Cần có những thay đổi về mặt pháp lý để thúc đẩy hoạt động M&A ở Việt Nam.

Cần có những thay đổi về mặt pháp lý để thúc đẩy hoạt động M&A ở Việt Nam.

Luật riêng cho M&A: Không dễ

(ĐTCK-online) Những tranh cãi về việc liệu có khả thi hay không khi xây dựng văn bản pháp lý riêng rẽ về hoạt động mua lại và sáp nhập (M&A) được đề cập khá rõ trong bản báo cáo của nhóm nguyên cứu gồm các luật sư từ 3 văn phòng luật sư uy tín trong và ngoài nước và sẽ được trình bày tại Hội thảo “Nghiên cứu các hạn chế của pháp luật Việt Nam về hoạt động M&A” được Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức vào ngày mai (31/12/2009) tại Hà Nội.

Không cần thiết có văn bản riêng cho M&A…

Trưởng nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc Văn phòng Luật sư nhQuang& CỘNG SỰ cho biết, không cần thiết, hay nói đúng hơn là không thể có một văn bản pháp luật riêng rẽ điều chỉnh hoạt động M&A.

Theo ông Quang, hoạt động M&A trải dài trong nhiều lĩnh vực, hơn thế, kinh nghiệm một số quốc gia được nghiên cứu thì không thấy quốc gia nào có quy định riêng về hoạt động M&A. “Nhiều quy định pháp luật ở nhiều cấp độ như luật, nghị định và thông tư điều chỉnh từng phần của hoạt động này. Nếu có một văn bản quy phạm pháp luật riêng cho hoạt động này thì văn bản đó sẽ rất dễ bị thay đổi, mất hiệu lực từng phần khi những văn bản pháp luật chuyên ngành khác được ban hành sau”, ông Quang khẳng định.

Có một số quan điểm cho rằng, một văn bản riêng lẻ quy định một cách tổng thể vấn đề M&A sẽ giúp cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất và giải quyết được những vấn đề đang vướng mắc tại các văn bản chuyên ngành. Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, nếu sửa đổi từng văn bản chuyên ngành sẽ tốn một khoảng thời gian và kinh phí không nhỏ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, hoạt động M&A chỉ có thể diễn ra một cách lành mạnh và phát triển khi mà môi trường pháp luật phát triển ở một mức độ nhất định. Theo quan điểm của nhóm, việc một văn bản được ban hành riêng rẽ để điều chỉnh hoạt động này chỉ là giải pháp tạm thời mà không tác động được nhiều vào môi trường pháp lý.

Theo ông Quang, định nghĩa hoạt động M&A đã được quy định khá thống nhất tại những văn bản pháp lý cao nhất như Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh, Luật Hợp tác xã… Vấn đề còn lại là những văn bản hướng dẫn thi hành của từng chuyên ngành luật phải thống nhất với quy định của luật và các văn bản chuyên ngành khác.

 

… nhưng cần những thay đổi về mặt pháp lý

Để thúc đẩy hoạt động M&A, theo nhóm nghiên cứu, có một số vấn đề pháp lý cần được thay đổi.  Những vấn đề này được được nhóm nghiên cứu khái quát thành 7 đề xuất chủ đạo.

Thứ nhất, các khái niệm pháp lý được quy định tại những văn bản pháp quy cần phải được thống nhất, như những khái niệm về: nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam, tài khoản đầu tư, đồng tiền thanh toán, tài sản góp vốn…

Thứ hai, những khái niệm pháp lý mới hoặc chưa được hướng dẫn cụ thể thì cần được xây dựng như: doanh nghiệp cùng loại, thị trường liên quan, kiểm soát tập trung kinh tế…

Thứ ba, hoàn thiện các thủ tục về đăng ký kinh doanh, xin giấy chứng nhận đầu tư, mở tài khoản đầu tư, thông báo về hành vi tập trung kinh tế… để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính.

Thứ tư, nghiêm cấm việc ban hành tùy tiện các văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật để hạn chế khả năng tham gia thị trường của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thứ năm, cần có một cơ quan quản lý hoặc theo dõi việc thực thi pháp luật thống nhất của hoạt động M&A. Cơ quan này có thể quản lý những hoạt động M&A có yếu tố tập trung kinh tế hay không tập trung kinh tế. Cơ quan này sẽ có trách nhiệm hướng dẫn nghiệp vụ thống nhất đối với hoạt động M&A.

Thứ sáu, cần nghiên cứu về lý luận và thực tiễn để cho phép hoặc không cho phép việc M&A doanh nghiệp ở những hình thức khác nhau, như công ty TNHH hay cổ phần mua lại hợp tác xã, hai công ty hợp danh sáp nhập với nhau, công ty TNHH sáp nhập với công ty hợp danh…

Thứ bảy, cần nghiên cứu và ban hành quy phạm pháp luật cho phép doanh nghiệp Việt Nam được sáp nhập và mua lại toàn bộ hay một phần doanh nghiệp ở nước ngoài, hoán đổi cổ phiếu với các doanh nghiệp ở nước ngoài, niêm yết trên thị trường nước ngoài…