Mở văn phòng tại Nhật Bản, Netland quyết tâm hút dòng vốn ngoại

Mở văn phòng tại Nhật Bản, Netland quyết tâm hút dòng vốn ngoại

(ĐTCK) Đại diện Sanei, nhà phát triển bất động sản Nhật Bản - đối tác chiến lược vừa ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với CTCP Đầu tư Netland (NRC) cho biết, tổng vốn đầu tư của Sanei tại các dự án bất động sản Việt Nam là 60 triệu USD và dự kiến nâng lên 100 triệu USD trong năm 2019. Nguồn vốn này sẽ được ưu tiên phân bổ vào các dự án trong danh mục của Netland gửi tới Sanei. 

Chính thức mở văn phòng tại Nhật Bản

Ngày 28/3/2019, Netland chính thức khai trương văn phòng tại Nhật Bản. Theo đó, Sanei sẽ hỗ trợ cho Netland trong việc tiếp cận và tương tác trực tiếp, phản hồi thông tin nhanh nhất tới các nhà đầu tư nổi tiếng kỹ tính, cẩn trọng xứ hoa anh đào.

Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó tổng giám đốc Netland cho biết, có hơn 10 nhà đầu tư Nhật Bản đang góp vốn vào một quỹ đầu tư, giá trị khoảng 50 triệu USD, muốn đầu tư vào các dự án do Công ty triển khai. Đầu mối thu xếp chính là Sanei.

Giai đoạn 2019 - 2021, Netland sẽ triển khai 7 dự án, trong đó dự án Cồn Tân Lập, Nha Trang đang hợp tác cùng Sanei. Đại diện Sanei cho biết, các dự án còn lại do Netland đã tự chủ được nguồn vốn nên chưa cần huy động vốn từ Sanei. Nhưng sắp tới, Netland phát triển các dự án vượt ra khỏi năng lực vốn hiện tại thì Sanei sẽ xem xét giải ngân.

“Netland và Sanei sẽ hợp tác theo hướng tất cả các dự án của Netland tại Việt Nam đều có sự hậu thuẫn của Sanei”, đại diện Sanei nói.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, vài năm gần đây, thị trường bất động sản Việt Nam được tiếp sức từ dòng vốn nước ngoài, động lực chính đến từ tiềm năng tăng trưởng của thị trường trong 5 - 10 năm tới vẫn còn rất lớn. Không ít doanh nghiệp bất động sản đã tận dụng tốt dòng vốn này để cùng phát triển dự án, với chi phí vốn hiệu quả hơn so với việc phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng.

Trong bối cảnh hiện nay, tín dụng bất động sản được kiểm soát chặt hơn và lãi suất có xu hướng tăng, các doanh nghiệp ít vay nợ, chinh phục được dòng vốn ngoại có lợi thế cạnh tranh rất lớn. Với Netland, năm 2019, Công ty chưa có dự định huy động vốn ngân hàng, đồng thời chưa có kế hoạch huy động vốn cổ phần để tránh pha loãng giá cổ phiếu. Năm 2020, tuỳ thuộc tình hình dự án, khả năng Netland sẽ có đợt tăng vốn mới. 

Chinh phục nhà đầu tư ngoại bằng minh bạch

Ngoài mục tiêu huy động vốn, Netland kỳ vọng đối tác ngoại sẽ hỗ trợ về kinh nghiệm quản lý, phát triển dự án và cùng nhau tạo ra hệ sinh thái, mang lại sản phẩm bất động sản tốt nhất, có giá trị gia tăng cho khách hàng. Cụ thể, Sanei có thế mạnh về phát triển dự án bất động sản, Netland có vị thế là đơn vị phân phối hàng đầu phía Nam với hệ thống hơn 2.000 nhân viên môi giới.

Hai đối tác chiến lược khác đến từ Nhật Bản là Anabuki, đơn vị quản lý, vận hành dự án chuyên nghiệp và G-7 Holdings INC, tập đoàn đa ngành nghề, đang sở hữu 2 chuỗi cửa hàng phát triển rất mạnh tại Nhật Bản là G-7 và Daiso. G-7 sẽ đảm nhận nhiệm vụ phát triển chuỗi trung tâm thương mại trong các dự án của Netland.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Quang chia sẻ, ngay từ đầu, Netland đã xác định chiến lược thu hút vốn của Công ty là trung thực, nhất quán và tôn trọng lẫn nhau. Việc niêm yết cổ phiếu NRC cũng là minh chứng cho việc sẵn sàng công khai thông tin minh bạch. Chính thái độ hành xử, phản hồi thông tin nhanh chóng, đầy đủ (bên cạnh yếu tố cơ bản là chiến lược hoạt động và dự án tốt) đã giúp Netland nhận được cái gật đầu của đối tác.

Ngoài các nhà đầu tư kể trên, Netland đang tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư đến từ Mỹ, Hồng Kông, nhưng theo cam kết, các dự án của Netland sẽ ưu tiên cho các nhà đầu tư của Sanei.   

Năm 2019, Netland lên kế hoạch lãi 110 tỷ đồng, tăng 53% so với năm 2018. Các dự án đóng góp chính vào kết quả này bao gồm dự án Cồn Tân Lập (30 tỷ đồng), Saigon Metro Mall (64 tỷ đồng) và Haborizon (16 tỷ đồng).