Ai Cập được May Sông Hồng chọn đầu tư nhờ ba lợi thế chính: chi phí nhân công thấp hơn nhiều so với Việt Nam; hiệp định thương mại tự do nước này ký kết với Israel cho phép miễn thuế 100% hàng xuất khẩu từ Ai Cập sang Mỹ; vị trí thuận lợi giúp rút ngắn thời gian vận chuyển đến Mỹ và EU.
Đây là quyết định được cho là táo bạo của May Sông Hồng trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn đẩy mạnh tuyển dụng lao động trong nước. Đồng thời, nó cũng thể hiện tầm nhìn của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu, không đơn thuần chỉ ở phạm vi Việt Nam.
Thực tế, đầu tư ra nước ngoài không đơn giản, đòi hỏi nỗ lực lớn của doanh nghiệp Việt. Lãnh đạo May Sông Hồng từng chia sẻ tại các cuộc họp đại hội cổ đông về những thách thức phải vượt qua, như các thủ tục đầu tư phức tạp hay việc Công ty phải cử nhân sự từ Việt Nam sang Ai Cập luân phiên để tham gia đào tạo nhân lực. Cũng có không ít khó khăn để đội ngũ nhân sự quản lý cấp trung tại nhà máy Ai Cập “thạo việc”.
![]() |
Nỗ lực này của May Sông Hồng càng khẳng định vị thế và tầm nhìn của một trong những doanh nghiệp hàng đầu ngành dệt may Việt Nam.
Không giới hạn ở gia công và xuất khẩu các sản phẩm may mặc, May Sông Hồng liên tục cải tiến năng lực để gia tăng tỷ trọng ở các khâu có giá trị cao như thiết kế, nghiên cứu và phát triển. Lãnh đạo Công ty cũng từng chia sẻ về kế hoạch đầu tư vào ngành dệt nhuộm để gia tăng tỷ trọng sản xuất trong nước.
Hiện May Sông Hồng đang là đối tác của rất nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Walmart, Columbia Sportswear... Bên cạnh các hàng xuất khẩu, Công ty còn sản xuất các loại chăn ga gối nệm tiêu dùng trong nước. Ông Quang cho biết, hiện công suất các nhà máy đang đạt 100%.
Trong báo cáo cập nhật gần nhất, Công ty Chứng khoán DSC nhận thấy rủi ro từ chính sách thuế quan của Mỹ, nhưng với triển vọng đàm phán thuế quan thuận lợi, May Sông Hồng có thể gia tăng thị phần từ thị trường Mỹ. Nhu cầu tại các thị trường chủ lực tiếp tục được duy trì và Nhà máy Xuân Trường đi vào hoạt động cũng giúp gia tăng công suất. DSC dự báo, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của May Sông Hồng trong năm 2025 lần lượt đạt 5.436 tỷ đồng và 500 tỷ đồng, tương ứng tăng 3% và 13% so với năm 2024.
DSC cho rằng, những doanh nghiệp có năng lực vượt trội như May Sông Hồng sẽ có cơ trong nguy, cụ thể là cơ hội giành thêm thị phần tại thị trường Mỹ.
Năm 2024, Việt Nam là nước xuất khẩu may mặc lớn thứ hai sang Mỹ. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, May Sông Hồng đứng trước cơ hội lớn để mở rộng thị phần tại thị trường này, khi hàng hóa Trung Quốc trở nên đắt đỏ. Với thế mạnh ở phân khúc sản phẩm giá trị cao – lĩnh vực mà hàng dệt may Việt Nam có ưu thế rõ rệt so với Bangladesh và Ấn Độ – May Sông Hồng hoàn toàn có thể tận dụng lợi thế cạnh tranh để gia tăng hiện diện tại các thị trường.
Ngành dệt may nói chung và May Sông Hồng nói riêng cũng được nhận định sẽ ít chịu tác động từ chính sách thuế quan mới của Mỹ hơn, do đây là ngành thâm dụng lao động, không nằm trong nhóm ngành trọng điểm bị Mỹ nhắm đến trong cuộc chiến thương mại lần này.
Hiện hàng dệt may Việt Nam vẫn đang chịu mức thuế cộng thêm 10% thuế đối ứng của Mỹ tạm tính đến 1/8/2025. Ngành dệt may kỳ vọng sẽ có mức áp thuế thấp hơn do không phải trọng tâm trong chiến tranh thương mại.
Lượng hàng tồn kho thời trang tại Mỹ theo ghi nhận đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng một năm, tạo áp lực phải bổ sung hàng dự trữ trong các tháng tới. DSC đánh giá, nhu cầu tái tích trữ hàng tồn kho sẽ ở mức rất cao, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp đang tận dụng chính sách gia hạn thuế để chủ động ứng phó với những rủi ro tiềm ẩn từ căng thẳng thương mại. Điều này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho lượng đơn hàng của May Sông Hồng.
Tuy nhiên, ông Bùi Việt Quang cũng thận trọng khi trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán: “Tình hình đơn hàng cuối quý III và IV chưa rõ ràng do chính sách thuế chưa ổn định. Trong ngắn hạn, Công ty phải giảm lợi nhuận để chia sẻ thuế quan với khách hàng. Chúng tôi đang chờ đợi bức tranh rõ nét hơn để đưa ra những điều chỉnh phù hợp”.