Thị trường ô tô giảm sút khiến nhiều doanh nghiệp ngành này phải tính chuyện thu hẹp sản xuất. Ảnh: Đức Thanh

Thị trường ô tô giảm sút khiến nhiều doanh nghiệp ngành này phải tính chuyện thu hẹp sản xuất. Ảnh: Đức Thanh

Lao động ngành ô tô canh cánh nỗi lo mất việc

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường ô tô nguội lạnh, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đứng ngồi không yên, tìm cách cắt giảm nhiều chi phí; địa phương lo thu ngân sách giảm mạnh, còn người lao động thì canh cánh nỗi lo mất việc.

Thị trường tiếp tục giảm sốc

Trong báo cáo gửi Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương), Sở Công thương Vĩnh Phúc cho biết, Công ty Toyota Việt Nam - doanh nghiệp FDI lớn của tỉnh Vĩnh Phúc, có sản lượng quý I/2023 giảm 37%, tương đương giảm 2.802 xe so với quý I/2022. Doanh số bán giảm 24%, tương đương giảm 1.760 xe, mức tồn kho tăng 347%, tương đương tăng 1.931 xe.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan là kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, tỉnh Vĩnh Phúc cũng nhắc tới thực tế phí trước bạ và các loại phí vẫn còn cao, hỗ trợ phí trước bạ đã hết cũng đẩy chi phí sở hữu xe lên cao, dẫn đến thị trường ô tô khá ảm đạm trong 3 tháng đầu năm 2023.

Báo cáo bán hàng tháng 4/2023 của toàn thị trường, do Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố cũng cho thấy, doanh số ô tô tiếp đà giảm sút. Cụ thể, doanh số bán hàng của toàn thị trường trong tháng 4/2023 chỉ đạt 22.409 xe, gồm 15.748 xe du lịch, 6.487 xe thương mại và 174 xe chuyên dụng. Các phân khúc đều có sự giảm mạnh so với tháng 3/2023, như xe du lịch giảm 27%, xe thương mại giảm 19%, xe chuyên dụng giảm 51%.

Nếu chỉ tính riêng các thành viên VAMA thì doanh số bán hàng còn giảm mạnh hơn. Cụ thể, chỉ có 20.667 xe các loại được bán ra trong tháng 4/2023, giảm 46% so với tháng 4/2022 và giảm 21% so với tháng 3/2023.

Trong số này, phân khúc xe du lịch sụt giảm mạnh nhất, tới 54% so với tháng 4/2022 và giảm 25% so với tháng 3/2023.

Với các thành viên ngoài VAMA, tình hình cũng không khá hơn. Hyundai - thương hiệu được ưa chuộng nhất nhì trên thị trường cũng đang trượt dài về doanh số tính từ tháng 11/2022 tới tháng 4/2023. Tổng số xe Hyundai bán ra tháng 4/2023 đạt 4.592 chiếc, trong khi tháng 3/2023 bán được 5.773 chiếc.

Nếu tính riêng xe du lịch với đối tượng khách cá nhân là chính, thì doanh số bán trượt dốc mạnh hơn. Tháng 4/2023, có 3.355 xe du lịch Hyundai được bán ra; tháng 3/2023 bán được 4.757 chiếc; tháng 2/2023 bán được 4.753 chiếc; còn tháng 11/2022 bán được 6.792 xe và tháng 12/2022 bán được 8.887 chiếc.

Hàng loạt báo cáo tài chính quý I/2023 vừa công bố của nhiều doanh nghiệp phân phối ô tô cũng cho thấy tình trạng ảm đạm trong kinh doanh ô tô. Đơn cử, Savico (hiện phân phối nhiều thương hiệu như Toyota, Ford, Honda, Hyundai, Mitsubishi, Suzuki, Volvo), đã ghi nhận quý kinh doanh ảm đạm. Lãi sau thuế của quý I/2023 của Savico chỉ còn 14,7 tỷ đồng, giảm gần 85% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm hơn 11 lần so với quý trước. Đáng chú ý, lượng hàng tồn kho vượt 2.000 tỷ đồng.

Còn với Haxaco, nhà phân phối thương hiệu Mercedes-Benz cũng thụt lùi về hiệu quả kinh doanh bởi thị trường ô tô chịu ảnh hưởng của lãi suất cao và nhu cầu giảm. Trong quý I/2023, doanh thu thuần của Haxaco chỉ đạt gần 993 tỷ đồng, giảm hơn 40% so với cùng kỳ. Mức lãi trước thuế chỉ còn 5,6 tỷ đồng - giảm khoảng 92% so với cùng kỳ và lãi ròng thu về chỉ 3,5 tỷ đồng.

Gỡ khó để giữ sản xuất, ổn định an sinh xã hội

Tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ xem xét tiếp tục giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước để kích cầu tiêu thụ, giữ nhịp sản xuất trong nước, tạo công ăn việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy cả phía cầu và cung. Nghị quyết cũng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục chuẩn bị phương án hỗ trợ bổ sung về miễn giảm thuế, phí, lệ phí; nghiên cứu, tính toán phương án giảm thuế trước bạ đối với ô tô; đề xuất xử lý bất cập, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán...

Góp ý với Bộ Tài chính, Bộ Công thương cũng cho hay, tính riêng 3 tháng đầu năm 2023, doanh số bán hàng toàn thị trường đã giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022. Mức sụt giảm này được xem là ngỡ ngàng với tất cả chuyên gia và những người yêu xe, nhất là khi Việt Nam đang bước vào giai đoạn ô tô hóa với sự tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022.

Bộ Công thương cũng tiếp tục đề nghị giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước và gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo bộ này, đầu năm 2023, doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn phục hồi, nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng hiện hữu, gây ra nhiều tác động nghiêm trọng đến các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nói riêng, nền kinh tế nói chung. Sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng cũng làm ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng với xu hướng thắt chặt chi tiêu.

Đặc biệt, đặt trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế tác động xấu của kinh tế thế giới, cũng như tạo động lực phát triển kinh tế trong nước, thì việc Bộ Tài chính có các chính sách hỗ trợ liên quan đến thuế, phí là cần thiết.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cũng bày tỏ lo ngại về thực trạng tiêu thụ xe giảm, kéo theo ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí bị sụt đơn hàng khiến nhiều lao động mất việc, an sinh xã hội gặp khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp ô tô lưu ý, quan điểm cho rằng, giảm thuế, lệ phí, gây ảnh hưởng đến nguồn thu của địa phương là không thích hợp với bối cảnh hiện nay, thậm chí có thể làm chậm lại cơ hội thúc đẩy thị trường, thúc đẩy sản xuất cả yếu tố cầu lẫn cung.

Theo tính toán của các chuyên gia, trong 4 tháng đầu năm, có doanh nghiệp sản xuất đạt sản lượng hơn 12.000 xe, giảm tới 65% so với cùng kỳ năm 2022 (tương đương giảm 22.500 xe). Nếu tính giá bán xe khoảng 700-800 triệu đồng/chiếc, thì số thuế phát sinh trong giai đoạn này (bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng của xe sản xuất lắp ráp trong nước) là khoảng 2.000 tỷ đồng. Nghĩa là giảm gần 4.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.

Đặt trường hợp doanh nghiệp được áp dụng chính sách kích cầu, giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước và có sản lượng bằng cùng kỳ năm 2022, thì với doanh số bán khoảng 34.500 xe, tổng số lệ phí trước bạ thu được sẽ xấp xỉ 1.350 tỷ đồng (sau khi đã giảm 50% lệ phí). Con số này vẫn tăng 343 tỷ đồng nếu so với việc chỉ bán được 12.000 xe trong 4 tháng qua.

Chưa kể, số thu ngân sách qua các loại thuế sẽ đạt 6.300 tỷ đồng (gồm thuế tiêu thụ đặc biệt hơn 5.500 tỷ đồng và thuế giá trị gia tăng 750 tỷ đồng), tức là tăng hơn 4.000 tỷ đồng, tương đương 191% so với hiện tại.

“Khi Chính phủ thực hiện 2 đợt kích cầu bằng việc giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước vừa qua cũng cho thấy, tuy số phí trước bạ có giảm, nhưng doanh số bán xe tăng mạnh, khiến thu ngân sách từ ô tô vẫn tăng cao, đồng thời giữ được sản xuất trong nước và doanh nghiệp không phải sa thải người lao động”, đại diện VAMI nhận xét.

Bộ Tài chính cũng nhận định, việc giảm phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước lần 2 đã hỗ trợ các nhà sản xuất, nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho kể từ khi Covid-19 bùng phát, tạo đà cho việc tái sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng, phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô. Đồng thời, thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô trong nước đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp xe mới đưa vào thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, hướng tới mục tiêu xuất khẩu sang khu vực ASEAN. Từ đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, có tác dụng lan tỏa sang các ngành kinh tế khác và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau Covid-19.

Như vậy, với thực tế thị trường ô tô nội địa “ngủ đông” từ cuối năm 2022 đến nay, đòi hỏi những động thái quyết liệt ở cấp vĩ mô, bởi từ phía doanh nghiệp, tồn kho nhiều, bán hàng chậm, nỗi lo mất việc của người lao động lại gia tăng.

Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020 (khi chưa áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ), lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký lệ phí trước bạ lần đầu là 102.924 xe, bình quân hơn 17.500 xe/tháng. Còn 6 tháng cuối năm khi được hưởng chính sách ưu đãi này, số lượng xe đăng ký lên tới 209.584 xe, bình quân gần 35.000 xe/tháng, tăng 2,03 lần so với 6 tháng đầu năm 2020.

Việc ban hành chính sách giảm 50% phí trước bạ trong 6 tháng năm 2020 đã khiến số thu lệ phí trước bạ giảm 7.314 tỷ đồng, nhưng tổng số thu ngân sách nhà nước về ô tô lại tăng 14.110 tỷ đồng.

Bước sang tháng 1/2021, thời điểm chính sách giảm 50% phí trước bạ lần 1 hết hiệu lực, doanh số thị trường ô tô Việt Nam lại sụt giảm đáng kể. Từ mức tiêu thụ 47.865 ô tô các loại trong tháng 12/2020, doanh số toàn thị trường khi ấy giảm xuống chỉ còn 26.432 xe, tương đương mức sụt giảm 44,8%.

Tới tháng 12/2021, khi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ dành cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước áp dụng trở lại, ngay lập tức đã có 103.722 xe đăng ký - tăng 2,67 lần so với tháng 11/2021. Số lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký từ tháng 1/2022 đến tháng 5/2022 là 398.177 xe, tức là tăng từ 1,2 đến 2 lần so với các tháng cùng kỳ năm 2021.

Tin bài liên quan