Lập nhà máy sản xuất rồi nhập khẩu lượng lớn xe nguyên chiếc để bán

0:00 / 0:00
0:00
Có nhà máy sản xuất tại Việt Nam nhưng lượng xe nguyên chiếc nhập khẩu (CBU) được bán ra chiếm tỷ trọng lớn tại nhiều doanh nghiệp ô tô, thậm chí tới hơn 80% doanh số bán hàng.
Lập nhà máy sản xuất rồi nhập khẩu lượng lớn xe nguyên chiếc để bán

Năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc (CBU) trong khối ASEAN bắt đầu về 0% khi sản phẩm đạt được hàm lượng sản xuất nội khối từ 40% trở lên. Ngay lập tức, thị trường ô tô Việt Nam với 100 triệu dân đang có nhu cầu lên đời cùng ô tô đã trở thành điểm đến của nhiều xe CBU.

Dữ liệu của Báo Đầu tư cho thấy, năm 2019, các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) đã nhập khẩu 118.443 xe CBU các loại.

So với con số 193.710 được sản xuất và lắp ráp trong nước cũng năm 2019, có thể thấy tỷ trọng của xe CBU không hề nhỏ.

Tuy vậy, không phải doanh nghiệp sản xuất ô tô nào cũng nhập khẩu nhiều xe CBU.

Nhập khẩu nhiều nhất phải kể tới Công ty Mitsubishi Việt Nam. Thành lập năm 1994, Công ty TNHH ô tô Mitsubishi Việt Nam là một trong những công ty liên doanh sản xuất ô tô đầu tiên ở Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2019, Mitsubishi Việt Nam đã nhập khẩu 26.807 xe, chiếm tỷ trọng tới 87% tổng các loại xe mà doanh nghiệp này bán ra.

Tỷ trọng nhập khẩu xe CBU của Mitsubishi Việt Nam cũng không có sự biến động nhiều kể từ năm 2019 tới hết 8 tháng đầu năm 2022 khi duy trì ở mức 84% vào năm 2020; 85% vào năm 2021 và 86% trong 8 tháng năm 2022.

Một nhà sản xuất ô tô khác cũng có nhà máy tại Việt Nam là Suzuki cũng có lượng xe CBU nhập khẩu duy trì ở mức trên 70% trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2019, Suzuki Việt Nam nhập khẩu 8.667 xe CBU, chiếm 75% doanh số bán hàng. Năm 2020, tỷ trọng xe CBU trong doanh số bán hàng của Suzuki Việt Nam là 77%, năm 2021 là 75% và 8 tháng năm 2022 là 73%.

Tất nhiên là cũng có những doanh nghiệp sản xuất ô tô dù doanh số bán hàng tăng nhưng đã nỗ lực đầu tư và gia tăng lượng sản xuất tại Việt Nam.

Đơn cử như Honda Việt Nam. Năm 2021, Honda Việt Nam nhập khẩu 23.400 xe CBU, chiếm 71% doanh số bán xe của hãng tại Việt Nam. Tuy nhiên sau đó đã giảm mạnh cả về số lượng và tỷ trọng khi năm 2020 chỉ còn nhập khẩu 12.326 xe CBU, chiếm tỷ trọng 50%; năm 2021 nhập khẩu 6.099 xe CBU, chiếm tỷ trọng 28% và 8 tháng của năm 2022 tỷ trọng này là 23%.

Đáng chú ý là Công ty Ô tô Trường Hải chỉ có lượng xe CBU nhập khẩu quanh mức 5% trong giai đoạn 2019-2022.

Ở Tập đoàn Thành Công với thương hiệu Huyundai, tỷ trọng nhập khẩu xe CBU còn thấp hơn nữa khi chỉ là 0,3%-0,5% trong giai đoạn 2019-2021. Riêng 8 tháng đầu năm 2022, tỷ trọng xe CBU trong doanh số bán hàng có tăng lên với 11%.

Như vậy có thể thấy, nhiều hãng xe có vốn đầu tư nước ngoài, dù có nhà máy tại Việt Nam nhưng thay vì tăng lượng xe sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam như Quyết định số 1168/2014/QĐ-TTg, phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” thì lại đăng nhập khẩu xe nguyên chiếc để hoạt động kinh doanh.

Các doanh nghiệp nội địa như THACO Auto và Thành Công Motor dường như nhất quán và kiên định với chiến lược phát triển sản xuất lắp ráp trong nước, đầu tư phát triển công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ để nâng cao tỉ lệ nội địa hóa cho ô tô, gia tăng hàm lượng giá trị sản xuất trong nước.

Năm 2021, lượng xe CBU nhập khẩu vào Việt Nam được cho là tăng kỷ lục với hơn 160.035 xe các loại với tổng trị giá nhập khẩu đạt 3,66 tỷ USD.

Cụ thể, xe nhập từ Thái Lan chiếm 80.903 xe, với giá trị tương đương 1,5 tỷ USD. Xe nhập khẩu từ Indonesia đạt mức 44.250 xe, trị giá 559,5 triệu USD.

Trong số này, các thành viên VAMA nhập khẩu 109.297 CBU.

Theo VAMA, cộng dồn năm 2021, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 10% trong khi xe nhập khẩu tăng 24% so với năm 2020.

So với năm 2020, lượng ô tô CBU nhập khẩu của cả nước năm 2021 tăng 52,1% và kim ngạch nhập khẩu tăng 55,7%.

Trước đó nữa, năm 2019, cả nước nhập khẩu 139.427 xe CBU, trong đó, các thành viên VAMA nhập khẩu 118.443 xe.