NĐT khó nhận diện được rủi ro danh mục đầu tư OTC của các CTCK

NĐT khó nhận diện được rủi ro danh mục đầu tư OTC của các CTCK

Món nợ trích lập OTC - kỳ 2: Nhà đầu tư bị… che mắt

(ĐTCK) Đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán chưa niêm yết (OTC) áp dụng cho CTCK, nên nhiều NĐT tiếp tục bị… che mắt, bởi khó nhận diện được rủi ro của “kho hàng” OTC mà các CTCK đang ôm.

“Ma trận” trích lập

Vì không có văn bản hướng dẫn trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC, nên đang tồn tại “ma trận” trích lập dự phòng cho khoản đầu tư này. Theo đó, những CTCK thận trọng, trung thực, đang vận dụng ít nhất hai phương pháp.

Thứ nhất, họ vận dụng Thông tư 228/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hoá, công trình xây lắp tại DN, để trích lập. Cơ sở trích lập là lấy giá chứng khoán thực tế trên thị trường được xác định là giá trung bình trên cơ sở giá giao dịch được cung cấp tối thiểu bởi 3 CTCK tại thời điểm lập dự phòng.

Thứ hai, các CTCK căn cứ vào báo cáo tài chính, diễn biến dòng tiền... của DN phát hành cổ phiếu OTC, để tính toán khả năng thu hồi khoản đầu tư này, trên cơ sở đó trích lập dự phòng.

Với những CTCK trích lập cho khoản đầu tư chứng khoán OTC, thông tin này được thể hiện trên báo cáo tài chính có kiểm toán, nên NĐT phần nào nhận diện được thực trạng danh mục đầu tư chứng khoán OTC của CTCK. Tuy nhiên, bất ổn ở chỗ, việc trích lập này có được cơ quan thuế chấp thuận hay không, thì trên thực tế có nhiều tình huống khác nhau, nên NĐT khó nhận diện được rủi ro của danh mục đầu tư OTC. Lý do là bởi có trường hợp được cơ quan thuế chấp nhận, nhưng có trường hợp không.

Lý giải sự không nhất quán này, theo bà Lê Thị Hòa, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính, là tùy thuộc vào số tiền trích lập có lớn không so với số thuế mà DN sẽ phải nộp, cũng như các chứng từ mà CTCK đưa ra có thuyết phục được cơ quan thuế hay không, thậm chí tùy thuộc vào tình hình thu ngân sách trên địa bàn ở những thời điểm cụ thể. Thực tế cho thấy, nếu số trích lập lớn, khó được cơ quan thuế coi đây là khoản chi phí hợp lý, để được khấu trừ khi tính thuế. Ngược lại, nếu số trích lập này nhỏ, đồng thời các chứng từ làm cơ sở cho việc trích lập thuyết phục được cơ quan thuế, có thể CTCK được cơ quan thuế cho phép trích lập.

Vậy là ngay cả với những trường hợp CTCK được coi là minh bạch, khi trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC và khoản trích lập này được thể hiện trên báo cáo tài chính có kiểm toán, con số này cũng không chắc chắn sẽ được cơ quan thuế chấp nhận. Nói cách khác, khoản lợi nhuận của DN có thể “vênh” giữa hồ sơ kế toán với hồ sơ quyết toán thuế. Trong những trường hợp này, ngay cả khi NĐT tưởng rằng họ đã nhận diện được phần nào rủi ro khoản đầu tư OTC của CTCK trên báo cáo tài chính kiểm toán, thì không hẳn đã là như vậy, nếu cơ quan thuế không chấp nhận việc trích lập của CTCK. Để tránh rủi ro bị truy thu, phạt thuế, nhiều CTCK chọn cách trích lập về mặt kế toán để đảm bảo nguyên tắc thận trọng, nhưng khi quyết toán thuế lại chủ động tính khoản trích lập này vào lợi nhuận để tính thuế.

Báo động hơn, do không có văn bản hướng dẫn trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC, nên không hiếm CTCK không trích lập. Với những trường hợp này, “kho hàng” OTC của CTCK luôn trong vòng bí mật, nên càng khiến cho NĐT khó nhận diện được mức độ rủi ro của danh mục này.

“Không biết đâu mà lần…”

Dưới góc nhìn của NĐT, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) quan ngại như vậy khi thông tin trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC không có sự đồng nhất giữa hồ sơ quyết toán thuế và hồ sơ kế toán. Sự “vênh” nhau này khiến NĐT đối mặt với nhiều rủi ro khi dựa trên báo cáo tài chính để quyết định đầu tư vào CTCK.

Không có quy định hướng dẫn trích lập, đồng nghĩa với các khoản đầu tư chứng khoán OTC của các CTCK bị giảm giá, thậm chí giảm sâu và “chết” thanh khoản, nhưng không hề có phương án phòng ngừa rủi ro. Điều này không hẳn do CTCK thiếu trung thực và không cẩn trọng, mà lý do chính là đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa ban hành cơ chế cho phép CTCK được trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC như kiến nghị của các thành viên thị trường từ nhiều năm nay.

Kỳ cuối: Bộ Tài chính nói gì?

Tin bài liên quan