Lo lắng chồng chất, giới đầu tư tháo chạy

Lo lắng chồng chất, giới đầu tư tháo chạy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall quay đầu giảm điểm trong phiên ngày thứ Ba (23/3) khi lo ngại về chi phí chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và khả năng tăng thuế để chi trả cho dự luật cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden đè nặng lên tâm lý thị trường.

Thứ Ba, thị trường dồn sự tập trung vào hai ngày điều trần trước quốc hội Mỹ của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell về gói kích thích 1.900 tỷ USD của Tổng thống Biden và chương trình đầu tư cho cơ sở hạ tầng trị giá 3.000 tỷ USD, trong bối cảnh các đảng viên Đảng Cộng hòa cho rằng kế hoạch này đang làm nợ của Mỹ thêm chồng chất và nguy cơ gây ra lạm phát.

Tại phiên điều trần, bà Yellen, trong bài phát biểu về việc phát triển các kế hoạch tăng thuế trong tương lai để bù đắp cho các khoản đầu tư công mới, tuyên bố, nền kinh tế Mỹ vẫn còn đang vật lộn trong khủng hoảng do đại dịch, tình trạng thiếu hụt việc làm vẫn nghiêm trọng.

Trong khi đó, ông Powell xoa dịu lo ngại của một số nhà lập pháp về khả năng lạm phát tăng cao sắp tới khi chính sách tiền tệ nới lỏng của Fed trùng với thời điểm mở cửa kinh tế trở lại dự kiến ​​sẽ thúc đẩy tăng trưởng mạnh nhất kể từ những năm 1980.

“Chúng tôi cho rằng lạm phát sẽ tăng trong suốt cả năm nay nhưng nó sẽ không quá cao và không kéo dài dai dẳng", ông Powell nói và có biết thêm Fed có các công cụ để giải quyết vấn đề này nếu chúng trở thành hiện thực.

Mặt khác, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hầu hết các khu vực trên toàn cầu đang chứng kiến số ca nhiễm mới Covid-19 gia tăng do các biến thể dễ lây nhiễm.

Trong khi đó, Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIAID) hôm 22/3 đưa ra tuyên bố, các thử nghiệm lâm sàng của AstraZeneca có thể đã kết luận hiệu quả vắc-xin dựa trên các thông tin lỗi thời khi dữ liệu quá cũ và "cung cấp cái nhìn không đầy đủ về tác dụng của vắc-xin".

Tuyên bố trên được đưa ra chỉ vài giờ sau khi hãng cho biết, các dữ liệu từ thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn tại Mỹ cho hiệu quả tới 79%.

Kết thúc phiên 23/3, chỉ số Dow Jones giảm 308,05 điểm (-0,94%), xuống 32.423,07 điểm. Chỉ số S&P 50 giảm 30,07 điểm (-0,76%), xuống 3.910,52 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 149,85 điểm (-1,13%), xuống 13.227,70 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm trong phiên ngày thứ Ba, khi làn sóng lây nhiễm quay lại cũng như đợt đóng cửa mới ở Đức làm dấy lên lo ngại về sự phục hồi kinh tế chậm chạp sau đại dịch.

Kết thúc phiên 23/3, chỉ số FTSE 100 giảm 26,91 điểm (-0,40%), xuống 6.699,19 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 4,82 điểm (+0,03%), lên 14.662,02 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 23,18 điểm (-0,39%), xuống 5.945,30 điểm.

Chúng khoán châu Á đỏ sàn trong phiên ngày hôm qua. chứng khoán Nhật Bản giảm điểm do ảnh hưởng bởi nhóm cổ phiếu có doanh thu lớn tại Trung Quốc, trong khi sự biến động của lợi suất trái phiếu Mỹ cũng làm giảm tâm lý thị trường.

Chứng khoán Trung Quốc giảm khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Trung Quốc làm giảm tâm lý nhà đầu tư.

Chứng khoán Hồng Kông lao dốc do nhóm cổ phiếu tiêu dùng và vật liệu đi xuống, khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Trung Quốc đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm phiên thứ ba liên tiếp khi các nhà đầu tư đứng ngoài chờ đợi những bình luận mới từ các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Mỹ.

Kết thúc phiên 23/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 178,23 điểm (-0,61%), xuống 28.995,92 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 31,93 điểm (-0,93%), xuống 3.411,51 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 387,96 điểm (-1,34%), xuống 28.497,38 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 30,72 điểm (-1,01%), xuống 3.004,74 điểm.

Giá vàng tiếp tục giảm mạnh trong bối cảnh đồng USD vụt tăng bất chấp các quan chứ hàng đầu của Mỹ tuyên bố sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian tới. Thị trường chứng khoán lao dốc cũng không thể kéo giá vàng đi lên trong phiên đêm qua.

Kết thúc phiên 23/3, giá vàng giao ngay giảm 11,90 USD (-0,68%), xuống 1.727,40 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 13,00 USD (-0,75%), xuống 1.725,10 USD/ounce.

Giá dầu lao dốc mạnh trong phiên ngày thứ Ba do thị trường lo ngại, các biện pháp phong toả mới và việc triển khai vắc-xin chậm ở châu Âu bị đình trệ sẽ làm tăng thêm tình trạng dư cung.

Viện Dầu mỏ Mỹ hôm thứ Ba cho biết, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng và tồn kho xăng giảm trong tuần gần đây nhất. Theo đó, dự trữ dầu thô tăng 2,9 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 19/3, trong khi giới chuyên gia dự báo giảm khoảng 300.000 thùng.

Kết thúc phiên 23/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 3,80 USD (-6,2%), xuống 57,32 USD/thùng, giá dầu thô giảm 3,83 USD (-5,9%), xuống 60,79 USD/thùng.

Tin bài liên quan