Mảnh ghép cuối cùng

Mảnh ghép cuối cùng

(ĐTCK-online) Để nâng cao ý thức chấp hành luật của các công ty bảo hiểm trên thị trường thì cần phải có một chế tài xử phạt đầy đủ, chi tiết và kín kẽ. Khung pháp lý cho vấn đề này đang được hoàn tất.

Như ĐTCK đã đề cập trong những số báo trước, tới nay, bước đi đầu tiên, quan trọng và tốn thời gian nhất là việc ban hành Nghị định 41/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong kinh doanh bảo hiểm đã có. Tuy nhiên, chỉ Nghị định 41 ban hành ngày 5/5/2009 thì chưa đủ.

Cá nhân hay tập thể?

Ngay sau khi Nghị định 41 được ban hành, một thực tế phát sinh như ý kiến nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phản ánh rằng, vẫn chưa đủ chi tiết trong các chế tài xử phạt.

Trong Nghị định 41, có nhiều điều khoản quy định "xử phạt đối với doanh nghiệp bảo hiểm, môi giới bảo hiểm hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị (Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty), Tổng giám đốc và người có liên quan" với các hình thức vi phạm. Đây chính là điểm khiến các công ty bảo hiểm cho rằng, nó chưa đủ chi tiết và cụ thể trong trường hợp xử phạt. Vấn đề là cần làm rõ trường hợp nào thì xử phạt cá nhân và trường hợp nào thì xử phạt tập thể.

Theo thông tin của ĐTCK, hiện nay, Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm trực thuộc Bộ Tài chính đang soạn thảo một thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 41. Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, thông tư này sẽ đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc cụ thể hoá trách nhiệm của cá nhân hay tập thể trong các sai phạm, qua đó, có một chế độ xử phạt hợp lý. Dự kiến, từ nay tới cuối năm, thông tư hướng dẫn này sẽ được ban hành.

Theo ông Carlos Vanegas, Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm Liberty Việt Nam, việc Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm ban hành thông tư hướng dẫn cho Nghị định 41 sẽ là một bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hệ thống pháp lý cho thị trường bảo hiểm.

"Một chế tài xử phạt cụ thể và chi tiết sẽ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các công ty bảo hiểm trên thị trường", ông Vanegas nhận định.

Đã đủ mạnh?

Nhắc lại một chút về Nghị định 41 thì đây là văn bản pháp luật đầy đủ nhất về vấn đề xử phạt vi phạm trong hoạt động bảo hiểm.

Không chỉ đề cập tới các vi phạm lớn mang tính vĩ mô như kinh doanh trái với giấy phép, mở chi nhánh, Nghị định đã đề cập tới những vi phạm như cạnh tranh không lành mạnh, trục lợi bảo hiểm. Tuy nhiên, với các mức phạt hành chính 30, 50 và 70 triệu đồng, liệu đã đủ mạnh?

Theo một vị lãnh đạo công ty bảo hiểm, dù các vi phạm chỉ bị phạt hành chính ở ba mức tiền như trên không phải là nặng, nhưng đều có thêm điều khoản bổ sung là có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động trong một thời gian. "Tôi cho rằng, các chế tài xử phạt như vậy là đủ mạnh," vị lãnh đạo trên cho biết.

Trên thực tế, tước giấy phép là mức phạt hành chính nghiêm khắc nhất đối với một doanh nghiệp bảo hiểm. Có lẽ, cũng chính vì vậy, cơ quan quản lý rất ít khi áp dụng hình thức xử phạt này.

Việc cho ra đời văn bản pháp luật như Nghị định 41 và sắp tới là thông tư hướng dẫn phải được nhìn nhận là một bước tiến lớn. Tuy nhiên, văn bản chỉ là văn bản, điều quan trọng là thực hiện ra sao.

Như ĐTCK đã từng phản ánh, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường bảo hiểm đã trở nên khá phổ biến. Đã có nhiều trường hợp như công ty bảo hiểm trực thuộc ngân hàng, thông qua ngân hàng, "ép" khách hàng phải mua bảo hiểm của mình. Trong số những công ty phải chịu thiệt hại vì những kiểu cạnh tranh không lành mạnh này, có những công ty đã "buông xuôi", vì việc khởi kiện có thể sẽ mất nhiều thời gian và "khá phức tạp". Trong trường hợp này, mức phạt, dù có là 70 triệu đồng thì vẫn là nhẹ đối với một hợp đồng bảo hiểm lên tới hàng tỷ đồng.

Việc ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định 41 sẽ là tiền đề cho Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm tiến hành một đợt thanh tra trong thời gian tới. Nhiều công ty bảo hiểm sẽ phải lo mà "xoay xở".