Masan (MSN) tiếp tục đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu năm 2023 lên 90.000 đến 100.000 tỷ đồng

Masan (MSN) tiếp tục đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu năm 2023 lên 90.000 đến 100.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Tập đoàn Masan (mã MSN – sàn HOSE) tiếp tục đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu năm 2023 dựa trên giả định triển vọng vĩ mô có khả năng phục hồi sớm nhất vào nửa cuối năm.

Tiếp tục tăng trưởng doanh thu ở nhiều lĩnh vực trong năm 2023

Tập đoàn Masan nhận định môi trường vĩ mô đầy thách thức và tâm lý thắt chặt chi tiêu có thể tiếp tục tác động đến hoạt động kinh doanh trong nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên, Công ty tin rằng triển vọng vĩ mô có khả năng phục hồi sớm nhất là vào nửa cuối năm 2023. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại (cả về hoạt động kinh tế và du lịch đến Việt Nam) kết hợp với những tín hiệu ban đầu về các chính sách mềm dẻo hơn của Fed cho thấy các chất xúc tác vĩ mô tích cực thúc đẩy cải thiện tâm lý tiêu dùng và từ đó hỗ trợ triển vọng kinh doanh của MSN.

Trong năm 2023, Tập đoàn Masan đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu từ 90.000 - 100.000 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 18 - 31% so với thực hiện trong năm 2022 (năm 2022 ghi nhận doanh thu 76.189 tỷ đồng). Trong đó, The CrownX (viết tắt TCX) vẫn sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng doanh thu, đóng góp hơn 70% vào tổng doanh thu.

Thêm nữa, Tập đoàn Masan cũng dự phóng nếu các điều kiện kinh tế Vĩ mô xấu hơn như dự kiến và tâm lý thắt chặt chi tiêu vẫn tiếp diễn, Công ty ước tính doanh thu sẽ tăng từ 10 - 15% trong năm 2023.

Đối với The CrownX (sở hữu WinCommerce (WCM) và Masan Consumer Holdings (MCH)), năm 2023, Công ty dự kiến doanh thu sẽ khoảng 65.000 - 72.300 tỷ đồng, tăng trưởng từ 16 - 29% so với thực hiện trong năm 2022.

Trong đó, WinCommerce dự kiến sẽ mang lại doanh thu thuần khoảng 36.000 - 40.500 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 23 - 38% so với thực hiện trong năm 2022. Động lực tăng trưởng là việc tiếp tục mở cửa hàng mới thành công và tăng doanh thu cấp cửa hàng. WCM đặt mục tiêu mở 800 – 1.200 cửa hàng trong năm 2023. Công ty sẽ tập trung vào mô hình minimart/mini mall với đa dạng hình thức từ WIN, WinMart+ ở khu vực thành thị, WinMart+ ở khu vực nông thôn để củng cố vị thế của chuỗi bán lẻ tại khu vực thành thị và nông thôn.

Ngoài ra, WCM sẽ tập trung mang lại giá trị cho người tiêu dùng thông qua chương trình hội viên WIN và việc phát triển các nhãn hàng riêng, hướng đến phục vụ từ 4-6 triệu thành viên với các dịch vụ vượt trội và ưu đãi độc quyền nhằm gia tăng lưu lượng khách đến cửa hàng.

Đối với Masan Consumer Holdings, Công ty dự kiến doanh thu từ 30.500 - 33.500 tỷ đồng trong năm 2023, lần lượt tăng trưởng từ 15 - 30% so với cùng kỳ. Trong đó, Masan Consumer Holdings sẽ đẩy mạnh doanh thu từ các sản phẩm mới và tập trung chinh phục các khu vực địa lý chưa đạt hiệu quả kinh doanh tối ưu. Thực phẩm tiện lợi, đồ uống, sản phẩm chăm sóc cá nhân tại nhà dự kiến sẽ là động lực tăng trưởng chính cho MCH, đóng góp xấp xỉ 2/3 tổng tăng trưởng doanh thu trong năm 2023.

Dự kiến đẩy mạnh mở rộng chuỗi Phúc Long ra thị trường quốc tế từ năm 2024/2025

Riêng đối với Phúc Long Heritage (viết tắt PLH), trong năm 2023, Công ty dự kiến ghi nhận doanh thu từ 2.500 - 3.000 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng từ 58 - 90% so với thực hiện trong năm 2022. Trong đó, động lực tăng trưởng cao kỳ vọng nhờ mở thành công từ 75 - 90 cửa hàng flagship và duy trì hiệu quả doanh thu của cửa hàng mới như cửa hàng hiện có.

Một nhân tố khác giúp thúc đẩy doanh thu là Phúc Long cũng sẽ bắt đầu tích hợp chương trình khách hàng thân thiết vào chương trình Hội viên WIN của Masan, mang đến cho các khách hàng nhiều lợi ích hơn khi thường xuyên thưởng thức Phúc Long. Cuối cùng, Phúc Long sẽ xem xét đổi mới thực đơn trong nửa cuối năm để mang đến cho người tiêu dùng các món thức uống chủ đạo tươi mới, thú vị hơn.

Để chuẩn bị cho việc mở rộng ra thị trường quốc tế trong năm 2024/2025, CEO mới của Phúc Long với bề dày kinh nghiệm trong mảng nhượng quyền thương hiệu quốc tế sẽ phát triển các quy trình và hệ thống vận hành chuẩn quốc tế bắt đầu từ năm nay.

Trong lĩnh vực của Masan MEATLife (viết tắt MML), năm 2023, Công ty dự kiến doanh thu từ 8.500 - 9.000 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng từ 78% đến 88% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, động lực tăng trưởng đến từ việc mở rộng danh mục sản phẩm thịt heo và thịt gà, đặc biệt là thịt chế biến, và việc tăng cường năng lực phân phối qua kênh WCM (việc thu hẹp khoảng cách về giá với chợ truyền thống nhờ chương trình hội viên WIN sẽ khuyến khích khách hàng dùng thử và chuyển từ kênh thương mại truyền thống sang kênh thương mại hiện đại). Lợi nhuận dự kiến sẽ được cải thiện nhờ tỷ lệ sử dụng cao hơn, doanh số bán thịt chế biến tăng, và việc kiểm soát chi phí mạnh mẽ hơn nữa. Công ty cũng sẽ tiếp tục nỗ lực tối ưu hóa chi phí hậu cần và bán hàng gián tiếp trong năm 2023.

Và đối với lĩnh vực cuối cùng Masan High – Tech Materials (viết tắt là MHT), trong năm 2023, Công ty dự kiến doanh thu từ 16.500 - 18.200 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng từ 6% đến 17% so với cùng kỳ. Trong đó, Công ty sẽ tập trung tối ưu hóa chi phí, tích hợp với Nyobolt và không ngừng chuẩn bị cho hoạt động tái chế phế liệu vonfram và chất thải đen. MHT cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội bán lượng đồng tồn kho ở thị trường trong nước và quốc tế.

Năm 2022, Masan tiếp tục mở rộng hệ sinh thái

Trong quý IV/2022, Tập đoàn Masan ghi nhận doanh thu 20.643 tỷ đồng và lợi nhuận thuần trong hoạt động kinh doanh chính sau phân bổ cổ đông thiểu số ghi nhận 1.398 tỷ đồng (tăng 0,4%), luỹ kế cả năm 2022 ghi nhận doanh thu 76.189 tỷ đồng và lợi nhuận thuần trong hoạt động kinh doanh chính sau phân bổ cổ đông thiểu số ghi nhận 3.852 tỷ đồng (tăng 1,1% so với cùng kỳ).

Được biết, trong năm 2022, trong bối cảnh nhiều chuỗi bán lẻ thu hẹp hoạt động nhưng WinCommerce vẫn mở mới 730 siêu thị mini, điều này thúc đẩy doanh thu tăng 10,8% trong quý IV/2022 và luỹ kế cả năm doanh thu tăng 6,4%;

Đối với Phúc Long Heritage, trong quý IV/2022, đơn vị này đã mở 23 cửa hàng flagship mới và 2 cửa hàng mini, nâng tổng số cửa hàng flagship lên 111 cửa hàng và 21 cửa hàng mini.

Đối với Masan MEATLife, mặc dù giá thịt lợn hơi và thịt gia cầm thấp hơn đã ảnh hưởng đến biên lợi nhuận nhưng doanh thu vẫn tăng 34,3% trong quý IV/2022 và luỹ kế cả năm tăng trưởng 6,7% nhờ sản lượng thịt mát bán ra tăng. Công ty có doanh số bán ra cao nhờ chiến lược thu hẹp khoảng cách về giá giữa thịt mát MEATDeli và thịt tại chợ truyền thống từ mức 40% vào đầu năm xuống còn 20% từ tháng 5/2022.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/1, cổ phiếu MSN giảm 1.700 đồng về 102.000 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan