Mông lung triển khai các dự án điện

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều nhà đầu tư tỏ ra quan ngại về tiến độ triển khai các dự án điện được đặt ra trong Quy hoạch Điện VIII bởi kế hoạch thực hiện chưa rõ ràng.
Dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII chưa đề xuất được cơ chế thu hút vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài thực hiện dự án điện sử dụng năng lượng xanh.

Dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII chưa đề xuất được cơ chế thu hút vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài thực hiện dự án điện sử dụng năng lượng xanh.

Kế hoạch mông lung

Góp ý cho Dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, T&T Group cho rằng, Kế hoạch phải đưa ra được tiến độ theo từng năm cho từng loại hình dự án nguồn và lưới điện trong danh mục thực hiện giai đoạn 2023 - 2030, thay vì chỉ đưa ra theo giai đoạn hoặc theo năm mục tiêu như dự thảo hiện nay.

Theo T&T Group, ở các dự án điện gió, hiện chưa thấy có tiêu chí hoặc định nghĩa thế nào là dự án trên bờ, gần bờ và ngoài khơi. Do vậy, cần phân định cụ thể trong Kế hoạch ranh giới điện gió trên bờ và ngoài khơi. Hiện Dự thảo Kế hoạch gộp điện gió trên bờ và gần bờ thành một loại hình dự án, trong khi đặc tính, đặc điểm của chúng không giống nhau về môi trường đầu tư, chi phí lắp đặt, giá thành điện quy dẫn (LCOE) và điều kiện vận hành.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó tổng giám đốc T&T Group cho hay, điện gió ngoài khơi chiếm tỷ trọng lớn trong Quy hoạch Điện VIII tới năm 2030 cũng như năm 2050, nhưng cơ quan trực tiếp tham mưu, ban hành cơ chế chính sách chưa đưa ra các cơ chế chính sách và thực tế là đang thiếu. Điều này khiến điện gió ngoài khơi triển khai rất chậm so với mục tiêu mong muốn.

“Rất mong Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm cấp phép cho khảo sát các dự án điện gió ngoài khơi ngoài 6 hải lý”, bà Bình nói. Theo bà, thời gian còn lại (tới năm 2030) rất ít, trong khi khảo sát chiếm nhiều thời gian, nếu không ngay lập tức triển khai việc cấp phép và khảo sát, thì thực sự khó khăn trong thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi để đảm bảo tiến độ.

Đại diện T&T Group cũng đề nghị, có cơ chế chuyển tiếp hoặc thí điểm trước khi thực hiện đấu thầu, đấu giá tại Việt Nam, áp dụng cho 6.000 MW đầu tiên giai đoạn đến năm 2030, bởi đây là giai đoạn khởi động, định hình phát triển một ngành công nghiệp mới, hiện đại ở Việt Nam. Tương tự với các dự án điện khí LNG trước mục tiêu đặt ra là xây dựng mới 22.400 MW vào năm 2030.

“Đây là một thách thức rất lớn về tiến độ, đặc biệt là công việc đàm phán hợp đồng mua bán điện. Hiện các nhà máy đều mong muốn có một tỷ lệ cam kết về sản lượng điện hợp đồng ở mức mong muốn (hợp lý) để phù hợp với khả năng huy động vốn cho thực hiện dự án và thu hồi được chi phí đầu tư”, phía T&T Group cho hay.

Ông Trần Anh Thái, chuyên gia về điện cũng cho rằng, việc giao địa phương chọn chủ đầu tư phát triển dự án đang khá mơ hồ vì không biết căn cứ trên yếu tố nào. “Nếu không căn cứ vào giá điện, thì chọn nhà đầu tư như thế nào. Khi chọn xong nhà đầu tư, thì sẽ bán điện cho ai và nếu không thoả thuận được giá bán điện với bên mua điện, thì nhà máy đó sẽ ra sao”, ông Thái đặt vấn đề.

Hiện chưa rõ tiêu chí hoặc định nghĩa thế nào là dự án điện gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi, dù điện gió ngoài khơi chiếm tỷ trọng lớn trong Quy hoạch Điện VIII tới năm 2030 cũng như năm 2050. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn.
Hiện chưa rõ tiêu chí hoặc định nghĩa thế nào là dự án điện gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi, dù điện gió ngoài khơi chiếm tỷ trọng lớn trong Quy hoạch Điện VIII tới năm 2030 cũng như năm 2050. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn.

Vốn huy động ở đâu

Quy hoạch Điện VIII đặt ra nhu cầu vốn cho giai đoạn 2021 - 2030 để phát triển nguồn và lưới điện tương đương 134,7 tỷ USD, trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 119,8 tỷ USD (trung bình 12,0 tỷ USD/năm), lưới điện truyền tải khoảng 14,9 tỷ USD (trung bình 1,5 tỷ USD/năm). Còn giai đoạn 2031 - 2050, con số được dự tính là 399,2 - 523,1 tỷ USD.

Để có thể huy động nguồn vốn đầu tư rất lớn, sự tham gia của mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước, cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính nước ngoài được xem là rất quan trọng. Dẫu vậy, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII hiện chưa đề xuất được các cơ chế, chính sách để thu hút huy động các nguồn vốn đầu tư, trong đó có nguồn vốn xanh từ các tổ chức tài chính nước ngoài, nhằm thúc đẩy việc xây dựng, thực hiện các dự án điện sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh.

Cùng với đó, cũng chưa có cơ chế lựa chọn chủ đầu tư các dự án điện vừa đảm bảo tiến độ của Quy hoạch, vừa đảm bảo nguyên tắc thị trường, cơ chế thu hút đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh…, nhằm khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển ngành điện.

Ngoài ra, việc xử lý các dự án không/chậm triển khai cũng là một vấn đề nhức nhối bấy lâu, hiện Bộ Công thương cũng chưa đưa ra giải pháp.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Halcom Việt Nam nhận xét, hướng dẫn cụ thể về thực hiện Quy hoạch Điện VIII vẫn chưa có, nếu kéo dài thì càng khó khăn. “Chính sách kéo dài ảnh hưởng đến vòng quay vốn, nhà đầu tư không muốn làm nữa. Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm thay đổi chính sách thế nào, hợp đồng mua bán điện sẽ cân bằng và hài hòa lợi ích hay không”, ông Dũng nêu.

Theo đại diện T&T Group, hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 15/2022/TT-BCT và Quyết định 21/QĐ-BCT có chung sự lo lắng, bất an và quan ngại về việc không thể đảm bảo hiệu quả đầu tư do không đảm bảo các chỉ số kinh tế - tài chính khi áp dụng khung giá điện mới ban hành, với mức giảm khoảng 21-29% (tính theo giá trị USD tương đương) so giá FIT tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg (cho điện mặt trời) và Quyết định 39/2018/QĐ-TTg (cho điện gió) và có thể đối diện nguy cơ phá sản.

Còn với các dự án điện mới, hiện chưa có khung giá phát điện cho nhà máy điện khí LNG hay cam kết tổng sản lượng điện mua hàng năm (Qc) theo hợp đồng mẫu ở mức thấp đang đe dọa nhà đầu tư không chốt được hợp đồng mua bán điện, dẫn tới khó thuyết phục được các bên cho vay tài chính.

Thực tế trên nếu không được thay đổi sớm, sẽ rất khó cải thiện được tiến độ triển khai các dự án điện đã được “chỉ mặt, đặt tên”, lẫn các dự án điện mới được đưa ra tại Quy hoạch Điện VIII và hậu quả là nguồn điện sẽ không được bổ sung mới như mong đợi để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của nền kinh tế.

Thiếu hụt điện trong mùa khô đã diễn ra vào hè năm 2021, với việc phải sa thải phụ tải tại một số thời điểm thời tiết cực đoan từ 500-1.700 MW. Trong tháng 5 và 6/2023, miền Bắc phải chịu cảnh mất điện luân phiên thường xuyên, gây ảnh hưởng đến các hộ gia đình và doanh nghiệp ở quy mô lớn. Riêng tháng 5/2023, thiếu hụt nguồn cung để đáp ứng nhu cầu phụ tải đỉnh lên đến 5.400 MW. Ước tính sơ bộ cho thấy, phí tổn của các đợt mất điện đầu hè khoảng 1,4 tỷ USD (tương đương 0,3% GDP).

Tin bài liên quan