Logistics là một trong hai trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển của GMD

Logistics là một trong hai trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển của GMD

Liên tục chuyển nhượng, GMD tập trung lĩnh vực lõi

(ĐTCK) Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2018 của Công ty cổ phần Gemadept (GMD), ông Đỗ Văn Minh, Tổng giám đốc GMD cho biết, dự kiến trong quý II/2018, Công ty sẽ hoàn thành chuyển nhượng và ghi nhận lợi nhuận từ việc thoái 51% vốn tại Cảng quốc tế Hoa Sen Gemadept.

Trước đó, tháng 2/2018, GMD đã hoàn thành chuyển nhượng vốn cổ phần tại 2 công ty con trong lĩnh vực logistics là CJ Shipping Holding (từ 100% xuống 51%) và CJ Logistics Holding (từ 100% xuống 49,1%). Đối tác nhận chuyển nhượng là CJ Logistics, thuộc Tập đoàn CI Group (Hàn Quốc).

Với các thương vụ chuyển nhượng này, nhiều cổ đông băn khoăn, hoạt động logistics của Công ty trong tương lai sẽ ra sao?

Giải đáp thắc mắc, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó tổng giám đốc GMD, phụ trách mảng logistics khẳng định, logistics là một trong hai trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển của Gemadept. Do đó, không chỉ dừng lại ở thị trường nội địa, Công ty xác định phải vươn ra thị trường toàn cầu, bắt đầu bằng việc hợp tác với một đơn vị quốc tế.

“CJ tham gia vào mảng logistics sẽ có tác động đến một số mặt như phạm vi hoạt động, chiến lược thị trường từ địa phương hướng ra toàn cầu của Gemadept. Cụ thể, công ty này sẽ hỗ trợ phát triển các dịch vụ mới và đa dạng, trên cơ sở thế mạnh của họ về năng lực và công nghệ. Đồng thời, CJ sẽ giới thiệu thêm một số khách hàng tại Hàn Quốc và trên thế giới, từ đó khẳng định thương hiệu GMD trên thị trường toàn cầu.Vấn đề hiện nay là làm sao để phối hợp bộ máy hoạt động hiệu quả, nhằm tạo ra giá trị cộng hưởng giữa 2 doanh nghiệp”, ông Bình cho hay.

Bên cạnh đó, ông Minh cho biết thêm, với định hướng phát triển tập trung lĩnh vực sản xuất kinh doanh cốt lõi, GMD sẽ thoái vốn 2 mảng ngoài ngành là cao su và dự án Khu phức hợp Saigon GEM, hiện đang trong giai đoạn tìm kiếm đối tác chuyển nhượng.

Riêng với Dự án Saigon GEM, “đã có nhiều đối tác quan tâm đến dự án, có đối tác muốn mua đứt hoặc mua lại một phần. Gemadept đang cân nhắc phương án bán nhưng giữ một số tầng để phục vụ cho nhu cầu văn phòng của Công ty”, ông Minh nói.

Sau khi chuyển nhượng các tài sản, GMD sẽ tập trung mọi nguồn lực cho hoạt động kinh doanh cốt lõi là khai thác cảng và logistics với nhiều mục tiêu tham vọng. Chẳng hạn, Công ty kỳ vọng, những giá trị cộng hưởng từ CJ Logistics có thể giúp mảng logistics tăng gấp đôi lợi nhuận trong vòng 3 năm tới.

Đối với lĩnh vực khai thác cảng, tháng 2/2018, GMD đã chính thức khai thác giai đoạn 1 của Cảng Nam Đình Vũ với tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng. Dù mới đi vào hoạt động vài tháng nhưng Nam Đình Vũ đã nhận được sử ủng hộ của khoảng 10 hãng tàu. Với quy mô 7 cầu tàu, đây sẽ là cảng quy mô lớn nhất, giúp GMD đảm bảo khả năng thu xếp cầu bến cho các hãng tàu trong tương lai.

“Với dự báo sản lượng hàng hóa tăng trưởng mỗi năm ở mức 10% thì kỳ vọng 2 - 3 năm tới sẽ lấp đầy công suất thiết kế của Cảng Nam Đình Vũ”, đại diện GMD cho hay.

Ngoài ra, giai đoạn 2018 - 2020, Công ty tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của Cảng Nam Đình Vũ, cũng với tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng, nâng năng lực khai thác cảng tại miền Bắc thêm 1 triệu TEUs đến năm 2020.

Cùng với Nam Đình Vũ, hiện GMD đang sở hữu 4 cảng tại khu vực cụm cảng Hải Phòng, khu vực trọng điểm miền Bắc. Trong đó, 3 trong 4 cảng nằm ở khu vực hạ nguồn, ít bị ảnh hưởng bởi xu hướng dịch chuyển nhu cầu từ thượng nguồn về hạ nguồn khi cầu Bạch Đằng được đưa vào vận hành.

Còn tại niềm Nam, GMD dự kiến sẽ tái khởi động lại Cảng nước sâu Gemalink tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Thực tế, công suất khả dụng của những cảng tại khu vực này là 87,1%, trừ đi những tàu hoạt động không hiệu quả, nên đây là thời cơ để GMD tái khởi động Cảng Gemalink. Hiện Công ty sở hữu 75% vốn Gemalink, đối tác CMA-CGM chiếm 25%. Được biết, CMA-CGM vừa là đối tác, vừa là khách hàng của GMD, giúp đảm bảo sản lượng cho cảng Gemalink.

Ngoài ra, GMD cũng đang nắm giữ quyền điều hành tại Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCSC) với tỷ lệ sở hữu hơn 36,89%. GMD xác định, SCSC là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị của Công ty với tỷ suất lợi nhuận khá tốt.

“Gemadept kỳ vọng đây sẽ là “con gà đẻ trứng vàng” trong thời gian tới”, bà Bùi Thị Thu Hương, Thành viên HĐQT GMD đồng thời là chủ tịch HĐQT SCSC cho hay.

Năm 2018, GMD đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 3.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.130 tỷ đồng. Nếu không tính lợi nhuận từ chuyển nhượng tài sản, GMD dự kiến lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường đạt 570 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2017.        

Tin bài liên quan