Lập doanh nghiệp mới, dễ quá hóa nguy

(ĐTCK) Quy định hiện hành tạo thuận lợi cho thành lập mới DN. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, thuận lợi đến mức có phần lỏng lẻo như hiện tại đang gây ra nhiều hệ lụy đáng ngại.
Lập doanh nghiệp mới, dễ quá hóa nguy

Chạy xe ôm cũng lập DN!?

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, cũng như các văn bản pháp lý liên quan, việc đăng ký thành lập DN hiện tại đang tạo thuận lợi tối đa cho những người muốn đứng ra lập DN. Tuy nhiên, nhiều ý kiến quan ngại, các quy định thông thoáng về thành lập DN đang có biểu hiện của sự lỏng lẻo, tạo “lỗ hổng” trong quản lý đăng ký thành lập DN, gây nên nhiều hệ lụy nhãn tiền.

“Qua phối hợp điều tra với Công an TP. HCM đối với một số trường hợp DN ‘ma’ có biểu hiện trốn thuế, Công an tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện có trường hợp đối tượng mượn danh người chạy xe ôm đứng tên ông chủ DN để đăng ký kinh doanh…”, ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, đồng thời nhìn nhận, việc cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ căn cứ vào thông tin của đối tượng nộp hồ sơ thành lập DN để cấp đăng ký kinh doanh, mà không thẩm định, kiểm tra năng lực hoạt động của họ, đang tạo kẽ hở, dẫn đến hình thành hàng loạt DN “ma”, để thực hiện nhiều hành vi phạm pháp, trong đó phổ biến là trốn thuế, buôn lậu… Vì không có năng lực kinh doanh, cũng không có các điều kiện tối thiểu về chuyên môn, vốn, trụ sở, cộng với các quy định hiện hành cho phép DN được tự in hóa đơn, nên nhiều DN lập ra chỉ tồn tại cái tên, không triển khai các hoạt động kinh doanh như nội dung đăng ký kinh doanh, mà chỉ lập hóa đơn khống, nhằm chiếm dụng tiền thuế của Nhà nước…

Sự thông thoáng của pháp luật về đăng ký kinh doanh, theo ông Yên, đến mức có hiện tượng, gia đình có 3 người, thì mỗi người đứng tên thành lập một DN. Đáng nói là do quy định của pháp luật hiện hành đang có “lỗ hổng”, nên DN do người chồng đứng tên đang nợ tiền thuế lên đến vài chục tỷ đồng, nhưng cơ quan thuế chẳng thể làm gì khi người vợ đứng ra lập DN mới. Trong khi DN do người vợ làm chủ cũng rơi vào tình trạng nợ đọng thuế lớn với các dấu hiện vi phạm, thì người con lại đứng ra thành lập DN mới mà không gặp phải vướng mắc gì. Thực tế này có biểu hiện của tình trạng lách quy định, để tẩu tán tài sản, trốn thuế, nhưng cơ quan chức năng đành… bó tay.

“Do kẽ hở của quy định hiện hành, mà trừ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, còn lại người đăng ký kinh doanh chỉ cần gửi yêu cầu đến cơ quan đăng ký kinh doanh là dễ dàng khai sinh DN, mà không chịu sự kiểm tra, thẩm định nào về những thông tin đăng ký từ phía cơ quan quản lý…”, ông Mai Đình Mạnh, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp kỹ thuật điện Việt Nam nói và cảnh báo, việc DN đăng ký kinh doanh và thành lập tại một địa phương, nhưng thông thường, phạm vi hoạt động trong cả nước, trong khi cơ chế phối hợp quản lý, giám sát giữa các cấp, các ngành còn nhiều bất cập, nên đang gây nên những hệ lụy đáng ngại như: gian lận thương mại, vi phạm các quy định về thuế…

Cần sớm bịt “lỗ hổng”

Muốn bịt những “lỗ hổng” trên, theo ông Yên, trong quá trình sửa đổi Luật Doanh nghiệp đang diễn ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nghiên cứu phương án tăng cường năng lực cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Theo đó, với một số trường hợp như một gia đình nhưng thành lập tới vài DN, hoặc đăng ký kinh doanh những ngành nghề mà theo dữ liệu cơ quan quản lý thường phát sinh tỷ lệ lớn DN có hành vi vi phạm…, thì cơ quan đăng ký kinh doanh cần phối hợp với cơ quan thuế, công an kiểm tra, thẩm định kỹ hồ sơ về người đại diện theo pháp luật, vốn, trụ sở hoạt động… trước khi cấp đăng ký kinh doanh, để ngăn ngừa sớm các hành vi vi phạm, tránh tình trạng cấp đăng ký kinh doanh thông thoáng đến mức có biểu hiện lỏng lẻo như hiện nay.

Các chuyên gia cũng đề nghị, cần khắc phục một “lỗ hổng” khác trong Luật Doanh nghiệp, đó là không có cơ chế để kiểm tra liệu DN có vốn thật hay không. Trên thực tế, không hiếm DN khai khống số vốn thực có, để đủ điều kiện được cấp phép kinh doanh, tham gia đấu thầu các dự án… Điều này cộng với những bất cập về quản lý nhà nước đối với DN, đã khiến xuất hiện nhiều DN “ma”, kinh doanh bất hợp pháp, kiếm lời bất chính…

Tuy Luật Doanh nghiệp quy định các DN phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin trong hồ sơ đăng ký kinh doanh, nhưng như vậy, theo ông Mạnh là chưa ổn, bởi trên thực tế luôn phát sinh các trường hợp vi phạm, nhưng với năng lực hạn chế của cơ quan đăng ký kinh doanh như hiện tại, thì rất khó kiểm tra, phát hiện các trường hợp vi phạm, để có biện pháp xử lý thích đáng, qua đó góp phần phát triển môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch hơn.

Là Tổ phó Tổ biên tập Luật Doanh nghiệp sửa đổi, ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết, hiện quản lý nhà nước đối với DN còn bộc lộ nhiều bất cập. Các vi phạm của DN chưa được phát hiện và xử lý kịp thời. Việc kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước vừa thừa, vừa thiếu, bởi còn trùng lặp, thiếu sự phối hợp, thậm chí có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý khi xảy ra sai phạm… Những bất cập này đang được xem xét khắc phục trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Cụ thể, quy định mới đang được xây dựng theo hướng, nâng cao hiệu quả hoạt động theo dõi, giám sát DN, đồng thời bổ sung quy định tạo thuận lợi cho các bên liên quan tham gia theo dõi, giám sát DN như yêu cầu minh bạch thông tin, thuận lợi hơn trong tiếp cận thông tin… Quy định mới cũng sẽ đưa ra định hướng cụ thể hơn về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan cùng một cấp, giữa các cấp trong theo dõi, giám sát DN…

Tin bài liên quan