13 thành viên Ban Thường trực nhiệm kỳ mới ra mắt (online và offline).

13 thành viên Ban Thường trực nhiệm kỳ mới ra mắt (online và offline).

Mạng lưới Trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ra mắt Ban Thường trực nhiệm kỳ mới

0:00 / 0:00
0:00
Trong nhiệm kỳ năm 2024, VNEI sẽ mở rộng lên 50 thành viên và các thành viên tham gia tích cực, thực chất, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hệ thống giáo dục Việt Nam cũng như kết nối với mạng lưới quốc tế.

Mạng lưới Trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam (VNEI) cho biết, VNEI mới đây đã tổ chức Hội nghị tổng kết nhiệm kỳ 2022 - 2023, nhằm đánh giá những thành tựu, kết quả đạt được trong giai đoạn 2022 - 2023, cũng như thông qua định hướng hoạt động trong năm 2024 với tầm nhìn mới và hiện thực tiềm năng, hoạt động hứa hẹn.

VNEI ra đời dưới sự bảo trợ của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) với mục tiêu gắn kết, tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức có cùng chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng để thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo trong đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao tri thức khu vực đại học, cao đẳng.

Với sứ mệnh hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, VNEI tăng cường hợp tác nghiên cứu các mô hình phát triển bằng đổi mới sáng tạo cho Việt Nam, chuyển giao tri thức và ứng dụng khoa học công nghệ để giải quyết các vấn đề lớn của xã hội như biến đổi khí hậu, an sinh xã hội, phát triển bền vững. Đồng thời, cùng nhau xây dựng các diễn đàn chính sách, đối thoại, các hội thảo khoa học quốc tế và quốc gia về đổi mới sáng tạo, kết nối các nguồn lực, chia sẻ cơ hội phát triển cho tất cả các thành viên về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp…

Theo PGS.TS Lê Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm FIIS, Trường Đại học Ngoại thương, Chủ tịch VNEI nhiệm kỳ 2022 - 2023, từ 13 thành viên đầu tiên của Mạng lưới trong buổi ra mắt ngày 15/11/2022, hiện nay số lượng thành viên chính thức của Mạng lưới đã lên đến 31 thành viên.

Các hoạt động triển khai ở các lĩnh vực và đạt được kết quả cụ thể, thực chất: xây dựng nền tảng phục vụ kết nối và truyền thông; nghiên cứu trong lĩnh vực thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tổ chức sự kiện cấp cao, kết nối 3 miền và thúc đẩy đối thoại chính sách với lãnh đạo các bộ (Diễn đàn đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp miền Trung và Tây nguyên; Diễn đàn Lãnh đạo cấp cao các trường Đại học/Cao đẳng trong bối cảnh Đổi mới sáng tạo mở); tổ chức chương trình kết nối và nâng cao năng lực cho các thành viên (Innovation Tours).

PGS. TS Lê Thị Thu Hà cũng cho biết, mạng lưới VNEI trong nhiệm kỳ đầu tiên nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), bao gồm kết nối các nguồn lực, triển khai các hoạt động, hỗ trợ cụ thể theo từng chương trình.

Theo ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc NIC, VNEI đã khẳng định tính tích cực, thực chất trong các hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp, tiềm năng giữ vai trò trung tâm trong các mạng lưới về đổi mới sáng tạo mà NIC đang ủng hộ, xây dựng và hỗ trợ. Đồng thời, NIC cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ để VNEI phát triển hơn nữa, có tính đại diện và có tiếng nói, đóng góp tích trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã bầu Ban Thường trực và Chủ tịch Mạng lưới VNEI nhiệm kỳ 2024.

Theo đó, TS. Nguyễn Trung Dũng, Tổng Giám đốc BK Holdings (Đại học Bách Khoa Hà Nội) đã được bầu làm Chủ tịch VNEI cùng với 6 Phó chủ tịch đại diện cả 3 khu vực Bắc, Trung, Nam gồm: PGS.TS Trương Ngọc Kiểm (Đại học Quốc gia Hà Nội), PGS.TS Trương Thị Nam Thắng (Đại học Kinh tế quốc dân), ThS. Lê Công Đức (Đại học Vinh), TS. Hoàng Kim Toản (Đại học Huế), ThS. Lê Nhật Quang (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), TS. Nguyễn Văn Vũ An (Trường Đại học Trà Vinh).

Chia sẻ về tầm nhìn 2024, tân Chủ tịch VNEI, TS. Nguyễn Trung Dũng nhấn mạnh: “Tiếp tục phát huy các hoạt động tiên phong, tích cực của nhiệm kỳ 2023, VNEI sẽ mở rộng lên 50 thành viên và các thành viên tham gia tích cực, thực chất, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hệ thống giáo dục Việt Nam cũng như kết nối với mạng lưới quốc tế”.

Tin bài liên quan