Mất gần 19 điểm trong 1 phiên: Điều gì đang xảy ra với TTCK?

Mất gần 19 điểm trong 1 phiên: Điều gì đang xảy ra với TTCK?

(ĐTCK) Khảo sát của ĐTCK tại các CTCK cho thấy, sự mất điểm sâu của thị trường trong phiên 26/2 là bất ngờ, bởi không xuất hiện các tác nhân tiêu cực rõ nét.

Diễn biến bất thường lại xảy ra trên TTCK phiên chiều 26/2 khi VN-Index giảm sâu, mất tới 3,85%, tức gần 19 điểm, còn 465,05 điểm, phá kỷ lục của phiên giao dịch ngày 21/2 khi thị trường đối mặt với tin đồn Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà bị bắt.

Khảo sát của ĐTCK tại các CTCK cho thấy, sự mất điểm sâu của thị trường trong phiên 26/2 là bất ngờ, bởi không xuất hiện các tác nhân tiêu cực rõ nét. Thị trường không ghi nhận tin đồn “khủng” như phiên giao dịch ngày 21/2, cũng như chưa ghi nhận tình trạng thua lỗ nghiêm trọng, hoặc các diễn biến bất thường về hoạt động, hay kết quả kinh doanh của các DN lớn đang niêm yết.

Mất gần 19 điểm trong 1 phiên: Điều gì đang xảy ra với TTCK? ảnh 1

Tuy nhiên, có một số yếu tố có thể làm thị trường mất điểm. Thứ nhất, nguy cơ giá xăng dầu tăng đang ngày một hiển hiện, khi trong vòng gần một tuần trở lại đây, nhiều cây xăng trên phạm vi cả nước tìm cách nghỉ bán, hoặc bán nhỏ giọt. Tại thời điểm 16 giờ ngày 26/2, trao đổi với ĐTCK về khả năng biến động giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho hay, đến thời điểm này, giá xăng dầu vẫn ổn định. Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành hữu quan, các DN kinh doanh xăng dầu triển khai các phương án thích hợp để thị trường vận hành ổn định.

Thứ hai, theo phân tích của ông Trịnh Xuân Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường, CTCK MBS thì nguyên nhân trực tiếp khiến TTCK “bội cung” phiên hôm nay là gần 250 triệu cổ phiếu được sang tên trong phiên 21/2 về đến tài khoản người mua, tạo áp lực bán rất lớn. Nếu ngay từ đầu giờ, TTCK có tín hiệu tích cực thì lượng cung có thể sẽ bị giữ lại, nhưng bước vào phiên giao dịch, thông tin về khả năng tăng giá xăng đã bao phủ lên thị trường, khiến tâm lý bán cắt lỗ chiếm chủ đạo. Xu hướng bán ồ ạt xuất hiện, khiến cung - cầu lệch hoàn toàn về bên bán, NĐT rơi vào trạng thái bán mà không cần biết lý do.

Thứ ba, như thông lệ, NĐT ngoại giao dịch khá nhiều, chủ yếu mua cuối phiên với những mã lớn để đỡ chỉ số. Tuy nhiên, phiên 26/2, lượng bán được đẩy ra từ khối ngoại, khiến tâm lý NĐT nội càng dao động. Các mã lớn trong VN30 và HNX30 như BVH, CTG, HAG, DRC, DIC… đồng loạt giảm sàn, còn các mã có tính đầu cơ cao như PVX, SCR, KBC, ITA… phải chịu cảnh bán tống, bán tháo.

Thứ tư và quan trọng nhất, theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI, là niềm tin trên TTCK chưa được xác lập và NĐT cùng nhìn ra rằng, trước mắt sẽ còn vô cùng khó khăn cho nền kinh tế, nên việc TTCK giảm điểm là bình thường. TTCK chỉ có thể tăng điểm ổn định khi sức khỏe của nền kinh tế được cải thiện, nhưng điều này cần rất nhiều thời gian để thấy kết quả cụ thể.

Thêm một phiên giảm sâu ngay trong những ngày đầu năm Quý Tỵ khiến câu hỏi điều gì đang xảy ra với TTCK Việt Nam xuất hiện ở mọi nơi. Ai cũng đi tìm sự lý giải, nhưng ông Trịnh Xuân Sơn cho rằng, sẽ không thể tìm được câu trả lời xác đáng vì TTCK là thị trường của niềm tin và khi niềm tin bị dao động thì TTCK diễn biến bất thường là chắc chắn.

Theo phân tích của ông Sơn, tâm lý bầy đàn xuất hiện ở hầu hết các thị trường mới nổi, thậm chí ở các thị trường phát triển thì vẫn có những giai đoạn tồn tại tâm lý bầy đàn. Lịch sử kinh tế thế giới đã chứng kiến nhiều vụ nổ bong bóng và khủng hoảng như khủng hoảng bất động sản Florida - Mỹ (1920 - 1922), Đại suy thoái thế giới 1929, Khủng hoảng 1987, Khủng hoảng tài chính châu Á 1997, Khủng hoảng dot.com… Tất cả đều do tâm lý bầy đàn gây nên. Cũng theo ông Sơn, tâm lý NĐT Việt Nam đang ở mức nghi ngờ đến hy vọng, vì thế đặc biệt nhạy cảm với thông tin, nhất là tin xấu.

Mỗi khi TTCK giảm mạnh, nhà quản lý thường đưa ra thông điệp trấn an và khuyên NĐT phải bình tĩnh. Tuy nhiên, thật khó để có thể bình tĩnh và yên tâm khi NĐT ào ạt bán cổ phiếu. TTCK được ví là tấm gương phản ánh bức tranh kinh tế vĩ mô, vì thế cái gốc để giữ TTCK hoạt động ổn định không chỉ ở tâm lý NĐT, mà là sự minh bạch và hiệu quả của nền kinh tế.