sương. Nhưng đó chưa phải là đặc sản của Mẫu Sơn. Phải đến Mẫu Sơn chơi với “hồn ma”, bạn mới chứng thực mình là người dũng cảm.

Mẫu Sơn có ma không? Cư dân mạng đồn thổi ấy mà, lấy đâu ra ma. Chị gái bán nước sơn móng tay đỏ chót thập thò khỏi đôi găng tay màu hồng nói với tôi. Tôi bảo riêng đoạn đường rừng cua tay áo đã gây cảm giác rùng rợn rồi.

Cua gấp quá, sương mù thì đặc quánh. 2 xe đi ngược chiều nhau không quen đường lên núi có khi đâm sầm vào nhau rồi vẫn chưa biết chuyện gì xảy ra.

Vậy mà mùa Đông, chờ Đông lạnh thật ngấm rồi giới trẻ ham thích du lịch mạo hiểm mới đi Mẫu Sơn. Khu du lịch này đang ở đêm trước của sự sang trang trước khi được đầu tư quy hoạch lại. Không bao lâu nữa, đỉnh núi tuyết này sẽ là một Bà Nà thứ 2, một tổ hợp công trình hiện đại chìm trong khí lạnh. Lúc đó, hẳn nhiên rồi, sẽ chẳng còn ai nhớ đến cuộc sống với hồn ma thú vị của hôm nay nữa.

Thế thì nên đến Mẫu Sơn mùa Đông này lắm chứ.

Ở giữa đỉnh núi Mẹ có khu nhà nghỉ 7 gian, 9 gian, theo cách gọi cũ. Để chờ quy hoạch, các khu nhà này bỏ không, không tái tạo sửa chữa nhiều năm qua. Nó bám rêu xanh đỏ vàng trên những bức tường xám ngoét, cũ kỹ. Lối đi cỏ mọc khô khốc vì lạnh quá, những bông hoa cẩm tú cầu bị sâu xơi lỗ chỗ, gợi cảm giác rờn rợn như bước vào lâu đài hoang, mà ở đó, nhất định là có tồn tại một thế giới khác, vận động một cách bí hiểm, chả liên quan gì đến những ồn ào của những thị dân như chúng ta.

Nếu mà bạn không đông cứng vì cảm giác rợn tóc gáy, bạn không thể nghe được tiếng gió hút qua các hành lang vắng, tiếng sâu gặm lá sồn sột.

Từ xa lắm vọng lại trong sương mù có tiếng cười đùa của một đôi tình nhân đi ngắm núi. Chắc họ đứng trên lầu vọng nguyệt, điểm cao nhất của đỉnh núi, điểm cao hơn 1.000 m. Ngày sương mù đặc, từ lầu vọng nguyệt trên đỉnh núi phải dò dẫm đi xuống nếu không muốn bị vấp vào chân mình. Khách cứ mông lung thế, rõ ràng thấy thời gian đang trôi đi trong một không gian không hề có ánh mặt trời, xung quanh đang đông đúc mà hoang vắng đến cả gương mặt người.

Lặng im trên đỉnh núi tuyết ảnh 1

Nguyệt - chị gái bán tạp hóa đặt bữa ăn trưa cho chúng tôi trong lâu đài 9 gian, chắc chắn có món gà 6 ngón vừa lùa bắt ở trong sân. Giống gà này người Dao ở đây nuôi dưỡng lâu đời, chân cứ tua tủa 6 đến 7 cựa nhìn kỳ dị. “Chắc quê Sơn Tinh ở đây, thỉnh thoảng cũng có con gà có 9 cựa đấy” - Nguyệt cười.

Miền rừng Lạng Sơn là điểm tụ lại của văn hóa tiểu vùng Đông Bắc, với hình thái dân cư đặc trưng Dao và Tày. Đây còn là vùng núi dung dưỡng nhiều cây thuốc nam quý hiếm, hàm lượng dược tính cao.

Cái chợ nhỏ xíu trong khu du lịch bán đủ thứ, từ chanh rừng, thanh mai, móc mật, hoa lan, thảo quả, quế hồi, nấm ngọc cẩu, thuốc nam tươi roi rói. Thậm chí, một loại cây cấm, báu vật của rừng, thi thoảng vẫn thấy dân trong bản hái được mang ra bán là cây lan kim tuyến.

Chỉ trong năm 2018, UBND tỉnh Lạng Sơn thay 2 lần chủ đầu tư Khu du lịch Mẫu Sơn đủ thấy sự nóng lòng không chỉ ở những người đang sống trên đỉnh núi này.

Cả vùng núi rộng lớn này nằm trên 2 huyện Cao Lộc và Lộc Bình của tỉnh Lạng Sơn. Hạ tầng cơ sở chưa có gì ngoài một con đường mở ra phá thế độc đạo lên Mẫu Sơn. Ngoài những bê bối đất đai và tình trạng thiếu vốn, thiếu năng lực của các nhà đầu tư, còn có một lý do khách quan hơn là đỉnh núi này quá hoang sơ, không phải là một dự án địa ốc béo bở thông thường.

Ngoài ra, khu di tích linh địa cổ Mẫu Sơn nằm ở độ cao 1.190 m so với mực nước biển, phân bố trên sườn núi dốc dãy Mẫu Sơn, thuộc địa phận thôn Lặp Pịa là một báu vật của miền rừng này.

Đây chính là trung tâm của các hoạt động tín ngưỡng của các dân tộc thiểu số ở vùng núi cao được xây dựng để thờ vị thần trấn giữ biên cương phía Bắc.

Hệ thống di tích mới phát hiện này đã mang lại cho Khu du lịch Mẫu Sơn những giá trị mới về lịch sử, tâm linh có giá trị khảo cứu và bảo tồn. Khu di tích này có diện tích 24.400 m2, không chỉ là nơi thờ tự, lăng mộ, hành lễ, mà còn là biểu tượng văn hóa thể hiện đời sống tinh thần phong phú của cư dân các dân tộc bản địa trong khu vực.

Ngồi ăn trưa trong gian nhà mốc thếch và cũ kỹ ở lâu đài 9 gian, tôi được nghe anh bạn người Lạng Sơn đi cùng kể câu chuyện huyền thoại về núi Mẫu Sơn.

Trong quần thể dãy núi cao này, núi Cha là ngọn núi cao nhất, hằng năm đều có tuyết rơi và không khí lạnh buốt thấu xương. Ngọn núi này hiếm khi nhìn thấy đỉnh vì sương mù bọc kín quanh năm.

Huyền thoại đẫm màu hư ảo của miền rừng Lạng Sơn kể rằng, núi Cha là hóa thân của một người đàn ông từng ra mặt trận trở về. Ông điên cuồng sát hại vợ mình vì nghi vợ phản bội, sau đó mới hối hận và trừ khử tên gia nhân lừa phỉnh, song mọi sự đã muộn.

Câu chuyện không kết thúc có hậu nên đến bây giờ, nước mắt núi Cha vẫn chảy thành một dòng thác từ trên núi xuống không bao giờ cạn. Máu người mẹ nhuộm thẫm cả một vùng biên cương.

Nên núi Mẫu Sơn có hình một người đàn bà sầu thảm gục xuống. Những người con hóa thành những ngọn núi nhỏ thấp hơn vây quanh chân núi Mẹ mọc đầy những loại cây đắng ngắt như ngải rừng và tím thẫm màu hoa sim.

Núi mẹ, núi con thì quần tụ, nhưng núi cha thì đứng riêng một góc im lìm đau khổ và trơ cằn với hình người đàn ông luôn chắp tay trước ngực. Tên gia nhân phản bội cũng đứng thành dáng núi với cái đầu bị chém gần long ra, gọi là núi Long Đầu.

Nước trên núi Cha chảy xuống dùng để nấu lên một thứ rượu tinh khiết như nước mắt - rượu Mẫu Sơn. Kỳ lạ ở chỗ, dù là người nấu rượu Mẫu Sơn giỏi nhất, nếu mà không lấy nước từ dòng thác núi Cha chảy xuống, thì rượu nhạt thếch chả ra gì.

Câu chuyện này chỉ có một sự thật là loại rượu đặc sản ở đây rất đặc biệt. Nó trong vắt ma quái và luôn có vị sốc. Có thể sốc vì rượu nặng quá hay sốc vì câu chuyện huyền thoại đẫm máu mà mỗi lần người dân ở đây kể lại như một đặc sản du lịch thì nghe lại mới mẻ, dù mỗi lần kể lại có một màu sắc huyền bí khác.

Bạn tôi bảo, có rất nhiều người dựa vào danh tiếng của rượu Mẫu Sơn để kinh doanh và làm giả. Ngay cả các loại rượu Mẫu Sơn hiện tại được bày bán trên đỉnh núi, trong khu du lịch hoặc bán khắp nơi cũng không hẳn là rượu được nấu trong khí lạnh và nấu bởi nước nguồn núi Cha. Có người còn xây cả hầm rượu trên núi, chả biết mang rượu ở đâu về nhét vào đó. “‘Bọn hớt váng’ ấy cũng không tồn tại lâu được”, bạn cười.

Mẫu sơn trong tương lai có thể không còn hoang sơ nữa khi quy hoạch hoàn thiện. Đặc sản của Mẫu Sơn cũng không còn ma quái nữa, những lâu đài ma sẽ biến mất dành chỗ cho công trình sang trọng.

“Biết đâu đấy, như Đà Lạt, lúc đó, người ta lại phải tạo ra trong tưởng tượng những ngôi nhà ma, cảm giác “rùng rợn nhân tạo” chắc chắn không thú vị bằng lúc này rồi”, bạn tôi cười lớn, tiếng cười lan theo sương mù bên khoảnh sân tối sẫm, bên bữa ăn trưa không chỉ có 2 chúng tôi.

Không tin thì mùa Xuân này, lên núi xem sao! 

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch khu vực Mẫu Sơn với quy mô 10.000 ha sẽ buộc phải bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan môi trường và quan trọng hơn nữa là bảo tồn được văn hóa, phong tục tập quán đặc sắc của cư dân Mẫu Sơn. Bên cạnh đó, đầu tư phục chế, tôn tạo một số di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng ở Mẫu Sơn và nghiên cứu cơ chế chính sách hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số về dạy nghề, cung cấp các dịch vụ, để khôi phục, phát triển các ngành nghề truyền thống dành cho dân sinh và hoạt động du lịch. Một số làng, bản dân tộc đặc trưng sẽ được bảo tồn, xây dựng thành các làng, bản văn hóa và đáp ứng được mục tiêu xây dựng nông thôn mới...

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan