Mong manh thỏa thuận OPEC+

Mong manh thỏa thuận OPEC+

(ĐTCK) Chỉ trong vài ngày qua, thế giới đã được xem một bộ phim nhiều kịch tính với các diễn viên chính là Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), các đồng minh tham gia cắt giảm sản lượng, trong đó có Nga (hay còn gọi là OPEC+), và sự góp mặt đậm tính “anh hùng” của Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Kết quả là một thoả thuận cắt giảm sản lượng mang tính lịch sử nhằm cứu giá dầu giữa cơn bão Covid-19 đã được công bố. Nhưng với “người xem”, khó để giữ niềm tin liên minh này có thể tồn tại lâu.

Kịch tính đầu tiên xuất phát từ việc Mexico đột ngột từ chối tham gia thoả thuận cắt giảm sản lượng, tiến hành hội ý riêng với phía Mỹ và Canada, trong khi các bộ trưởng dầu mỏ khác nhẫn nại chờ đợi tại cuộc họp trực tiếp kéo dài hàng giờ đồng hồ. Sau đó, phiên họp kéo dài thành vài ngày trước khi có kết quả cuối cùng.

Bước ngoặt thứ hai là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump xuất hiện với thông điệp đề nghị sẽ hỗ trợ Mexico.

Cụ thể, Mexico được đề nghị cắt giảm 400.000 thùng dầu/ngày, nhưng đã từ chối. Vậy nên Tổng thống Trump cho biết nước Mỹ sẵn sàng giảm 250.000 thùng dầu/ngày thay cho phần của Mexico và thực tế là sản lượng dầu của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đi xuống trong thời gian qua bởi các tác động từ thị trường.

Tuy nhiên, kịch tính vẫn chưa chấm dứt. Cuối cùng, thoả thuận cắt giảm sản lượng được công bố, nhưng “hào quang” không thuộc về Mexico hay Mỹ.

Thực tế, sau 4 ngày cố gắng thuyết phục Mexico bất thành, Ả Rập Xê út và Nga quyết định sẽ tự gánh vác phần việc của quốc gia này.

Như vậy, trong tháng 4 và 6, các thành viên thuộc nhóm G20, ngoại trừ Mexico, đều sẽ tham gia vào việc kiểm soát sản lượng dầu đầu tư, cắt giảm 9,7 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 23% sản lượng.

Sau đó, 19 quốc gia này tiếp tục duy trì sản lượng ở mức 7,7 triệu thùng dầu/ngày cho tới cuối năm, 5,8 triệu thùng trong 16 tháng tới tháng 4/2022. Về mặt con số, đây đúng là một thoả thuận dài hơi với mức cắt giảm đi vào lịch sử.

Dù vậy, các thành viên thị trường vẫn còn nhiều câu hỏi cần có thời gian trả lời. Chẳng hạn, với nước Nga, liệu quốc gia này có giảm sản lượng khoảng 2,5 triệu thùng dầu/ngày trong 3 tuần tới, khi mà Igor Sechin, người đứng đầu công ty dầu khí nhà nước Rosneft trong thời gian qua đã chịu nhiều chỉ trích trong việc đóng góp “khiêm tốn” vào quá trình giảm sản lượng trước đây. Khó để tin rằng nước Nga sẽ hành động quyết liệt, nghiêm túc hơn trong thoả thuận lần này.

Bên cạnh đó, với việc có ngoại lệ là Mexico, 19 quốc gia còn lại liệu đủ kiên nhẫn để thực hiện chiến lược này trong bao lâu?

Với việc giá dầu đang ở mức rất thấp, một số quốc gia khác có thể suy nghĩ tới chuyện gia tăng quỹ dự trữ dầu mỏ, trong đó có Ấn Ðộ.

Thực tế, quốc gia này đã tiến hành mua vào dầu mỏ để dự trữ, với việc đề nghị các nhà máy lọc dầu nhà nước mua thêm 15 triệu thùng dầu từ Ả Rập Xê út, UAE và Iraq, nhưng quy mô kho chứa lại có hạn nên việc mua thêm là khó khăn.

Về phần Mỹ, quốc gia này còn chỗ chứa cho 77 triệu thùng dầu tại Kho Dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR), tuy nhiên, trong tháng trước, Quốc hội Mỹ đã từ chối thông qua ngân sách cho việc mua vào thêm 30 triệu thùng. Vậy nên, việc mua thêm dầu dự trữ là khó xảy ra.

Ðể xây dựng niềm tin với OPEC+, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Dan Brouillette phát biểu tại cuộc họp nhóm G20 rằng, việc giá dầu lao dốc đã khiến sản lượng dầu sản xuất của Mỹ giảm một cách tự nhiên khoảng 2 triệu thùng/ngày cho tới cuối năm mà không cần sự can thiệp của Chính phủ. Theo dự đoán của vị bộ trưởng này, nhiều khả năng, mức giảm có thể lên tới 3 triệu thùng/ngày.

Phản bác quan điểm này, Nga cho rằng, việc giảm tự nhiên nhờ biến động cung cầu thị trường không đồng nhất với chiến lược cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu.

Bởi mọi nhà sản xuất dầu mỏ trên thế giới đều chịu chung áp lực này, ngay cả với các quốc gia ngoài OPEC như Canada, Brazil, Na Uy… Như vậy, việc thực hiện một thoả thuận chung không còn ý nghĩa.

Ðây là lần thứ 2 trong chưa tới 5 năm, Ả Rập Xê út cố gắng theo đuổi việc kiểm soát sản lượng để hỗ trợ giá dầu.

Tuy nhiên, tình hình hiện tại có nhiều khác biệt, khi nhu cầu đang lao dốc chóng mặt bởi tình hình dịch bệnh.

Trong bối cảnh hỗn loạn hiện tại, một liên minh với rất nhiều mâu thuẫn nội bộ khó có thể vững bền và kịch tính sẽ lập tức xuất hiện khi nhu cầu tiêu thụ dầu có dấu hiệu khởi sắc.

Tin bài liên quan