M&A ngân hàng 2014: “Ông lớn” lộ diện

M&A ngân hàng 2014: “Ông lớn” lộ diện

(ĐTCK) Xu hướng tái cơ cấu nợ theo hướng giảm tỷ lệ nợ xấu là một lý do khiến các ngân hàng chạy đua bán nợ xấu cho VAMC và có thể xúc tiến M&A trong nửa cuối năm nay, bà Nguyễn Thùy Dương - Phó tổng giám đốc dịch vụ tài chính ngân hàng EY Việt Nam nhận định.
Nhiều ý kiến cho rằng, năm 2013 vừa qua là “chảo lửa” đối với hệ thống ngân hàng. Quan điểm của bà như thế nào?
Nếu hiểu “chảo lửa” ở đây là yêu cầu vận động liên tục và gấp rút trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của các ngân hàng để vượt qua khó khăn hiện thời thì có thể nói, năm 2013 đúng là “chảo lửa”. Các yếu tố “bắt lửa” đã thổi bùng lên “chảo lửa” trong năm 2013 đều có tính lan truyền rất cao.
Trong năm 2013, tiếp theo sự kiện hợp nhất ba ngân hàng SCB, Đệ Nhất và Tín Nghĩa và vụ sáp nhập đình đám giữa hai ngân hàng niêm yết SHB và HBB, hàng loạt các vụ mua lại, sáp nhập đã diễn ra, tạo nên luồng không khí vô cùng “nóng” trên thị trường ngân hàng. Cụ thể như WesternBank và PVFC hợp nhất thành PvcomBank; DaiABank sáp nhập vào HDBank; HDBank mua công ty tài chính SGVF của Pháp, Nhóm nhà đầu tư mới mua 85% cổ phần của TrustBank và đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam… Tuy nhiên, số lượng các cuộc M&A trong năm 2013 vẫn chưa phản ánh chính xác nhu cầu của thị trường, một số ngân hàng vẫn đang “án binh bất động” chờ phép thử của thị trường.
Một yếu tố bắt lửa khác là Thông tư 02/2013/TT-NHNN quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro. Tuy thông tư này chưa có hiệu lực ngay, nhưng đã có sức ảnh hưởng rất lớn tới các ngân hàng. Thông tư 02 chính là yếu tố làm nóng hầu hết các cuộc họp toàn ngành ngân hàng trong năm 2013 do tác động tiềm tàng của nó tới hoạt động ngân hàng. Hầu hết các ngân hàng đã xin lùi thời gian áp dụng thông tư này.
Bên cạnh đó, hiện tượng các ngân hàng “đua” nhau bán nợ cho VAMC trong năm 2013 cũng đã tạo nên một trào lưu làm sạch bảng cân đối kế toán.
Dịch chuyển nhân sự trong nội bộ ngành ngân hàng cũng tạo nên làn sóng ồ ạt trên thị trường lao động. Một loạt “ghế nóng” tại các ngân hàng có chủ nhân mới, điển hình là việc thay đổi tổng giám đốc tại các ngân hàng như Eximbank, Techcombank, SCB, VIB… Áp lực đổi mới và phát triển trong vòng xoáy tái cơ cấu đã buộc các ngân hàng phải thay đổi chiến lược, bao gồm cả chiến lược nhân sự cấp cao, nhằm tìm kiếm tư duy lãnh đạo mới, phù hợp với bối cảnh mới. Bên cạnh làn sóng thay đổi nhân sự cấp cao, làn sóng cắt giảm nhân sự cấp thấp và cấp trung cũng diễn ra mạnh mẽ. Đây cũng là hệ lụy từ động thái thu hẹp quy mô hoạt động cũng như tái cấu trúc của các ngân hàng trong năm 2013. Cụ thể, rất nhiều ngân hàng tuyên bố cắt giảm nhân sự như ACB với hơn 1.000 nhân sự; Maritime Bank tuyên bố giảm hơn 1.400 nhân sự; Eximbank có kế hoạch giảm 1.000 nhân sự…
Ngoài ra, năm 2013, ngành ngân hàng là tâm điểm của dư luận khi 10 đại án tham nhũng thì có tới 8 vụ liên quan tới lĩnh vực ngân hàng. Điển hình là vụ đại án tham nhũng tại Công ty cho thuê tài chính II thuộc Agribank (ALC II) làm thất thoát hơn 500 tỷ đồng của Nhà nước; vụ Huỳnh Thị Huyền Như và 22 đồng phạm chiếm đoạt hơn 4.900 tỷ đồng, vụ bầu Kiên gây thiệt hại gần 1.700 tỷ đồng…
“Chảo lửa” này liệu có còn “nóng” trong năm 2014?
Các ngân hàng vẫn đang trong quá trình chuyển dịch và tái cấu trúc, do vậy, “chảo lửa” vẫn tiếp tục “nóng” và thậm chí có thể sẽ “nóng” hơn bao giờ hết.
Xu hướng M&A sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2014 với sự góp mặt của nhiều “ông lớn” trong ngành, có thể gọi tên là “cơn bão M&A”. Ngoài ra, với nỗ lực giải quyết triệt để vấn đề sở hữu chéo cùng với chủ trương thu hẹp số lượng ngân hàng, năm 2014 hứa hẹn sẽ có nhiều cuộc “dạm ngõ” và “cưới hỏi” mang tính đột phá. Mới đây, một số ngân hàng lớn đã xin chấp thuận của đại hội đồng cổ đông, cho phép mua bán hoặc sáp nhập với ngân hàng hoặc tổ chức tài chính khác, ví dụ như các thương vụ giữa Sacombank và Southern Bank…
Thông tư 02/2013/TT-NHNN, có hiệu lực vào ngày 1/6/2014, là một trong những thay đổi lớn của ngành ngân hàng trong nỗ lực minh bạch hóa bức tranh nợ xấu và sức khỏe hệ thống ngân hàng. Khi con số thực sự của nợ xấu bị vén bức màn che, các ngân hàng buộc phải đưa ra các sách lược để có thể ứng phó với khả năng mất vốn và từ đó có thể sẽ tạo nên các làn sóng có tính lan truyền cao.
M&A là cơ hội để tăng trưởng mạnh nhất, đi tắt đón đầu một cách nhanh nhất
Điều này có nghĩa là những tồn tại vẫn còn, vậy mức độ đến đâu? Hệ thống có thể tự khắc phục hay cần sự hỗ trợ từ bên ngoài?
Hiểu một cách đơn giản, một người bệnh đang rất nỗ lực để điều trị, nhưng bệnh tình không thể thuyên giảm sau một đêm mà phải mất một quá trình đủ dài. Ngành ngân hàng cũng vậy. Chúng ta không kỳ vọng diện mạo ngành ngân hàng sẽ khởi sắc chỉ sau vài tháng tái cấu trúc. Tại thời điểm cuối năm 2011, ngay trước thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 254/2012/QĐ-TTg về tái cơ cấu ngành ngân hàng, vấn đề lớn của các ngân hàng là thanh khoản kém, nợ xấu cao, sở hữu chéo phức tạp… do vậy, nguy cơ mất vốn rất lớn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các vấn đề đó đã dần được tháo gỡ: thanh khoản đã dồi dào hơn dù chưa thực sự ổn định; tốc độ tăng nợ xấu đã giảm, bình quân 9 tháng đầu năm 2013 là 2,2%/tháng so với cùng kỳ năm 2012 là 6,7%/tháng nhưng vẫn còn ở mức cao.
Dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng nhiều trở ngại vẫn đang thách thức sự phục hồi của ngành ngân hàng. Các tồn tại vẫn còn nhiều và để có thể xử lý triệt để, cần sự phối kết hợp của nhiều đối tượng. Mặc dù nỗ lực từ nội tại các ngân hàng vẫn giữ vai trò quyết định, nhưng sự hỗ trợ từ bên ngoài như tháo gỡ khó khăn của các ngành liên đới như bất động sản, chứng khoán… cũng vô cùng quan trọng.
Còn điều gì NHNN nên thực hiện mạnh mẽ hơn để toàn hệ thống ngân hàng có một diện mạo mới sớm hơn, thưa bà?
Các vấn đề về nợ xấu, tình trạng suy giảm vốn của các ngân hàng… sẽ được giải quyết triệt để khi có “tiền tươi thóc thật”. Do vậy, NHNN cần xây dựng hành lang pháp lý và các cơ chế hoạt động cụ thể để hỗ trợ Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) có thể tiến hành mua bán nợ theo giá thị trường một cách linh hoạt nhất. Hiện tại, về mặt thủ tục, đã có tới 45.200 tỷ đồng nợ gốc chuyển giao cho VAMC, tuy nhiên, về phương án xử lý triệt để nợ xấu thì VAMC vẫn chưa có đường hướng rõ ràng.
Ngoài ra, để tái cấu trúc ngành ngân hàng với mục đích đảm bảo an toàn trong hoạt động, NHNN cần cân nhắc nâng tỷ lệ sở hữu tối đa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Rõ ràng,  toàn ngành ngân hàng đang rất cần nguồn vốn “tươi” và “thật” để có thể bù đắp vốn đã bị thất thoát và suy giảm, và các yếu tố ngoại là một trong những giải pháp hữu hiệu, tháo gỡ được khó khăn này.
Bên cạnh đó, nếu xem M&A là một trong những con đường ngắn nhất để các TCTD tự tái cơ cấu nhằm nhanh chóng thoát ra tình trạng khủng hoảng và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới thì sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và NHNN bằng các chính sách linh động liên quan đến một số ưu đãi đặc biệt khi thực hiện M&A chính là liều thuốc kích thích nhằm đẩy nhanh quá trình này.
Một khía cạnh nữa mà NHNN cần lưu tâm là tính minh bạch thông tin của ngành ngân hàng chưa cao so với các nước khác. Cơ chế công bố thông tin đối với các TCTD cần chặt chẽ hơn. Hiện tại, ngoài các TCTD niêm yết trên sàn chứng khoán, còn lại, thông tin được công bố tương đối hạn chế. Ngoài ra, các chuẩn mực kế toán Việt Nam và các quy định liên quan về hạch toán kế toán còn chưa tiến tới thông lệ quốc tế, theo đó, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập trong việc trình bày và thuyết minh báo cáo tài chính của các TCTD.
Vậy đâu là cơ hội của hệ thống ngân hàng trong năm 2014?
Dự kiến, năm 2014, ngành ngân hàng tiếp tục chứng kiến sự vận động và dịch chuyển liên tục. Theo đó, bên cạnh những khó khăn trước mắt như xử lý nợ xấu, đảm bảo an toàn vốn trong hoạt động, sở hữu chéo… thì ngành ngân hàng vẫn hứa hẹn nhiều cơ hội. M&A không chỉ giúp thanh lọc những ngân hàng yếu kém, không đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường mà còn tạo cơ hội cho các ngân hàng tìm đến nấc thang phát triển mới, vươn tầm khu vực. Thực tế cho thấy, M&A là cơ hội để tăng trưởng mạnh nhất, đi tắt đón đầu một cách nhanh nhất. Đấy cũng chính là kết quả tất yếu của quá trình cạnh tranh khốc liệt.
Bên cạnh đó, cơ hội để yếu tố ngoại tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng ngày càng mở rộng. Theo đó, các ngân hàng có cơ hội được tiếp cận và hấp thu nguồn vốn cũng như văn hóa quản lý tiên tiến, hiện đại, giúp cho ngành ngân hàng có thể có những biến chuyển tích cực và khởi sắc hơn.
Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới.
Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới”
Tin bài liên quan