Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu không chia nhỏ gói thầu cao tốc Bắc - Nam

0:00 / 0:00
0:00
Đây là chỉ đạo mới nhất của Phó thủ tướng Lê Văn Thành về tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Thi công Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đoạn Cam Lâm - Nha Trang.

Thi công Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đoạn Cam Lâm - Nha Trang.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 6349/VPCP – CN gửi Bộ GTVT để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành về việc tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đó, Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 theo đúng thẩm quyền quy định tại Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 8/9/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/2/2022 của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và quy định pháp luật về đấu thầu.

Phó thủ tướng lưu ý Bộ GTVT cần thiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 46/TB-VPCP ngày 19/2/2022 của Văn phòng Chính phủ; không chia nhỏ gói thầu (vì quá nhiều gói thầu sẽ mất rất nhiều thời gian, khó liên thông kết nối, gây chậm trễ, tăng kinh phí, tăng tổng mức đầu tư…).

“Phải lựa chọn được nhà thầu xây lắp có năng lực, kinh nghiệm, uy tín bảo đảm công khai, minh bạch, nghiêm túc, hiệu quả, tuân thủ quy định pháp luật; kiên quyết phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, tham nhũng, thông thầu, chuyển nhượng thầu không đúng quy định”, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh.

Trước đó, vào đầu tháng 9/2022, Bộ GTVT đã có văn bản số 9245/BGTVT-CQLXD báo cáo Thủ tướng việc tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Liên quan đến việc phân chia gói thầu xây lắp, Bộ GTVT cho biết, theo dự án đầu tư được duyệt, tổng mức đầu tư các dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 có giá trị khoảng 7.643 đến 20.500 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp để lựa chọn nhà thầu tương ứng khoảng 5.932 đến 15.131 tỷ đồng (gồm công trình đường bộ cấp I, công trình hầm đường bộ và cầu đường bộ từ cấp III trở lên).

Yêu cầu đặt ra đối với việc chỉ định thầu đã được Thủ tướng làm rõ tại Thông báo số 46/TB-VPCP ngày 19/2/2022: chọn nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm và không chia nhỏ gói thầu, đảm bảo tính đồng bộ.

Từ thực tiễn triển khai Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 – 2020, Bộ GTVT cho rằng, nếu phân chia với phạm vi khoảng 20 - 40km/1 gói thầu thì bình quân mỗi gói sẽ có giá trị dự kiến khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng. Khi đó 1 gói thầu thi công xây dựng khoảng 3 nhà thầu trong 1 liên danh. Số lượng nhà thầu trong 1 liên danh như trên sẽ thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp trong quá trình tổ chức triển khai thi công và quản lý chi phí đối với các nhà thầu trong liên danh cũng như của chủ đầu tư.

Trường hợp phân chia gói thầu có quy mô từ 5.000 - 15.000 tỷ đồng thì cả nước chỉ có 1 nhà thầu đã thực hiện hợp đồng thi công xây dựng với giá trị 3.642 tỷ đồng, là có đủ điều kiện năng lực thực hiện gói thầu có giá trị xây lắp khoảng 7.284 tỷ đồng. Quy mô này cũng khiến các nhà thầu xây lắp phải thành lập tổ hợp (liên danh khoảng 5 - 10 nhà thầu) mới đáp ứng các yêu cầu tối thiểu để tham gia gói thầu.

“Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều nhà thầu chính tham gia 1 gói thầu thi công xây dựng sẽ khiến việc quản lý thực hiện hợp đồng sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc: bộ máy quản lý, năng lực tổ chức điều hành trong liên danh khó đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất; khó phân định trách nhiệm giữa các nhà thầu nếu có vi phạm chất lượng, tiến độ”, Bộ GTVT lo ngại.

Ở chiều ngược lại, trường hợp phân chia gói thầu có quy mô nhỏ sẽ có nhiều nhà thầu tham gia thực hiện dự án, khó đảm bảo tính đồng bộ, chất lượng, tiến độ; không thu hút được các nhà thầu mạnh có năng lực, kinh nghiệm tham gia.

Chính vì vậy, tại công văn số 9245, Bộ GTVT kiến nghị phân chia gói thầu các gói thầu xây lắp tại Dự án với phạm vi khoảng 20 - 40km/1 gói thầu và có giá trị dự kiến khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng. Như vậy, 12 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 với chiều dài khoảng 729 km, dự kiến được chia khoảng 30 gói thầu.

Ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng kiến nghị Bộ GTVT cân nhắc thêm phương án áp dụng loại hình tổng thầu cho 1 số dự án thành phần bên cạnh việc chỉ định thầu gói thầu xây lắp tại Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Cụ thể, Bộ GTVT có thể mạnh dạn trao hẳn 1 vài dự án thành phần do một số đơn vị có năng lực tổ chức đóng vai tổng thầu đảm trách, sau đó trao quyền cho đơn vị này tổ chức huy động thầu phụ.

"Khi áp dụng hình thức tổng thầu thì sẽ khai thác được nguồn lực của các nhà thầu có năng lực, triển khai với sự cắt giảm rất đáng kể khối lượng công việc của các chủ đầu tư, ban quản lý. Thời gian vừa qua có không ít doanh nghiệp chứng minh được năng lực tổ chức điều hành dự án lớn như Vingroup, Sungroup, Đèo Cả", ông Chủng nhấn mạnh.

Tin bài liên quan