MBBank (MBB): Vững bước hậu Covid

MBBank (MBB): Vững bước hậu Covid

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến diễn biến tích cực khi thiết lập đỉnh lịch sử mới. Tuy nhiên, trong bức tranh đó, ngành ngân hàng như bị bỏ rơi. Nhiều cổ phiếu nhóm này đang xuất hiện những cơ hội đầu tư tốt trong trung và dài hạn.

Nhóm ngành bị bỏ quên sau đại dịch

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư (từ tháng 4/2021) tại Việt Nam, với biến chủng Delta cực kỳ nguy hiểm - biến chủng đã làm đảo ngược các thành quả phòng chống dịch trên thế giới và làm thay đổi công tác phòng chống dịch ở Việt Nam, ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. T

heo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố đầu tháng 10/2021 về tác động của dịch Covid-19 đến tăng trưởng các khu vực kinh tế quý III/2021, đợt dịch bùng phát lần thứ 4 được đánh giá là khó lường, phức tạp và khốc liệt nhất so với 3 đợt trước đó, ảnh hưởng đến kết quả tăng trưởng kinh tế (GDP) cả nước.

Theo đó, GDP quý III/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm sâu nhất kể từ khi tính và công bố GDP theo quý tại Việt Nam.

Ngành ngân hàng đương nhiên không nằm ngoài vòng xoáy đó. Khi các doanh nghiệp gặp khó khăn, ngân hàng không chỉ bị ảnh hưởng từ nhu cầu tín dụng, mà rủi ro nhiều khách hàng không trả được nợ, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu gia tăng, ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của hệ thống là rất cao.

Tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng lớn.

Tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng lớn.

Mặt khác, cùng chung tay với khách hàng, các ngân hàng đã thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn như tái cơ cấu, giãn/hoãn các khoản nợ, miễn/giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí thanh toán, giảm lãi suất..., ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận.

Với những khó khăn đó, ngân hàng trở thành một trong những nhóm cổ phiếu diễn biến kém nhất trong số các nhóm ngành có vốn hóa lớn. Sau giai đoạn giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh, thị trường chứng khoán thăng hoa mạnh mẽ, nhưng nhóm ngành ngân hàng vẫn “lặn” rất sâu và không thu hút được dòng tiền.

Trong khi VN-Index liên tiếp lập những mốc cao mới, chỉ số phổ biến nhất để theo dõi nhóm ngành tài chính VNFinlead (tỷ trọng chủ yếu các cổ phiếu ngân hàng) vẫn cách đỉnh hồi đầu tháng 7/2021 khoảng 10%, mặc dù các cổ phiếu chứng khoán, bảo hiểm có trong bộ chỉ số tăng mạnh.

Chỉ số VNFinlead vẫn còn cách xa đỉnh.

Chỉ số VNFinlead vẫn còn cách xa đỉnh.

Giàu sức sống qua những giai đoạn khó khăn

Những diễn biến của nhóm cổ phiếu ngân hàng sau đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 là một trong những diễn biến lạ. Khó khăn của ngành thì ai cũng có thể thấy được, nhưng việc nhóm ngân hàng luân chuyển yếu là một sự khác biệt so với các thị trường chứng khoán khác. Việt Nam bùng dịch và phủ vắc-xin sau các quốc gia khác khoảng 6 - 9 tháng nhờ trước đó chúng ta đã kiểm soát dịch rất tốt. Vì vậy, chúng ta có cơ hội quan sát những thị trường khác vận động như thế nào sau khi kiểm soát được dịch bệnh và tái mở cửa nền kinh tế.

Theo báo cáo chiến lược của JP Morgan, cùng với các ngành năng lượng, bất động sản, hàng không, nhà hàng - khách sạn thì ngân hàng là nhóm ngành có mức tăng trưởng mạnh nhất ở các thị trường chứng khoán trên thế giới sau khi mở cửa.

Có lẽ, một trong những nguyên nhân khiến nhóm ngành ngân hàng diễn biến kém trong ngắn hạn là vì lượng cung lớn khi nhiều ngân hàng đã phát hành tăng vốn trong thời gian vừa qua. Lượng cổ phiếu mới về tài khoản cần thời gian để thị trường hấp thụ.

Tuy nhiên, một lý do quan trọng hơn, có lẽ xuất phát từ khẩu vị của thị trường, với lượng lớn nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Khi tính “bầy đàn” của thị trường lên cao, các yếu tố cơ bản, định giá tốt của cổ phiếu là chưa đủ làm nên sức hấp dẫn của cổ phiếu, mà cần có thêm những câu chuyện hay, kịch tính.

Đến thời điểm này, tất cả các ngân hàng niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý III/2021, các số liệu cho thấy được bức tranh lợi nhuận của ngành vẫn tương đối khả quan. Theo số liệu của Fiinpro, tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng quý III/2021 vẫn ở mức 19% và trong 9 tháng đầu năm 2021 lên đến 44,7%. Các ngân hàng đã hoàn thành 81,3% kế hoạch lợi nhuận, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh. Ngành ngân hàng vẫn đang bước vững chãi qua giai đoạn khó khăn.

MBB vững bước hậu Covid

Đại dịch Covid-19 tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội và làm thay đổi nhận thức về chiến lược kinh doanh, hướng đến sự tăng trưởng bền vững ở nhiều ngành nghề. Đối với ngành ngân hàng, nhiều quan điểm cho rằng, lợi nhuận hiện tại đang là sự “ứng trước” của tương lai khi tỷ lệ nợ xấu của không ít ngân hàng gia tăng rất mạnh sau dịch.

Covid-19 là một biến cố không thể lường trước và luôn sẽ có những biến cố như vậy. Ở khía cạnh này, chiến lược quản trị rủi ro của các ngân hàng là vô cùng quan trọng. Không phải chỉ hiện tại, mà nhiều năm nay, Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB, mã chứng khoán MBB) được biết đến như một trong những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất và tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống.

Trong quý III/2021, MB dành trên 1.778 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, cao gấp đôi cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận trước thuế vẫn tăng 29%, đạt hơn 3.898 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 3.022 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán đang trong đà hưng phấn và ở nhiều khía cạnh cho thấy tâm lý hưng phấn thái quá, ở đó nhiều giá trị cơ bản bị bỏ quên và nhiều cổ phiếu bị đầu cơ quá đà. Tuy nhiên, như bao lần trước, rồi thị trường sẽ tìm về những giá trị cơ bản nhất. Vẫn còn đó những khó khăn phía trước với hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng, nhưng với việc giá các cổ phiếu ngành này đã giảm khá nhiều từ đỉnh, hiện nhóm ngân hàng đang xuất hiện nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn.

Có thể trong ngắn hạn, thị trường thích những câu chuyện khác, nhưng ở góc nhìn đầu tư, cơ hội là rất sáng cho những ngân hàng tăng trưởng bền vững, quản trị rủi ro tốt và có mức định giá hấp dẫn.

Tin bài liên quan