Mắt xích cung ứng được củng cố

0:00 / 0:00
0:00
Với gần 340 tỷ USD hàng hóa cung ứng ra thế giới năm 2021, Việt Nam là mắt xích ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mắt xích cung ứng quan trọng

Năm 2021, các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam đã cung ứng ra thị trường thế giới gần 340 tỷ USD hàng hóa, từ điện thoại, máy tính, linh kiện điện tử, hàng dệt may, giày dép đến nông, thủy sản (gạo, chè, hạt tiêu, rau quả, điều…).

Mắt xích chuỗi cung ứng hàng hóa từ Việt Nam ngày càng có tác động lớn tới các nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch, với minh chứng là trong thời điểm đợt dịch lần thứ 4 bùng phát hồi năm ngoái, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn từ Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… đều lo ngại sản xuất tại Việt Nam sụt giảm sẽ tác động đến nguồn cung hàng hóa cho họ.

Đánh giá về phục hồi thần tốc chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, tờ Nikkei (Nhật Bản) khẳng định, Đông Nam Á có tác động đặc biệt lớn đối với ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản, điển hình như 40% hệ thống dây dẫn điện ô tô của nước này được cung ứng từ Việt Nam.

Ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho hay: “Nếu Việt Nam giảm mức sản xuất sẽ làm rối loạn toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời làm giảm ưu thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư và tình trạng sẵn sàng kinh doanh. Để tăng cường chuỗi cung ứng tại Việt Nam, JICA đang nỗ lực chuyển giao công nghệ, tăng cường liên kết giữa các công ty Nhật Bản và Việt Nam”.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2022 (thời điểm có nhiều ngày nghỉ Tết Nguyên đán), nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước vẫn đạt 53,79 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, với 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 71,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52%).

Trong bản Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 2/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh, khởi đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng. Theo WB, các chỉ số chính của kinh tế Việt Nam đều tăng mạnh trước dịp Tết Nguyên đán nhờ tỷ lệ bao phủ vắc-xin đã vượt mức 73% dân số.

Giữ vị thế là trung tâm sản xuất lớn

Thành công trong thu hút FDI trong những thập kỷ gần đây đã giúp Việt Nam thăng hạng trên bản đồ trở thành nhà cung ứng trong nhiều lĩnh vực.

Nếu Việt Nam giảm mức sản xuất sẽ làm rối loạn toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời làm giảm ưu thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư và tình trạng sẵn sàng kinh doanh. Vì vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản đang rất chào đón với quy định chống dịch hiện nay của Chính phủ Việt Nam. Để tăng cường chuỗi cung ứng tại Việt Nam, JICA đang nỗ lực chuyển giao công nghệ, tăng cường liên kết giữa các công ty Nhật Bản và Việt Nam.

Ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam

Nếu doanh thu xuất khẩu điện thoại, linh kiện từ Việt Nam năm qua đạt gần 58 tỷ USD, thì máy tính cũng đạt xấp xỉ 51 tỷ USD. Hai ngành giày dép, dệt may đóng góp trên 60 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ 15 tỷ USD… Rõ ràng, sức ảnh hưởng về khả năng cung ứng trên phạm vi toàn cầu với các lĩnh vực trên là không hề nhỏ.

Quy mô xuất khẩu ngày càng lớn, nhà mua hàng tại Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc... vẫn gia tăng mua hàng từ Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Hà Nội) cho rằng, các nhà đầu tư Mỹ đã đóng vai trò tích cực trong sự chuyển đổi và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Các thành viên của AmCham đại diện cho hàng tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, hàng chục ngàn nhân viên trực tiếp, hàng trăm ngàn nhân viên gián tiếp, đã có đóng góp không nhỏ trong xuất khẩu và doanh thu thuế của Việt Nam.

Năm 2021, trong muôn vàn khó khăn của đại dịch, nhưng thương mại 2 chiều Việt - Mỹ vẫn đạt trên 111 tỷ USD, trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tổng trị giá 96,29 tỷ USD, tăng 24,9% so với năm 2020, chiếm đến 28,6% kim ngạch xuất khẩu.

Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Mỹ đều khẳng định vai trò quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thời điểm tháng 8/2021, khi Việt Nam đang chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, thì 90 CEO các nhãn hàng hàng đầu của Mỹ như Adidas, Coach, Gap, Hanebrands, Nike, VF, Under Amour... đã kêu gọi Tổng thống Mỹ tăng viện trợ vắc-xin cho Việt Nam.

Chia sẻ tại Hội thảo “Tác động của EVFTA sau đại dịch Covid-19 và các biện pháp ứng phó” mới đây, TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế phân tích, một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có EVFTA với 27 thị trường khối châu Âu được ký kết và đi vào thực thi là thành công của Việt Nam nhằm là đa dạng hóa, đa phương hóa chính sách đối ngoại để giảm phụ thuộc vào một số thị trường.

“FTA với EU được ký kết sớm so với nhiều nước ASEAN, với cơ cấu kinh tế bổ sung, không cạnh tranh trực tiếp, hai bên cần nhau (Việt Nam nhập khẩu máy bay Airbus từ EU, còn EU nhập khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp như cà phê, tôm, rau quả… từ Việt Nam) là chiến lược đúng đắn, bổ sung cho nhau để cùng có lợi, phát triển đường dài”, ông Lê Đăng Doanh phân tích.

Với 15 FTA đã đi vào thực thi, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, mới nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ tháng 1/2022, đã thể hiện một điểm mạnh trong quan hệ thương mại với các quốc gia, giúp kéo giảm chi phí xuất khẩu nhờ thuế giảm theo lộ trình.

Vượt qua những tác động tiêu cực từ đại dịch, liên tiếp trong 2 năm 2020-2021, Việt Nam vẫn giữ được vị thế là trung tâm sản xuất lớn, khi xuất khẩu tăng lần lượt 7% (282,6 tỷ USD) và 19% (336 tỷ USD), xuất siêu 2 năm là 19 tỷ USD và gần 4 tỷ USD. Nhiều tổ chức quốc tế nhận định, kết quả tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2020 - 2021 sẽ trở thành lợi thế về lâu về dài để các tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu chuyển dịch một phần sản xuất sang Việt Nam.

Tin bài liên quan