Mở rộng triển khai công trình xanh để tránh khủng hoảng khí hậu

Mở rộng triển khai công trình xanh để tránh khủng hoảng khí hậu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Là một trong số những quốc gia có tốc độ gia tăng phát thải khí nhà kính cao nhất trên thế giới và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam cần mở rộng triển khai công trình xanh.

Là một quốc gia tham gia Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm tối thiểu 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính. Để thực hiện mục tiêu này, đẩy mạnh hiệu quả sử dụng năng lượng đóng vai trò quan trọng, do sản xuất năng lượng là một trong những ngành có mức phát thải khí nhà kính lớn trong nền kinh tế.

Ông Vivek Pathak, Giám đốc Toàn cầu Khối Đầu tư Khí hậu IFC.
Ông Vivek Pathak, Giám đốc Toàn cầu Khối Đầu tư Khí hậu IFC.

Khoảng một phần ba tổng lượng điện tiêu thụ của Việt Nam được sử dụng trong xây dựng và duy trì hoạt động trong các tòa nhà, góp phần khiến nhu cầu điện ở Việt Nam luôn gia tăng ở mức hai con số kể từ năm 2000.

Chính phủ Việt Nam đã nhận ra sự cấp thiết phải xanh hóa ngành xây dựng trong khuôn khổ Chương trình Tổng thể về giảm thiểu biến đổi khí hậu. Với khoảng 100 triệu m2 diện tích sàn mỗi năm được xây dựng để đáp ứng tốc độ đô thị hóa nhanh và mức thu nhập tăng, phát triển các công trình xanh sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế carbon thấp trong nhiều năm tới.

Tiềm năng này đã được Chính phủ bước đầu hiện thực hóa khi Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả được ban hành vào năm 2013. Kể từ đó, các yếu tố hiệu quả năng lượng được áp dụng đã giúp giảm khoảng 130.000 tấn CO2 phát thải mỗi năm, tương đương tiết kiệm được khoảng 28 triệu USD/năm cho các chủ sở hữu công trình.

Các chủ đầu tư tư nhân cũng theo sát với những nỗ lực áp dụng các chứng chỉ công trình xanh như EDGE của IFC, một hệ thống đánh giá hiệu quả sử dụng tài nguyên cho công trình xây dựng được thiết kế phù hợp với các thị trường mới nổi.

Bà Kim-See Lim, Giám đốc khu vực Đông Á - Thái Bình Dương IFC.
Bà Kim-See Lim, Giám đốc khu vực Đông Á - Thái Bình Dương IFC.

Tuy việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam còn ở giai đoạn khởi đầu với chỉ khoảng 2% diện tích sàn xây mới hàng năm được cấp chứng nhận xanh, nhưng đang cho thấy mức tăng trưởng rõ rệt. Tốc độ tăng trưởng công trình xanh khoảng 55%/năm trong giai đoạn 2014 - 2020, đã có 201 công trình xanh, tổng diện tích sàn 5,3 triệu m2 vào tháng 9/2021 so với mức 127.500 m2 sàn năm 2013.

Kinh nghiệm từ các thị trường mới nổi như Colombia, Peru, Brazil, Kenya, hay các quốc gia tiên tiến như Mỹ cho thấy, để mở rộng thị trường công trình xanh, cần thiết phải có kế hoạch tổng thể quốc gia về xanh hóa ngành xây dựng với các mục tiêu cụ thể, tiêu chuẩn và yêu cầu nhất quán, hướng dẫn và giải pháp chi tiết, cùng các chính sách ưu đãi cần thiết.

Kế hoạch này là điều kiện tiên quyết để loại bỏ các rào cản liên quan và thúc đẩy áp dụng hoạt động xây dựng xanh một cách rộng rãi.

Nguồn tài chính xanh ưu đãi cũng rất cần thiết để mở rộng quy mô công trình xanh. Nguồn vốn này sẽ giúp chủ đầu tư vượt qua rào cản về chi phí đầu tư ban đầu, thường có thể tăng thêm khoảng 1 - 3% tổng chi phí dự án, ngoài việc các khoản tiết kiệm chi phí vận hành tòa nhà có thể giúp chi trả cho các khoản vay.

Một cách thức để thực hiện là đưa công trình xanh và cơ sở hạ tầng bền vững vào hệ thống phân loại tài chính xanh và hướng dẫn các ngân hàng thực hiện theo dõi.

Hệ thống phân loại xanh có thể giúp các ngân hàng xác định rủi ro trước các chuyển đổi liên quan đến vấn đề môi trường và khí hậu, như các thay đổi về chính sách, quy định bắt buộc, hay thị hiếu khách hàng. Song song, các hệ thống này cũng khuyến khích các ngân hàng chuyển hướng đầu tư vào các dự án xanh và mở rộng danh mục đầu tư xanh.

Theo một báo cáo của IFC, công trình xanh là một trong những cơ hội đầu tư lớn nhất trong thập kỷ tới ở châu Á - Thái Bình Dương, dự báo lên tới 16.000 tỷ USD. Cơ hội này sẽ giúp thu hút đầu tư quốc tế vào các thị trường này hơn bao giờ hết.

Với Việt Nam, công trình xanh đóng vai trò bản lề trong việc giải quyết những yêu cầu cấp bách về hạ tầng và thách thức về biến đổi khí hậu, cùng lúc với việc phát triển nền kinh tế carbon thấp. Chính phủ và địa phương có thể kiến tạo những điều kiện thích hợp để phát triển thị trường công trình xanh. Đây cũng là tiền đề quan trọng góp phần giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát thải nhằm giảm tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tin bài liên quan