Lĩnh vực ngân hàng đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư.

Lĩnh vực ngân hàng đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư.

Liệu có cần quá nhiều ngân hàng mới?

(ĐTCK-online) Suốt hơn 10 năm qua, số lượng ngân hàng cổ phần chỉ có giảm mà không có tăng, trong giai đoạn đó, dù không có văn bản nào quy định “cấm thành lập ngân hàng mới” nhưng chủ trương chưa cho thành lập ngân hàng mới là có.

Cách đây khoảng 5 năm khi xuất khẩu thủy sản “phất lên”, đã từng có ý tưởng về việc thành lập một ngân hàng chuyên biệt phục vụ ngành này nhưng vấn đề được nêu ra cũng chỉ “ồn ào” trong chốc lát rồi rơi vào quên lãng. Nhưng câu chuyện thành lập ngân hàng cổ phần mới lại được xới lên vào thời gian này khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Quy chế cấp phép thành lập ngân hàng cổ phần kèm theo Quyết định 24/2007/QĐ-NHNN.

 

Lưỡng lự

Việc không muốn có thêm các ngân hàng cổ phần mới xuất hiện có những lý do của nó, bởi trong giai đoạn củng cố hệ thống ngân hàng cổ phần 1998 - 2001, có khoảng 10 ngân hàng đã phải đóng cửa giải thể, sau giai đoạn này còn lại khoảng 35 ngân hàng chỉ thực sự “khấm khá” trong 3 năm trở lại đây. Trước đó, từng có câu chuyện “bi hài” về một ngân hàng cổ phần phải đi “bán thẻ điện thoại di động” để vượt qua giai đoạn khó khăn, mà đến bây giờ lãnh đạo ngân hàng này vẫn nhắc lại như một mốc thời gian đáng nhớ trong lịch sử của ngân hàng.

Cũng trong giai đoạn củng cố hệ thống ngân hàng cổ phần, khi đó NHNN có đưa ra một yêu cầu về vốn cho các ngân hàng nào muốn tồn tại, đó là phải có vốn điều lệ trên 75 tỷ đồng đối với các ngân hàng cổ phần đô thị (trụ sở tại Hà Nội và TP.HCM). Để huy động được con số này vào thời điểm hiện nay đối với các ngân hàng chỉ là “muỗi”, nhưng vào thời điểm đó nhiều ngân hàng đã phải tính đến nước xin gia hạn bởi làm ăn khó khăn, cổ đông cũ không rút vốn thì thôi chứ đừng nói là góp thêm vốn, gọi được cổ đông mới thì khó vô cùng.

Đến bây giờ, Ngân hàng Quân đội (MB) vẫn còn tự hào là ngân hàng tăng đều đặn được vốn điều lệ suốt 12 năm hoạt động, nhất là trong giai đoạn khó khăn đó. Cũng cách đây 5 năm, khi Techcombank quyết định tăng vốn của mình lên mức hơn 100 tỷ đồng, trong đó 25 tỷ đồng được phát hành rộng rãi ra bên ngoài, nhưng đại lý phát hành khi đó là CTCK Ngân hàng Công thương (ICBS) cũng phải khó khăn lắm mới có thể giúp Techcombank bán hết số cổ phiếu, cho dù giá cổ phiếu khi đó chỉ bằng đúng mệnh giá, chuyện không bao giờ có vào thời điểm hiện nay.

Sự khó khăn đó giải thích cho chủ trương tại sao cơ quan quản lý không muốn thành lập ngân hàng mới mà chỉ tập trung củng cố hệ thống ngân hàng đang tồn tại. Cách đây 1 năm, trước yêu cầu hội nhập, việc thành lập ngân hàng mới dù muốn hay không cũng phải quy định rõ ràng khiến NHNN buộc phải tính tới việc ban hành một quy định về điều kiện thành lập ngân hàng cổ phần thay vì một chủ trương không được thể hiện rõ.

Đến tận khi đó vẫn có quan điểm rằng, thị trường Việt Nam chưa cần thiết phải có thêm ngân hàng mới. Xuất phát từ quan điểm này nên có ý kiến cứ đưa điều kiện thật khó để nhà đầu tư dù muốn cũng không thể thành lập được ngân hàng mới. Do vậy, đã từng có đề xuất, cứ đặt yêu cầu một ngân hàng mới được thành lập phải có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng (!?), tức là mức vốn mà đến thời điểm này cũng chưa có ngân hàng cổ phần nào vượt qua.

 

Thận trọng

Đến thời điểm này, sự “lưỡng lự” đã đi qua khi NHNN không thể chần chừ hơn trong trong việc ban hành Quy chế về thành lập ngân hàng cổ phần mới, nhưng sự thận trọng vẫn còn nguyên.

Theo Quyết định 24/2007/QĐ-NHNN, để thành lập một ngân hàng cổ phần phải có ít nhất là 100 cổ đông tham gia thành lập ngân hàng, trong đó có tối thiểu 3 cổ đông là tổ chức có vốn tối thiểu 500 tỷ đồng, nếu cổ đông là ngân hàng phải có tổng tài sản là 10.000 tỷ đồng (đa phần ngân hàng đô thị lâu năm đều vượt qua mốc này).

Ngoài ra, quy định về vốn cũng là bắt buộc, ngân hàng mới được thành lập phải có vốn điều lệ tối thiểu là 1.000 tỷ đồng, nếu thành lập sau ngày 31/12/2008, là trên 3.000 tỷ đồng. Quy chế cũng quy định rất nghiêm ngặt về việc huy động vốn thành lập của các ngân hàng phải là nguồn thuộc sở hữu của cổ đông, không được sử dụng tiền vay dưới mọi hình thức.

Mỗi cổ đông là tổ chức và người có liên quan chỉ được phép sở hữu tối đa 20% vốn điều lệ. Đối với cổ đông cá nhân, tỷ lệ sở hữu của cá nhân đó và những người có liên quan không quá 10% vốn điều lệ của ngân hàng. Trong trường hợp sở hữu vượt tỷ lệ cho phép, phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Nhưng có một điều mà NHNN tỏ ra lo ngại, đó là việc xin thành lập ngân hàng để bán, hay nói khác đi là “bán giấy phép”. Do đó, thời gian được phép chuyển nhượng vốn khá dài. Cụ thể, cổ đông sáng lập chỉ được phép chuyển nhượng lẫn nhau trong thời gian 5 năm kể từ khi ngân hàng được cấp phép, cổ đông khác không được chuyển nhượng cổ phần trong thời gian 3 năm kể từ khi được cấp phép thành lập, đồng thời đối tác nước ngoài sẽ không được tham gia thành lập ngân hàng thương mại cổ phần mà chỉ được tham gia mua lại cổ phần khi ngân hàng đã thành lập và đi vào hoạt động.

Ngoài các quy định mang tính định lượng thì các quy định mang tính kỹ thuật phải được thể hiện ngay trong hồ sơ xin thành lập như chứng minh khả năng công nghệ,  năng lực quản trị, chiến lược kinh doanh, tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp…

 

Vẫn ngần ngại?

Như ĐTCK từng phản ánh, ngay cả khi Quy chế thành lập ngân hàng cổ phần mới chưa được ban hành, đã có khoảng 25 hồ sơ xin thành lập ngân hàng được gửi tới NHNN, đó là chưa kể hàng loạt doanh nghiệp “mới nổi” khác đã tuyên bố về kế hoạch thành lập ngân hàng của mình.

Ngoài những cái tên đã được nhắc nhiều như FPT, Bảo Việt, Tiết kiệm Bưu điện (chuyển đổi thành ngân hàng), Dầu khí,… thì có khoảng 10 tỉnh cũng có hồ sơ nộp lên với các cổ đông sáng lập là người của tỉnh. Một quan chức NHNN đã từng nói rất thẳng, việc thành lập ngân hàng không phải là chuyện “thích thì làm”, nếu thành lập ngân hàng để huy động vốn, phục vụ đầu tư của tỉnh thì những câu chuyện “đại công trường Hà Giang” chắc sẽ phải nhắc lại.

Còn người đứng đầu NHNN, Thống đốc Lê Đức Thúy, vào đầu năm nay khi phát biểu với báo chí vẫn còn nhắc lại bài học về “các đại gia” thập kỷ 90, thành lập ngân hàng để huy động vốn cho các doanh nghiệp của mình dẫn đến thua lỗ nặng.

Quay trở lại với Quy chế cấp phép thành lập ngân hàng cổ phần mới ban hành, theo ông Kiều Hữu Dũng, Vụ trưởng Vụ Các ngân hàng (NHNN), tất cả hồ sơ đã nộp tới NHNN sẽ được trả lại để chủ đầu tư hoàn thiện theo quy chế mới. Ông Dũng dự kiến, để hoàn thiện các bộ hồ sơ này và xem xét đúng quy trình thì phải mất khoảng 6 tháng. “Hồ sơ đủ điều kiện sẽ được cấp phép”, ông Dũng khẳng định.

Theo nguồn tin của ĐTCK, một số hồ sơ nộp lên trước đây đã đáp ứng được quy định về vốn điều lệ như Ngân hàng FPT là 1.000 tỷ đồng, Liên Việt là 3.200 tỷ đồng, Kinh Bắc là 1.500 tỷ đồng,…

Cơ chế đang mở ra cho nhà đầu tư muốn thành lập ngân hàng, và sẽ sớm có những ngân hàng mới được thành lập. Nhưng cũng theo phát biểu của một lãnh đạo NHNN, với xu hướng mua lại và sáp nhập trong ngành tài chính trên thế giới thời gian gần đây thì ngay cả với số lượng ngân hàng hiện tại là 35 ngân hàng cổ phần cũng sẽ phải theo xu hướng này khi mở cửa vài năm tới.