Mô hình quản trị nào cho Vietcombank

Mô hình quản trị nào cho Vietcombank

(ĐTCK-online) Sau cuộc khủng hoảng Tài chính châu Á (1997), hàng loạt tập đoàn lớn trong khu vực châu Á đã phải tái cấu trúc lại hoạt động. Mô hình công ty mẹ nắm giữ vốn của công ty con, công ty con nắm giữ vốn của các công ty con khác… với những “ma trận” về sở hữu lẫn nhau giữa các thành viên trong tập đoàn đã buộc phải thay đổi theo hướng minh bạch hơn.

Đây là bài học mà các ngân hàng thương mại nhà nước lớn đang chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng cổ phần buộc phải để tâm nghiên cứu. Theo khẳng định từ phía lãnh đạo Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), việc quản trị theo mô hình Holding sau cổ phần hóa chắc chắn sẽ không lặp lại vết xe đổ trước.

 

Tránh Domino

Với việc bùng nổ của thị trường tài chính, đặc biệt là TTCK đang tạo những cơ hội để các hoạt động mua bán, sở hữu chéo lẫn nhau bùng nổ mạnh ở Việt Nam thời gian qua. Việc một doanh nghiệp bán cổ phần cho hàng chục cổ đông chiến lược và ngược lại cũng mua cổ phần ở hàng chục doanh nghiệp khác với vai trò “chiến lược” là điều dễ trông thấy.

Đó là giữa các công ty độc lập, trong nhiều tập đoàn hiện nay cũng vậy, chuyện các các công ty con mua chéo cổ phiếu của nhau là chuyện bình thường, một cá nhân nắm vốn lớn và cả quyền quyết định lớn tại nhiều công ty là chuyện bình thường.

Việc này có tốt không, chắc là tốt bởi vì nếu xấu thì không dễ tất cả các cổ đông bỏ phiếu giao quyền quyết định cho HĐQT các doanh nghiệp thực hiện các thương vụ “chiến lược” này. Nhưng cũng hình thức này, trong thời gian vừa qua, nhiều chuyên gia quốc tế đều đưa ra lời khuyên là “rất dễ rủi ro”.

Đơn giản thôi, nếu một mắt xích trong ma trận đó bị phá sản, đơn giản là các “cổ đông chiến lược” sẽ gánh thiệt hại bởi mất vốn trong đó. Và nếu vì thiệt hại này, một “cổ đông chiến lược” cũng phải thua lỗ, phá sản do đầu tư tài chính quá mức thì hàng “loạt cổ đông chiến lược” khác cũng chịu thiệt hại thay.

Sự thua lỗ, phá sản theo dây chuyền này vẫn được quen gọi là hiệu ứng Domino. Để tránh điều đó, theo mô hình quản trị mới hầu hết các tập đoàn lớn hoạt động đa ngành đều có những quy định khá chặt chẽ về sở hữu chéo giữa các thành viên. Chẳng hạn, các công ty thành viên không được mua cổ phần lẫn nhau, thành viên HĐQT của một công ty thành viên không được sở hữu cổ phiếu tại các công ty thành viên khác,…

Về bản chất, các công ty thành viên này là các công ty độc lập hoàn toàn với nhau, chỉ có cái tên chung của tập đoàn mẹ và chịu sự chi phối từ tập đoàn mẹ. Do đó, một công ty phá sản, thì các công ty khác vẫn “chẳng sao”, chỉ có duy tập đoàn mẹ bị ảnh hưởng một chút.

 

Đích tới của Vietcombank

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT của Vietcombank, về mặt chi tiết trong hoạt động theo mô hình Holding của Vietcombank sẽ còn phải chờ sự tư vấn từ cổ đông chiến lược nước ngoài cũng như đại hội cổ đông. Tuy nhiên, theo ông Bình, cái đích tới của mô hình quản trị mới sẽ là đảm bảo tính minh bạch, trong đó sự độc lập giữa các cổ đông là một yếu tố quan trọng.

Cái tên gọi của Vietcombank sau cổ phần hóa thành Tập đoàn đầu tư, tài chính ngân hàng Vietcombank. Nếu đem so sánh những nét cơ bản thì mô hình này giống như Tập đoàn Temasek của Singapore . Công ty mẹ chịu trách nhiệm về chiến lược, các hoạt động đầu tư, gồm cả góp vốn thành lập công ty con mới, mua bán sáp nhập…

Vietcombank Holdings sẽ nắm vốn chi phối hoặc là cổ đông lớn trong ít nhất 23 công ty con khác. Các công ty con này, ngoài phần vốn góp từ Vietcombank Holdings có thể huy động vốn từ các cổ đông khác từ bên ngoài, nhưng sẽ có những quy định hạn chế về việc sở hữu vốn lẫn nhau giữa các thành viên, cũng như các thành viên trong HĐQT tại mỗi công ty con. Đồng thời sẽ có những quy định về mức cổ phần nắm giữ tối thiểu của công ty mẹ để công ty con đó có thể sử dụng thương hiệu chung là Vietcombank.

Trên thực tế, ngay tại Việt Nam vừa qua, nhiều công ty lớn cũng gặp nhiều “điều tiếng” từ các cổ đông khi “phân phát” thương hiệu của mình một cách khá thoải mái trong các công ty mới thành lập.

Theo ông Bình, việc tìm kiếm một mô hình quản trị theo chuẩn tiến tiến quốc tế phù hợp với hoạt động tại Việt Nam đã được ngân hàng nghiên cứu trước quá trình cổ phần hóa. Tuy nhiên, mô hình này sẽ cần sự góp ý tích cực từ các cổ đông khác nhau để hoàn thiện đảm bảo tính minh bạch và sự bền vững trong hoạt động của ngân hàng sau này.