Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) nộp hồ sơ niêm yết hơn 3,1 tỷ cổ phiếu trên sàn HNX

(ĐTCK) Sở GDCK Hà Nội (HNX) vừa thông báo đã nhận được bộ hồ sơ đăng ký niêm yết của CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).
Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) nộp hồ sơ niêm yết hơn 3,1 tỷ cổ phiếu trên sàn HNX

Theo đó, với vốn điều lệ đăng ký và thực góp gần 31.005 tỷ đồng, Lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến sẽ  niêm yết là hơn 3,1 tỷ cổ phiếu. Qua đó, BSR sẽ trở thành doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ lớn nhất HNX, tiếp theo là ACB (1,66 tỷ cổ phiếu) và SHB (1,46 tỷ cổ phiếu).

Kế hoạch niêm yết cổ phiếu BSR trên sàn HNX đã được ĐHCĐ thường niên mới đây thông qua. Theo Lọc hóa dầu Bình Sơn, việc niêm yết trên sàn chứng khoán lớn sẽ giúp cổ phiếu BSR có cơ hội giao dịch sôi động trên thị trường, đồng thời thực hiện việc thoái vốn trên sàn giao dịch theo kế hoạch. Hiện cổ đông nhà nước sở hữu 92,12% cổ phần tại BSR.

Về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020, BSR đề ra với sản lượng đạt 5,56 triệu tấn; doanh thu là 80.685 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước khoảng 7.404 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1.185 tỷ đồng.

Đây là kịch bản kinh doanh với giá dầu ở mức 60 USD/thùng. Nay giá dầu đã tuột dốc và có thời điểm về dưới 20 USD/thùng, nên tại đại hội lần này, ông Tiến đề nghị các cổ đông thảo luận kỹ, chi tiết, đề ra các giải pháp ứng phó với đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm với mục tiêu Nhà máy hoạt động an toàn, ổn định, nhanh chóng khôi phục hiệu quả sản xuất kinh doanh, duy trì đóng góp cho ngân sách.

Kết thúc quý I/2020, BSR báo lỗ ròng kỷ lục 2.348 tỷ đồng, ghi nhận quý lỗ thứ 2 kể từ khi chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 1/2018.

Kết quả lợi nhuận âm của BSR là không bất ngờ với các chuyên gia phân tích cũng như nhà đầu tư trong bối cảnh các nhà máy lọc hoá dầu trong nước và nước ngoài đều bị thiệt hại do tác động kép từ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 lan rộng và giá dầu thô lao dốc.

Ngoài việc tiêu thụ sản phẩm bị giảm mạnh do ảnh hưởng dịch Covid-19 dẫn đến tồn kho dầu thô và sản phẩm tăng cao, giá dầu Brent trong quý I lao dốc hơn 70% từ 68,34 USD/thùng vào ngày 3/1/2020 xuống còn 17,68 USD/thùng vào ngày 31/3/2020 đã gia tăng mạnh giảm giá hàng tồn kho, là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả lỗ trong quý I/2020.

Hiện cổ phiếu BSR đang giao dịch trên UPCoM và thường dẫn đầu thanh khoản trên thị trường này với giao dịch sôi động. Trong những phiên đầu tháng 6 này, cổ phiếu BSR đã liên tiếp tăng vọt. Tạm chốt phiên giao dịch sáng nay 4/6, cổ phiếu BSR tăng 7% lên 7.600 đồng/CP, khối lượng giao dịch vượt trội, đạt hơn 6,5 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan