Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Một vài bộ, ngành không thể cải thiện môi trường kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh sẽ phải đi vào thực chất, hỗ trợ được doanh nghiệp, người dân một cách thực chất.

Thưa Thứ trưởng, có ý kiến cho rằng, cải cách môi trường kinh doanh đang chững lại do tác động của Covid-19. Phát biểu tại Hội nghị Triển khai Nghị quyết 02/2022/NQ-CP: Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 3/3 vừa qua, ông cũng nhắc đến thực trạng này và cho rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh là giải pháp phi tài chính hiệu quả, có tính bền vững… Vậy tình hình thực hiện Nghị quyết 02/2022/NQ-CP đang như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Phải nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết 02/2022/NQ-CP thể hiện thông điệp quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xác định đây là một trụ cột quan trọng của cải cách thế chế, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.

Thể hiện là các chỉ tiêu, giải pháp được thiết kế có tầm nhìn 5 năm cho cả nhiệm kỳ và một số nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022. Trong đó, có 8 chỉ tiêu rất cụ thể về năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển bền vững, năng lực đổi mới sáng tạo, chính phủ điện tử, quyền tài sản, hiệu quả logistics, năng lực cạnh tranh du lịch và an toàn an ninh mạng.

Cũng phải nói thêm, để đảm bảo yêu cầu cải cách mạnh mẽ, các chỉ tiêu trên được lựa chọn từ các tổ chức quốc tế có uy tín, như Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Liên hợp quốc (UN), Tổ chức Trí tuệ thế giới (WIPO), Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU)… và phù hợp với xu hướng cải cách của Việt Nam.

Đơn cử, mặc dù Ngân hàng Thế giới (WB) đã không tiếp tục xếp hạng Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Business) hàng năm nữa, nhưng chúng ta vẫn lựa chọn các chỉ tiêu thành phần phù hợp đưa vào Nghị quyết 02/2022/NQ-CP, để các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các cải cách này. Bởi vì các chỉ tiêu này vẫn được các doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá là phù hợp, phản ánh thực chất các cải cách của chúng ta.

Chúng tôi cho rằng, cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh phải đi vào thực chất. Thực chất theo nghĩa là vì phải tiệm cận các thông lệ quốc tế để đảm bảo yêu cầu cạnh tranh quốc tế và vì doanh nghiệp, người dân đang rất cần sự hỗ trợ, hậu thuẫn để phục hồi sau những tác động rất lớn của Covid-19 thời gian vừa qua.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương có các kế hoạch, hành động cụ thể để đảm bảo yêu cầu thực chất này. Đặc biệt, các kế hoạch thực hiện Nghị quyết 02/2022/NQ-CP phải gắn với kế hoạch thực hiện Nghị quyết 11/2022/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Thưa ông, về phía các bộ, ngành, địa phương, theo báo cáo đến hết tháng 2/2022, vẫn còn một số bộ, ngành chưa ban hành chương trình, kế hoạch hành động?

Phần lớn các bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai. Còn một số bộ, ngành, đặc biệt là khá nhiều địa phương chưa ban hành.

Có thể nói, các bộ, ngành địa phương đều thể hiện quyết tâm, cam kết thực hiện các giải pháp để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhưng môi trường kinh doanh cần những cải cách thực chất, nghĩa là cần các kế hoạch thực hiện rất cụ thể với các giải pháp, nhiệm vụ rõ ràng. Chỉ khi đó, nghị quyết mới đi được vào cuộc sống.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 02/2022/NQ-CP là để thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương hành động cụ thể, đồng bộ. Một bộ, ngành hay một địa phương không thể cải thiện môi trường kinh doanh được, mà cần sự vào cuộc đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng, vì các vấn đề, nội dung cần cải cách liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương…

Khi đánh giá về các kết quả cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, một trong những rào cản lớn là tâm lý sợ mất quyền lực, lợi ích?

Các nỗ lực cải cách thực chất sẽ có khó khăn nhất định. Khó khăn đến từ một số bộ, ngành, địa phương chưa triển khai quyết liệt hay ngại đổi mới.

Nhưng tư tưởng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất rõ ràng, quyết liệt. Đó là đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật theo tinh thần là giảm tối đa thủ tục, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người dân; tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương, gắn với cơ chế giám sát, kiểm tra có hiệu quả.

Chúng tôi cho rằng, sẽ có những lực cản, nhưng bộ máy phải tuân thủ chỉ đạo chung của Thủ tướng, của Chính phủ.

Trong quá trình này, trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ rất nặng nề?

Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được quy định trong Nghị quyết 02/2022/NQ-CP rất rõ, là kiểm tra, đôn đốc, giám sát các bộ, ngành liên quan để đảm bảo các kế hoạch, các nhiệm vụ, giải pháp được thực hiện đúng, nhất là các bộ chủ quản được giao thực hiện các chỉ tiêu tổng thể và chỉ tiêu thành phần. Trách nhiệm rất nặng nề, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn có tư tưởng đổi mới, cải cách, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, người dân, tiếp tục tăng cường phân cấp, phân quyền.

Để làm tốt việc này, trong quá trình triển khai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục đối thoại nhiều hơn với doanh nghiệp, người dân; cùng đồng hành với các bộ, ngành để triển khai các giải pháp một cách thực chất. Nếu có vướng mắc, phát sinh trong thực hiện các văn bản, quy phạm pháp luật, doanh nghiệp phản ánh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có tiếng nói khách quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.

Quan điểm của chúng tôi là, khi đưa ra các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh, nhất là quy định về điều kiện kinh doanh, về quản lý chuyên ngành, các bộ, ngành cần đánh giá tác động cẩn trọng, đảm bảo tuân thủ đúng xu hướng đổi mới, cải cách của Chính phủ…

Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có ý kiến về sự siết lại trong quản lý nhà nước, điều kiện kinh doanh, thể hiện trong dự thảo văn bản của một số bộ, ngành. Thứ trưởng có ý kiến gì về việc này?

Những hiện tượng mà VCCI phát hiện có trong một số dự thảo văn bản mà các bộ, ngành đang lấy ý kiến. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng là một cơ quan lấy ý kiến của các dự thảo đó, sẽ có những ý kiến đánh giá, góp ý khách quan.

Tôi tin rằng, với những quy định có nhiều ý kiến phản biện từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các bộ, ngành liên quan sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng, giải trình rõ, nhất là đánh giá tác động đa chiều nếu quy định có xu hướng chặt chẽ hơn.

Nguyên tắc ở đây là phải đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Tin bài liên quan