Một lễ ra mắt dự án và nhận diện thương hiệu của Hưng Vượng Developer

Một lễ ra mắt dự án và nhận diện thương hiệu của Hưng Vượng Developer

Mong manh quyền lợi trái chủ trái phiếu Hưng Vượng Developer - Bài 2: Phập phồng quyền lợi trái chủ

0:00 / 0:00
0:00
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 của Công ty cổ phần In sách giáo khoa Hòa Phát thể hiện, tính tới ngày 31/3/2024, Công ty còn có khoản vay dài hạn đến hạn trả là hơn 515 tỷ đồng trái phiếu Hưng Vương Developer. Trong khi từ tháng 10/2018, Hưng Vượng Developer đã thông báo phát hành xong 600 tỷ đồng trái phiếu, tức đã thu “tiền tươi, thóc thật” từ 102 nhà đầu tư.

Lời Tòa soạn: Hưng Vượng Developer phát hành gói trái phiếu tổng trị giá 600 tỷ đồng, đến nay đã quá hạn, nhưng chỉ mới thanh toán một phần lãi, số còn lại và nợ gốc chưa trả. Hoạt động kinh doanh chủ yếu của doanh nghiệp này là rót vốn vào công ty con Danh Việt để đầu tư Dự án Venezia Beach.

Mới đây, Công ty cổ phần In sách giáo khoa Hòa Phát (mã HTP) hoán đổi để trực tiếp sở hữu cổ phần tại Danh Việt…

Phức tạp thương vụ bán trái phiếu, mua cổ phần

Tư liệu mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được cho thấy, ngày 11/10/2021, ông Dương Ngọc Hải (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hưng Vượng Developer) ký công bố thông tin về kết quả phát hành trái phiếu mã HVDCH2123001 vào ngày 2/8/2021. Theo đó, doanh nghiệp này đã phát hành thành công lô trái phiếu trên với tổng trị giá 600 tỷ đồng cho 102 nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp trong nước, có kỳ hạn 18 tháng, lãi suất 12%/năm. Như vậy, “tiền tươi, thóc thật” đã về với tổ chức phát hành.

Theo mục đích phát hành, số tiền này dùng để mua 100% cổ phần của Công ty cổ phần Cổ Kim Mỹ Nghệ - chủ đầu tư Dự án Sản xuất, kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu và khu du lịch nghỉ dưỡng tại xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận (Dự án Hodota) của ông Hồ Quang Tâm.

Chỉ 3 ngày sau khi phát hành, ngày 5/8/2021, Đại hội đồng cổ đông Hưng Vượng Developer đã có nghị quyết thông qua phương án nhận chuyển nhượng 100% vốn của Công ty cổ phần Cổ Kim Mỹ Nghệ.

Cùng ngày 5/8/2021, Hưng Vượng Developer đã cho ông Tâm tạm ứng 230 tỷ đồng theo hợp đồng chuyển nhượng cổ phần. Cũng trong ngày này, Hưng Vượng Developer tiếp tục cho ông Tâm vay 310 tỷ đồng, thời hạn 6 tháng, lãi suất lên đến 20%/năm, hình thức đảm bảo khoản vay là tín chấp.

Tới năm 2022, khoản tiền 310 tỷ đồng nêu trên được chuyển thành khoản thanh toán chuyển nhượng cổ phần.

Ngày 14/3/2023, ông Tâm và Hưng Vượng Developer đồng ý sửa đổi mức giá chuyển nhượng cổ phần Công ty cổ phần Cổ Kim Mỹ Nghệ là hơn 802 tỷ đồng, đã bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí liên quan đến việc chuyển nhượng

Tiếp tục, ngày 20/7/2023, Hưng Vượng Developer cùng ông Hồ Quang Tâm ký phụ lục Hợp đồng. Theo đó, Hưng Vượng Developer sẽ chuyển thêm cho ông Tâm 50 tỷ đồng với điều kiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký phụ lục phải hoàn tất đối với toàn bộ cổ phần và tài sản là quyền sử dụng đất của toàn bộ Dự án Hodota.

Như vậy, tính đến 2 mốc thời gian trên, tức gần 2 năm sau khi lô trái phiếu 600 tỷ đồng của Hưng Vượng Developer phát hành thành công, cuộc giao dịch cho mục đích phát hành trái phiếu vẫn chưa hoàn thiện pháp lý chuyển nhượng.

Lô trái phiếu tổng trị giá 600 tỷ đồng nêu trên đáo hạn vào ngày 2/2/2023. Tuy nhiên, tại thời điểm 31/3/2024, Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 của Công ty cổ phần In sách giáo khoa Hòa Phát (gọi tắt là Công ty sách Hòa Phát, công ty mẹ của Hưng Vượng Developer) thể hiện, Công ty sách Hòa Phát còn có khoản vay dài hạn đến hạn trả là hơn 515 tỷ đồng trái phiếu Hưng Vượng Developer.

Cùng với đó, đến thời điểm cuối tháng 3/2024, Công ty sách Hòa Phát vẫn ghi nhận, Hưng Vượng Developer là công ty con của mình, với tỷ lệ sở hữu 62,75% cổ phần.

Bê bết kết quả hoạt động của Hưng Vượng Developer

Lô trái phiếu 600 tỷ đồng của Hưng Vượng Developer đáo hạn toàn bộ nợ gốc và lãi vào ngày 2/2/2023. Nhưng tới ngày 3/2/2023, tức sau thời hạn đáo hạn 1 ngày, ông Lê Quốc Kỳ Quang (lúc này giữ chức Tổng giám đốc Hưng Vượng Developer) ký Công bố thông tin bất thường gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) báo cáo: doanh nghiệp chưa thu xếp được nguồn vốn để thanh toán lãi (hơn 34 tỷ đồng) và 600 tỷ đồng tiền gốc.

Tới ngày 14/7/2023, theo xác minh của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM, thì Hưng Vượng Developer mới chỉ thanh toán được 1 phần lãi, còn lại (số lãi và 600 tỷ đồng tiền gốc) vẫn chưa thanh toán.

Đáng nói, tháng 12/2023, Hưng Vượng Developer còn bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt hành chính 92,5 triệu đồng vì không công bố báo cáo định kỳ năm 2022 về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu 600 tỷ đồng và báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2021...

Trong khi đó, theo báo cáo tài chính gửi HNX, tính tới ngày 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của Hưng Vượng Developer đạt 2.010 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 2.008 tỷ đồng cuối năm 2022. Tuy nhiên hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng từ mức 1,87 vào đầu năm 2023, lên 2,07 lần vào cuối năm 2023, tương ứng với 4.160 tỷ đồng nợ phải trả. Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu giảm từ mức 1,07 lần vào đầu năm 2023, xuống 1,06 lần vào cuối năm 2023, tương ứng với 2.130,6 tỷ đồng nợ trái phiếu. Lợi nhuận sau thuế của Hưng Vượng Developer năm 2023 giảm 66,6% so với cuối năm 2022.

Chưa hết, vào ngày 5/4/2024, Cục Thuế TP.HCM gửi văn bản tới Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM) đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Hưng Vượng Developer theo quy định tại khoản 3, Điều 125, Luật Quản lý thuế

Trước đó, Cục Thuế TP.HCM đã ra quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Hưng Vượng Developer, bởi doanh nghiệp này không chấp hành thông báo tiền nợ thuế ngày 13/3/2024. Ở thời điểm này, Hưng Vượng Developer nợ thuế gần 8,8 tỷ đồng, quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp.

Ngày 23/5/2024, Cục Thuế TP.HCM lại thông báo, tính đến thời điểm tháng 4/2024, Hưng Vượng Developer còn nợ hơn 17,6 tỷ đồng tiền thuế.

Thêm động thái mới từ công ty mẹ

Theo chính xác nhận tại nhiều báo cáo của Công ty sách Hòa Phát - công ty mẹ của Hưng Vượng Developer, thì hoạt động kinh doanh trọng yếu của Hưng Vượng Developer là đầu tư vào công ty con là Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Danh Việt (Công ty Danh Việt) với tỷ lệ 61,9%, nhằm mục đích đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt tại huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) với diện tích đất sử dụng 720.184,3 m2 (Dự án Lạc Việt, còn gọi là Dự án Venezia Beach).

Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường (ngày 16/5/2024), HĐQT Công ty sách Hòa Phát đã có Tờ trình nêu rõ: Công ty sách Hòa Phát thông qua việc đầu tư vào Hưng Vượng Developer (62,75% cổ phần, từ năm 2021) để có thể gián tiếp đầu tư vào Dự án Venezia Beach. Tuy nhiên, HĐQT Công ty sách Hòa Phát thấy rằng, việc đầu tư trực tiếp vào chủ đầu tư Dự án Venezia Beach - Công ty Danh Việt - sẽ giúp công ty mẹ giảm thiểu rủi ro đối với các nghĩa vụ tài chính của Hưng Vượng Developer, cũng như các khoản đầu tư khác của Hưng Vượng Developer.

“Ngoài ra, hiện tại, với vai trò là công ty mẹ của Hưng Vượng Developer, Công ty sách Hòa Phát không có đủ nguồn vốn để trợ giúp Hưng Vượng Developer xử lý các vấn đề tài chính tồn đọng”, Tờ trình của HĐQT Công ty sách Hòa Phát nhấn mạnh.

Từ đó, HĐQT Công ty sách Hòa Phát cho rằng, nếu hoán đổi sở hữu cổ phần của mình tại Hưng Vượng Developer thành sở hữu tại Công ty Danh Việt sẽ giúp công ty mẹ giảm thiểu rủi ro, đồng thời giúp Hưng Vượng Developer có cổ đông mới và tăng cơ hội tiếp cận các nguồn tài chính khác, từ đó tác động tích cực đến việc phát triển Dự án Venezia Beach.

Cách thức là hoán đổi sở hữu 62,75% của Công ty sách Hòa Phát tại Hưng Vượng Developer thành 38% sở hữu tại Danh Việt, tương đương hoán đổi 75,8 triệu cổ phần Hưng Vượng Developer thành 40,014 triệu cổ phần Danh Việt.

Và kết quả, với tỷ lệ biểu quyết 100%, Đại hội đồng cổ đông bất thường đã thông qua phương án hoán đổi, Công ty sách Hòa Phát trực tiếp sở hữu cổ phần tại Danh Việt, chủ đầu tư Dự án Venezia Beach.

Ông Lương Văn Quang (một trong những người đang bị Công an TP.HCM yêu cầu trình diện) đã từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT cũng như chấm dứt tất cả chức danh tại Hưng Vượng Developer để trở thành Chủ tịch HĐQT mới của Công ty sách Hòa Phát.

Tới ngày 30/5/2024, ông Lương Văn Quang với tư cách Chủ tịch HĐQT Công ty sách Hòa Phát còn tiếp tục ký Thông báo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HNX thông báo thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 12 của doanh nghiệp này.

Mới đây nhất, sau khi nhận thông tin Công an TP.HCM tìm mình, ngày 5/6/2024, ông Lương Văn Quang ký Văn bản số 0506/2024/CV gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HNX thông tin, kể từ sau ngày 16/5/2024, ông không còn giữ bất cứ chức vụ nào tại Hưng Vượng Developer và không có bất kỳ liên quan nào tới Hưng Vượng Developer.

Cổ phiếu Công ty cổ phần In sách giáo khoa Hòa Phát (HTP) vào diện kiểm soát

Tháng 4 và tháng 5/2024, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) có hàng loạt quyết định, thông báo về việc chậm nộp báo cáo, việc cảnh báo, đưa vào diện kiểm soát và duy trì kiểm soát… đối với cổ phiếu HTP (Quyết định số 408/QĐ-SGDHN ngày 19/4/2024; Thông báo kiểm soát theo Quyết định số 427/QĐ-SGDHN ngày 26/4/2024; Thông báo số 1081/SGDHN-QLNY ngày 3/5/2024; Quyết định số 450/QĐ-SGDHN ngày 6/5/2024; Thông báo số 2198/TB-SGDHN ngày 6/5/2024).

Giải trình về việc chậm nộp Báo cáo tài chính năm 2023 đã được kiểm toán và Báo cáo thường niên năm 2023 với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HNX tại văn bản ngày 8/5/2024, Công ty sách Hòa Phát nêu nguyên nhân: do quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp phát sinh nhiều nghiệp vụ mới và nhân sự phụ trách nghiệp vụ kế toán đang trong quá trình nhận bàn giao công việc, dẫn tới việc kiểm tra và hoàn thiện số liệu với đơn vị kiểm toán chưa hoàn tất.

Công ty sách Hòa Phát cam kết, ngay sau khi tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 (đã tổ chức xong vào ngày 16/5/2024 - PV) sẽ cùng kiểm toán hoàn thiện Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 và Báo cáo thường niên năm 2023, đảm bảo thực hiện công bố thông tin đầy đủ theo quy định.

Tin bài liên quan