Ngày 29/3, Quốc hội dự kiến biểu quyết thông qua Luật Kiểm toán độc lập

Ngày 29/3, Quốc hội dự kiến biểu quyết thông qua Luật Kiểm toán độc lập

Luật Kiểm toán độc lập, nhiều băn khoăn trước khi “bấm nút”

(ĐTCK-online) Ngày 24/3, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Kiểm toán độc lập (KTĐL). Vẫn còn những ý kiến băn khoăn của đại biểu Quốc hội trước khi Luật này được biểu quyết thông qua vào ngày 29/3 nhằm luật hoá KTĐL sau gần 20 năm hoạt động.

So với dự thảo Luật KTĐL được đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 8, dự thảo Luật đưa ra lấy ý kiến lần này có một số điểm mới. Điểm đáng chú ý nhất là đưa thêm phương án kiểm toán viên (KTV) phải là hội viên của tổ chức hành nghề. Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến đồng tình với quy định của dự thảo Luật, không yêu cầu bắt buộc KTV hành nghề phải là hội viên của hội nghề nghiệp vì cho rằng, đây là tổ chức được thành lập trên nguyên tắc tự nguyện, tự giác và đem lại lợi ích tập thể. Tuy nhiên, ý kiến khác cho rằng, KTĐL là loại hình dịch vụ đặc biệt, để quản lý tốt các KTV và nâng cao vai trò của tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán, đề nghị quy định KTV hành nghề phải là hội viên của tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội hai phương án để xem xét, quyết định: Phương án 1, không quy định bắt buộc KTV, KTV hành nghề phải là hội viên của tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán. Phương án 2, KTV hành nghề phải là hội viên của tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán.

Đối với quy định giám đốc hoặc tổng giám đốc DN kiểm toán của công ty TNHH phải góp tối thiểu 10% vốn điều lệ (Khoản 3 Điều 22 dự thảo Luật cũ), nhiều đại biểu không đồng tình vì cho rằng, theo Luật Doanh nghiệp, chủ tịch hội đồng thành viên của doanh nghiệp TNHH 2 thành viên trở lên có thể thuê tuyển giám đốc hoặc tổng giám đốc để quản lý, điều hành doanh nghiệp. Như vậy, yêu cầu giám đốc/tổng giám đốc doanh nghiệp TNHH phải góp tối thiểu 10% vốn điều lệ là không phù hợp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với ý kiến trên và đề nghị bỏ quy định này trong dự thảo Luật. Liên quan đến chất lượng báo cáo kiểm toán, dự thảo Luật quy định: "Bộ Tài chính quy định nội dung không được ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán phù hợp với chuẩn mực kiểm toán".

Góp ý cho dự thảo Luật, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, không nên để Bộ Tài chính quy định các điểm không được ngoại trừ trong báo cáo tài chính kiểm toán trong thông tư hướng dẫn, mà để Chính phủ quy định trong nghị định để nâng cao tính pháp lý. Ngoài ra, cần xem xét việc các tập đoàn, tổng công ty tham gia góp vốn thành lập công ty kiểm toán. Trên thực tế, có tình trạng công ty kiểm toán thực hiện kiểm toán công ty con thuộc tập đoàn làm mất đi tính khách quan, độc lập, kết hợp với việc được phép ngoại trừ đã tạo ra sự mù mờ về thông tin trong báo cáo tài chính kiểm toán.

Đại biểu Đặng Văn Xướng nhất trí với việc Bộ Tài chính cấp chứng nhận điều kiện kinh doanh và chứng chỉ hành nghề kiểm toán, do đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, cần có quy định để nó không thành một giấy phép con. Hiện nay, hàng năm các DN kiểm toán phải lập danh sách các KTV, KTV làm đơn xin xác nhận đăng ký hành nghề với Bộ Tài chính.

"Năm nào cũng vậy nên đã gây phiền toái cho các công ty kiểm toán. Theo tôi, nếu công ty kiểm toán nào có thay đổi về KTV (tăng hoặc giảm) mới phải lập danh sách, còn với DN ổn định thì không cần", đại biểu Xướng đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Mỹ Hương kiến nghị, cần quy định cụ thể những tài liệu, thông tin nào đối tượng kiểm toán được từ chối cung cấp cho đơn vị kiểm toán. Nếu không, họ sẽ lạm dụng điều này hạn chế cung cấp thông tin cho đơn vị kiểm toán sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo tài chính.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, trong phần giải thích từ ngữ của dự thảo Luật có nhiều khái niệm đã rõ, không cần quy định. Vậy nhưng, lại thiếu một số thuật ngữ quan trọng như: chuẩn mực kiểm toán, kiểm toán bắt buộc, chuẩn mực đạo đức. Về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, theo đại biểu Thuyết, nên để hội nghề nghiệp ban hành. Không nên quy định Bộ Tài chính kiểm tra, giám sát hoạt động của hội nghề nghiệp, vì đó là việc của Bộ Nội vụ. Ngược lại, hội nghề nghiệp phải là cơ quan giám sát hoạt động của Bộ Tài chính để đảm bảo quyền lợi cho hội viên.

Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với quan điểm không nên quy định điều kiện đăng ký hành nghề kiểm toán KTV phải là hội viên hội nghề nghiệp. Tuy nhiên, cần quy định hội nghề nghiệp có chức năng đào tạo, giám sát hoạt động và tuân thủ đạo đức của các KTV. Hội nghề nghiệp cần nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động để thu hút các hội viên, đến một giai đoạn thích hợp sẽ tiếp nhận những công việc từ Bộ Tài chính như cấp phép hành nghề cho KTV.