SHS, ACBS, BVSC, TVSI, Artex, Yuanta, Mirea Asset... đang nỗ lực để trở thành thành viên trên TTCK phái sinh

SHS, ACBS, BVSC, TVSI, Artex, Yuanta, Mirea Asset... đang nỗ lực để trở thành thành viên trên TTCK phái sinh

“Miếng bánh” lớn dần: Cuộc chạy đua vào sàn phái sinh

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán phái sinh có dư địa rất lớn để phát triển. Do đó, càng tham gia thị trường này sớm, các công ty chứng khoán càng có lợi thế để chiếm được thị phần môi giới.

Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh liên tục tăng từ khi thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh được vận hành vào tháng 8/2017, kéo theo khối lượng giao dịch tăng cao. Trước cơ hội thu phí giao dịch hấp dẫn, nhiều công ty chứng khoán nỗ lực đáp ứng các điều kiện để trở thành thành viên trên thị trường này.

Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trung bình mỗi ngày có 150 tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh được mở mới. Tính đến ngày 29/6/2018, có 35.275 tài khoản giao dịch phái sinh, gấp 2 lần so với thời điểm cuối năm 2017, trong đó có 164 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài và 126 tài khoản của nhà đầu tư tổ chức. Số tài khoản có giao dịch là 5.917 tài khoản, chiếm 23,3%.

6 tháng đầu năm 2018, khối lượng giao dịch bình quân đạt gần 45.800 hợp đồng/phiên, gấp hơn 4 lần so với năm 2017 (từ ngày 10/8 đến cuối năm). Riêng tháng 6/2018, bình quân có gần 94.500 hợp đồng tương lai được giao dịch mỗi phiên.

Sang tháng 7, dù tỷ lệ ký quỹ giao dịch tăng lên, nhưng bình quân có gần 129.300 hợp đồng được giao dịch mỗi phiên. Trong khi đó, mức phí giao dịch phổ biến là 10.000 đồng/hợp đồng, mang lại nguồn thu lớn cho các công ty chứng khoán.

Các nhận định đều cho rằng, TTCK phái sinh có dư địa lớn để phát triển. Theo đó, những công ty chứng khoán càng sớm tham gia thị trường này, càng có lợi thế để chiếm được thị phần môi giới.

Thời điểm cuối tháng 6/2018, HNX có 9 thành viên giao dịch phái sinh, sau khi đón nhận thêm 2 thành viên là Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam và Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), với vốn điều lệ lần lượt là 1.897 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng. Mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt đã nhận giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh và trở thành thành viên thứ 10. Công ty chứng khoán này cũng đã nhận quyết định từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc điều chỉnh giấy phép thành lập và hoạt động, theo đó thay đổi mức vốn điều lệ từ 910 tỷ đồng lên 1.001 tỷ đồng.

Được biết, HNX đã nhận hồ sơ đăng ký làm thành viên giao dịch TTCK phái sinh của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán phái sinh là môi giới, tự doanh, tư vấn đầu tư; hình thức thanh toán bù trừ là thành viên bù trừ chung. ACBS hiện có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng và 2 năm gần nhất 2016 - 2017 đều báo lãi trên trăm tỷ đồng.

Nhiều công ty chứng khoán khác đã trình xin ý kiến cổ đông, từng bước tăng vốn điều lệ, cải thiện hoạt động kinh doanh nhằm gia nhập sân chơi phái sinh. Chẳng hạn, mục tiêu trong năm 2018 của Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) là tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, đồng thời bổ sung nghiệp vụ kinh doanh, tham gia vào TTCK phái sinh và tham gia hoạt động kinh doanh chứng quyền có bảo đảm. Hiện SHS có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng, đáp ứng điều kiện về vốn để tham gia TTCK phái sinh với vai trò là thành viên giao dịch, bù trừ thanh toán và cung cấp các dịch vụ khác như môi giới, tư vấn, tự doanh chứng khoán phái sinh.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên trên 1.000 tỷ đồng để tham gia TTCK phái sinh. Tương tự, Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) có kế hoạch tăng vốn điều lệ vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng trong năm 2018 để tham gia nghiệp vụ chứng khoán phái sinh.

Một số công ty chứng khoán có quy mô nhỏ như Chứng khoán Artex cũng phấn đấu tăng vốn điều lệ, từ mức hơn 310 tỷ đồng lên 1.460 tỷ đồng trong năm 2018, nhằm đáp ứng điều kiện tham gia TTCK phái sinh và kinh doanh chứng quyền có đảm bảo.

Khối công ty chứng khoán có vốn nước ngoài như Yuanta, Mirea Asset… cũng có kế hoạch để tham gia TTCK phái sinh. Trong đó, Công ty Chứng khoán Yuanta đang nỗ lực cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh để đáp ứng đầy đủ các điều kiện tham gia sàn phái sinh. Công ty Chứng khoán Mirae Asset gấp rút phát triển hệ thống giao dịch phái sinh, dự kiến đưa vào hoạt động từ tháng 9/2018, đồng thời mở rộng các chi nhánh ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Vũng Tàu…

Với Công ty Chứng khoán KB Việt Nam, sau khi ra mắt thương hiệu vào đầu năm 2018, Công ty tuyên bố sẽ có những thay đổi về chất, trong đó có việc tăng vốn điều lệ, tăng cường chất lượng nhân sự, hệ thống hạ tầng và công nghệ thông tin, phát triển các sản phẩm mới, hướng đến tham gia sàn chứng khoán phái sinh. 

Tin bài liên quan