Môi giới bất động sản chật vật với chứng chỉ hành nghề

0:00 / 0:00
0:00
Dù đã hoàn thành khóa học, trang bị sẵn kiến thức, nhưng nhiều môi giới bất động sản vẫn mòn mỏi chờ lịch thi để lấy chứng chỉ hành nghề. Điều này khiến công việc của họ bị đình trệ, gặp nhiều rủi ro pháp lý.
Môi giới bất động sản chật vật với chứng chỉ hành nghề

Mòn mỏi chờ thi sát hạch

Chị Lương Thị Thanh (ngụ tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) là một nhân viên môi giới bất động sản tự do, đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong ngành. Tuy nhiên, theo Luật Kinh doanh bất động sản 2023, tất cả môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề mới được phép hoạt động và mở công ty môi giới. Do vậy, chị cần phải hoàn thiện hồ sơ pháp lý để không bị coi là hành nghề trái phép.

Ngay sau đó, chị Thanh đã đăng ký tham gia khóa đào tạo cấp chứng chỉ môi giới từ một tổ chức tại địa phương. Khóa học diễn ra trong vài ngày và sau khi kết thúc, chị được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học. Song đó chỉ là giấy xác nhận đã học xong chương trình, chứ không phải chứng chỉ hành nghề chính thức. Để có chứng chỉ hợp pháp, chị Thanh bắt buộc phải tham gia kỳ thi do cơ quan chức năng tổ chức.

Vấn đề là tại Đồng Nai - nơi chị đang sinh sống và làm việc - vẫn chưa tổ chức kỳ thi. Điều này khiến chị rơi vào tình thế khó xử, bởi đã đầu tư thời gian và chi phí để tham gia khóa học, nhưng chưa có được chứng chỉ để hợp thức hóa công việc của mình.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, anh Hoàng Ngọc Tường (ngụ tại phường Long Trường, TP.HCM), sau thời gian làm chung với bạn bè, nay có ý định mở công ty môi giới bất động sản để phát triển sự nghiệp riêng. Nhưng do chưa có chứng chỉ hành nghề, nên mọi kế hoạch đều bị đình trệ. Anh liên tục tìm kiếm thông tin về kỳ thi và các đơn vị tổ chức, nhưng vẫn chưa có lịch cụ thể.

Thời gian chờ đợi kéo dài khiến anh Hùng cảm thấy bất an và khó khăn trong công việc. Dù đã hoàn thành khóa học và bỏ ra chi phí không nhỏ, nhưng giờ đây, anh vẫn phải tiếp tục chờ đợi trong vô vọng. “Không biết đến khi nào mới có thể chính thức bước vào kỳ thi để lấy chứng chỉ hành nghề môi giới. Chưa biết lúc nào mới hết cảnh hành nghề chui như hiện nay”, anh Hùng chia sẻ.

Cần sớm tháo gỡ “nút thắt”

Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, nhưng sau 9 tháng đi vào cuộc sống, hàng chục ngàn môi giới bất động sản vẫn thiếu chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hết thời hạn.

Khảo sát của Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản (VARS IRE) cho thấy, trong tổng số gần 30.000 nhà môi giới bất động sản, đã có hơn 6.000 người hoàn thành chương trình đào tạo theo quy định tại Thông tư 04/2024/TT-BXD (hướng dẫn về chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản), nhưng chưa thể tham gia kỳ thi sát hạch, do vướng mắc trong hướng dẫn tổ chức kỳ thi ở các tỉnh, thành phố.

Cũng theo VARS IRE, có đến 89% lực lượng môi giới bất động sản hiện nay chưa có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ đã hết hiệu lực. Trong đó, 51,8% chưa có chứng chỉ và chưa từng qua đào tạo; 24,1% đã qua đào tạo, nhưng chưa có chứng chỉ và 12,8% có chứng chỉ nhưng đã hết hiệu lực. Chỉ có 11,3% có chứng chỉ hành nghề còn hiệu lực. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp môi giới không thể tuyển đủ nhân sự hợp pháp, nên ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động giao dịch và quá trình phục hồi thị trường.

Những con số trên phản ánh thực trạng đáng lo ngại về tính pháp lý hành nghề và cũng đặt ra nhu cầu cấp thiết trong việc chuẩn hóa đội ngũ, tăng cường đào tạo và minh bạch hóa quy trình tổ chức thi sát hạch cấp chứng chỉ.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), hiện có 3 vấn đề nảy sinh từ việc siết chặt hoạt động môi giới bất động sản.

Một là, chất lượng đào tạo các khóa bồi dưỡng kiến thức còn hạn chế do thiếu sự quản lý chặt chẽ đối với các cơ sở đào tạo.

Hai là, việc không tổ chức kỳ thi sát hạch khiến hàng chục ngàn môi giới buộc phải hoạt động sai luật.

Ba là, công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động môi giới bất động sản còn lỏng lẻo.

“Việc triển khai thực tế chậm so với quy định pháp lý mới không chỉ cản trở quá trình chuyên nghiệp hóa môi giới, mà còn tiềm ẩn rủi ro pháp lý trong quá trình giao dịch bất động sản, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản”, ông Đính nói.

Hiện nay, chỉ duy nhất Bộ Xây dựng là đơn vị cấp loại chứng chỉ này. Vì vậy, để tháo gỡ “nút thắt”, các chuyên gia kiến nghị Bộ Xây dựng cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể giúp UBND các tỉnh, thành phố có cơ sở triển khai kỳ thi, tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, cũng cần cho phép các đơn vị đào tạo đủ điều kiện được phối hợp tổ chức kỳ sát hạch; đồng thời, đề xuất xây dựng hệ thống thi trực tuyến hoặc liên tỉnh, nhằm giảm áp lực cho từng địa phương và đảm bảo tính công khai, minh bạch trong toàn hệ thống.

Việc xây dựng một cơ chế phối hợp linh hoạt, liên thông và hiệu quả giữa các bên liên quan là tiền đề rất quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu chuẩn hóa đội ngũ môi giới bất động sản, nhằm góp phần phát triển thị trường minh bạch, chuyên nghiệp và bền vững trong thời gian tới.

Tin bài liên quan