Mua bán trong phiên: Cờ trong tay Bộ Tài chính!

Mua bán trong phiên: Cờ trong tay Bộ Tài chính!

(ĐTCK-online) Vừa qua, Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã ban hành Quy chế giao dịch chứng khoán tại HNX (quy chế mới), trong đó bỏ quy định cấm NĐT đặt lệnh mua - bán cùng một loại chứng khoán trong phiên.

Điều này đặt ra cho NĐT và các thành viên 2 câu hỏi: liệu đây có phải là hướng mở để NĐT được phép thực hiện hoạt động này và tại sao trên HNX, dù không còn văn bản nào cấm, nhưng NĐT vẫn chưa được thực hiện? Để giải đáp thắc mắc này, ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK).

 >> Mua bán một cổ phiếu cùng phiên, tại sao không?

Trên HNX hiện nay, với việc không có văn bản pháp luật nào hạn chế NĐT không được cùng mua - bán một loại chứng khoán trong phiên, NĐT có quyền thực hiện hoạt động này, thưa ông?

Trước khi nói chi tiết về vấn đề này, tôi xin được nói thêm một chút về các quy định liên quan đến vấn đề mang yếu tố lịch sử. Trước khi Luật Chứng khoán ra đời, thì Chính phủ đã ban hành Nghị định 144/2003/NĐ-CP về chứng khoán và TTCK, theo đó Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 58/2004/TT-BTC hướng dẫn về Thành viên và Giao dịch chứng khoán. Thông tư này quy định rất rõ: "NĐT không được đặt lệnh mua - bán cùng một loại chứng khoán trong phiên giao dịch; và NĐT chỉ được phép mở một tài khoản giao dịch chứng khoán".

Tuy nhiên, khi Luật Chứng khoán được ban hành, các quy định về giao dịch chứng khoán Luật Chứng khoán lại giao cho các Sở GDCK quy định cụ thể. Mà các Sở GDCK hiện nay là DN (Công ty TNHH nhà nước một thành viên) nên các quy chế có tính pháp lý rất thấp (vì không phải văn bản quy phạm pháp luật) và chế tài xử phạt không có (thường chỉ khiển trách, cảnh cáo). Do vậy, để đảm bảo tính răn đe của pháp luật và có chế tài xử phạt hành chính tương ứng, UBCK đang dự thảo Thông tư hướng dẫn về giao dịch chứng khoán, quy định các nguyên tắc chung về giao dịch, sau đó các Sở GDCK sẽ ban hành Quy chế hướng dẫn chi tiết. Vì vậy, UBCK đã chỉ đạo các Sở GDCK trong Quy chế giao dịch sửa đổi của mình chỉ quy định chung về vấn đề tài khoản giao dịch; mua bán chứng khoán trong ngày giao dịch phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

Đó là lý do tại sao khi sửa đổi Quy chế giao dịch của HNX và tới đây là HOSE, quy định trên bị bỏ ngỏ theo hướng trích dẫn "tuân theo quy định pháp luật". Như vậy, có thể hiểu là, các quy định liên quan đến mở nhiều tài khoản, mua bán chứng khoán trong ngày giao dịch, NĐT phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Văn bản này UBCK đang hoàn chỉnh để trình Bộ Tài chính ký ban hành.

 

Trên thực tế, NĐT đang tìm cách lách luật. Vậy trong dự thảo Thông tư, UBCK với tư cách là đơn vị soạn thảo trình Bộ Tài chính ban hành đưa ra hướng xử lý như thế nào?

Có một thực tế mà chúng ta đều dễ nhận biết là một NĐT hoàn toàn có thể lách cả 2 quy định trên bằng cách mượn tên tài khoản của NĐT khác và nhận ủy quyền.

UBCK cũng hiểu một điều là, nếu hạn chế NĐT bán chứng khoán đã thực về tài khoản chỉ vì ngày hôm đó họ trót mua thêm thì đôi khi cũng gây thiệt thòi cho NĐT.

Ví dụ, NĐT mua cổ phiếu A từ cách 10 ngày trước và cổ phiếu A đã về tài khoản. Ngày hôm nay, NĐT mua thêm cổ phiếu A, nhưng đến cuối ngày giao dịch, xuất hiện thông tin có thể khiến giá cổ phiếu A giảm giá mạnh, như vậy, nếu không cấm NĐT giao dịch cùng mua - bán một loại chứng trong phiên thì họ có thể bán luôn số cổ phiếu đã mua trước đó. Chính vì vậy, định hướng của UBCK là cho phép NĐT được cùng mua - bán một loại chứng khoán trong phiên, được mở nhiều tài khoản… Nhưng việc mua bán chứng khoán trong ngày phải đảm bảo nguyên tắc là giao dịch trên tài sản thực, bán chứng khoán thuộc sở hữu của NĐT.

Chúng ta chưa cho phép bán chứng khoán sau khi vừa mua, tức giao dịch T+0. Tuy nhiên, vấn đề mở nhiều tài khoản và mua bán trong ngày chỉ được thực hiện khi Bộ Tài chính chính thức ký ban hành Thông tư giao dịch.

 

Vậy dự kiến khi nào Thông tư trên sẽ được ban hành, thưa ông?

Thời gian vừa qua, chúng tôi đã gấp rút triển khai và hoàn thiện dự thảo, trình Bộ Tài chính. Tuy nhiên, một số nội dung khác quy định trong Thông tư cần phải được hoàn thiện thêm và có cơ sở giải trình về khả năng kiểm soát, giám sát các giao dịch, cũng như các vấn đề cần phải xử lý các rủi ro có thể xảy ra. Đây là nội dung cơ bản của việc hoàn thiện các văn bản pháp luật trong năm 2010 và UBCK sẽ sớm hoàn thiện để trình Bộ Tài chính xử lý về vấn đề này.

 

Khi đó, với cơ chế mở hơn, các hoạt động thao túng giá trên TTCK sẽ dễ dàng hơn, làm cách nào để UBCK có thể kiểm soát?

Nhiều ý kiến cho rằng, ngay cả việc hạn chế mở nhiều tài khoản, cùng mua - bán một loại chứng khoán trong phiên… mà thị trường vẫn có tình trạng thao túng giá, thì khi cho phép NĐT mở nhiều tài khoản, giao dịch chứng khoán cùng phiên thì tình trạng làm giá sẽ diễn ra đến đâu?

Như tôi đã nói ở trên, việc cấm mở nhiều tài khoản đã dẫn đến NĐT lách luật bằng cách mở nhiều tài khoản đứng tên người khác, điều này gây khó khăn cho quản lý và cũng gây khó khăn cho các công ty quản lý quỹ khi lẽ ra phải mở nhiều tài khoản cho các quỹ đầu tư, tài khoản ủy thác đầu tư... Việc cho mở nhiều tài khoản với cơ chế khai báo rõ ràng sẽ xử lý được vấn đề bất cập nói trên.

Ngoài ra, hiện nay Trung tâm Lưu ký đã đưa vào triển khai phần mềm giao dịch mới, cho phép giám sát đến tận chân tài khoản NĐT và quản lý thông tin tài khoản theo số chứng minh thư và ngày cấp… Khi đó, việc cho phép NĐT mở nhiều tài khoản sẽ giúp quản lý dễ dàng hơn, việc công bố thông tin trong các trường hợp tổng tài khoản cộng dồn đạt các mức phải công bố thông tin… cũng sẽ được kiểm soát. Theo tôi, đây mới chính là cơ sở để giúp quản lý thị trường dễ dàng hơn, giúp TTCK minh bạch hơn.