Thủ tướng Xavier Bettel chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Đại Công quốc Luxembourg. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thủ tướng Xavier Bettel chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Đại Công quốc Luxembourg. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Luxembourg muốn đưa hợp tác tài chính xanh thành trụ cột hợp tác với Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Luxembourg sẵn sàng thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, ngân hàng, chứng khoán, tài chính khí hậu và đặc biệt là tài chính xanh.

Nhận lời mời của Thủ tướng Xavier Bettel, sáng ngày 9/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã đến Thủ đô Luxembourg, bắt đầu chuyến thăm chính thức Đại Công quốc Luxembourg. Ngay sau Lễ đón trọng thể tại Quảng trường Clairefontaine, hai Thủ tướng đã tiến hành hội đàm.

Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng lần đầu tiên đến thăm Đại Công quốc Luxembourg, cảm ơn sự đón tiếp trọng thị và chu đáo của Chính phủ Luxembourg dành cho Đoàn. Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện với Luxembourg, một thành viên sáng lập, có vai trò quan trọng của Liên minh châu Âu (EU).

Chào mừng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Luxembourg, chuyến thăm cấp cao đầu tiên sau 10 năm giữa hai nước, Thủ tướng Xavier Bettel đánh giá cao ý nghĩa rất quan trọng của chuyến thăm, bày tỏ tin tưởng chuyến thăm sẽ đưa quan hệ hai nước sang giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh hai nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023).

Trong không khí cởi mở, chân thành, tin cậy, hai Thủ tướng đã trao đổi toàn diện về tình hình phát triển kinh tế - xã hội mỗi nước, quan hệ hợp tác song phương và các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.

Hai nhà Lãnh đạo bày tỏ vui mừng về những phát triển tích cực trong quan hệ hai nước, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, khi Luxembourg là nhà đầu tư lớn thứ ba của châu Âu ở Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đạt 2,6 tỷ USD.

Hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai hiệu quả khuôn khổ hợp tác đã có, đồng thời nghiên cứu thiết lập cơ chế hợp tác mới phù hợp với tiềm năng, nhu cầu phát triển của hai nước. Hai bên nhất trí thúc đẩy sớm thiết lập khuôn khổ Đối tác chiến lược về tài chính xanh, nhằm tận dụng thế mạnh của Luxembourg về nguồn vốn đầu tư, nhất là tài chính xanh, để hỗ trợ Việt Nam triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có việc thực hiện các cam kết đã đưa ra tại COP 26.

Về hợp tác kinh tế, hai Thủ tướng đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp hai nước tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), đẩy mạnh kết nối về logistics, thiết lập hệ thống kho ngoại quan tại mỗi nước nhằm thúc đẩy thương mại, làm cửa ngõ vào thị trường EU và ASEAN; đồng thời thúc đẩy ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Chính phủ Luxembourg tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận thị trường Luxembourg và EU, nhất là các sản phẩm nông, lâm và thủy sản có thế mạnh của Việt Nam; khuyến khích các doanh nghiệp Luxembourg đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực như hạ tầng chiến lược, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, công nghệ dược phẩm. Thủ tướng đề nghị Luxembourg hỗ trợ Việt Nam xây dựng trung tâm tài chính quốc tế ở Thành phố Hồ Chí Minh; thúc đẩy các nước EU khác sớm phê chuẩn Hiệp định EVIPA và ủng hộ Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam.

Về phần mình, Thủ tướng Luxembourg khẳng định Hiệp định EVFTA là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai bên; ủng hộ EU sớm thông qua Hiệp định EVIPA; đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong chuyển đổi nghề cá bền vững; nhấn mạnh các tập đoàn, doanh nghiệp Luxembourg ngày càng quan tâm đến Việt Nam có ổn định chính trị và môi trường đầu tư – kinh doanh thuận lợi; sẵn sàng thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, ngân hàng, chứng khoán, tài chính khí hậu và đặc biệt là đưa hợp tác trong tài chính xanh, lĩnh vực thế mạnh của Luxembourg, thành trụ cột hợp tác giữa hai nước.

Về ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Luxembourg hỗ trợ Việt Nam về tài chính và công nghệ nhằm phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; hỗ trợ nguồn lực triển khai các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tăng cường hỗ trợ Uỷ hội Sông Mê Công, nhất là trong quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên nước.

Hai bên cũngnhất trí mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực an ninh quốc phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, chuyển đổi số, văn hóa, du lịch, giáo dục - đào tạo, giao thông vận tải. Thủ tướng Xavier Bettel ủng hộ tăng học bổng cho sinh viên Việt Nam sang học tập tại Luxembourg, thiết lập cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Giáo dục và các trường đại học hai nước, kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đánh giá cao cộng đồng người Việt Nam ở Luxembourg có vai trò tích cực trong xã hội. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Chính phủ Luxembourg tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam hội nhập thành công và đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội Luxembourg, mở rộng việc tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Luxembourg.

Hai Thủ tướng đã trao đổi sâu rộng về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm, khẳng định tiếp tục phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế như khuôn khổ hợp tác ASEAN-EU, ASEM, Liên hợp quốc, nhất là trong thời gian hai nước cùng là thành viên Hội đồng Nhân quyền, nhằm đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.

Về vấn đề Biển Đông, hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982)

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mời Thủ tướng Xavier Bettel thăm Việt Nam trong năm 2023. Thủ tướng Xavier Bettel vui vẻ nhận lời và đề nghị hai bên phối hợp thu xếp qua đường ngoại giao.

Tin bài liên quan