Mua cổ phiếu Thế giới Di dộng không dễ ăn

Mua cổ phiếu Thế giới Di dộng không dễ ăn

(ĐTCK) 4 phiên giao dịch sau khi chào sàn, giá cổ phiếu MWG của CTCP Thế giới Di động đều tăng trần và chạm ngưỡng 100.000 đồng/CP, mức rất cao trên sàn HOSE. Tuy nhiên, không ít NĐT cho rằng, có nhiều điều phải cân nhắc khi bỏ vốn vào DN này.

Giá cao nhưng thanh khoản quá thấp

Trước khi chào sàn, MWG đã gây ồn ào khi ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Công ty cho biết mức giá chào sàn dự kiến là 85.000 đồng/CP. Trên HOSE, hiện chỉ có 4 - 5 mã chứng khoán đạt thị giá cao hơn mức trên và đó đều là những DN có bề dày hoạt động, có lợi thế ngành…

Theo chia sẻ của ông Tài với báo giới, mức giá trên dựa trên căn cứ giá thoái vốn thành công của Mekong Capital, một trong những cổ đông lớn nhất của MWG, cho các NĐT khác trước khi DN lên sàn.

Cụ thể, Quỹ này đã bán hơn 5,6 triệu cổ phiếu MWG trong đợt tăng vốn gấp hơn 5 lần mới đây.

Theo công bố của Mekong Capital, có 6 NĐT tổ chức và một số NĐT cá nhân đã mua số cổ phần trên. Tuy nhiên, trước đề nghị của báo giới về việc chia sẻ tên một số tổ chức đầu tư, ông Chris Freund, Tổng giám đốc Mekong Capital chỉ nói: “Các NĐT mới bao gồm 6 quỹ và một số NĐT lẻ là các khách hàng của CTCK Bản Việt”. (Đây cũng là đơn vị tư vấn niêm yết cho MWG).

Trên các diễn đàn về đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng, sẽ là khập khiễng nếu so sánh MWG với Trần Anh (TAG), một DN có cùng lĩnh vực hoạt động, vì quy mô của TAG quá nhỏ so với MWG. Nhưng nếu so với FPT (Tập đoàn đang sở hữu FPT Shop, đối thủ tương đương với MWG) hiện có thị giá quanh 50.000 đồng, giá 85.000 đồng/CP là quá cao.

Xét về các chỉ tiêu tài chính, theo BCTC hợp nhất 2013 của MWG, lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt 255 tỷ đồng, tương đương thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) đạt 24.294 đồng, con số rất ấn tượng. Tuy nhiên, đó là khi MWG có vốn điều lệ 116 tỷ đồng. DN hiện đã tăng vốn lên 627 tỷ đồng. Giả định, MWG hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2014 là 435 tỷ đồng, EPS của MWG chỉ còn chưa đầy 8.000 đồng/CP. Giá trị sổ sách của cổ phiếu MWG trên vốn điều lệ mới cũng chỉ đạt xấp xỉ 13.000 đồng/CP.

Cuối cùng, MWG đã ấn định giá chào sàn là 68.000 đồng/CP. Sau khi chào sàn, giá cổ phiếu liên tục tăng trần, hiện đạt 99.500 đồng/CP, tăng 38% trong vòng 4 phiên, tuy nhiên, khối lượng khớp lệnh rất thấp, chỉ đạt 10.000 - 20.000 đơn vị mỗi phiên. Nếu đúng như công bố của lãnh đạo DN, sau khi Công ty niêm yết, cổ đông tổ chức và cổ đông sáng lập không có nhu cầu bán ra cổ phần, như vậy lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường rất thấp, chỉ ở mức xấp xỉ 10% (6 cổ đông lớn của DN hiện nắm giữ 88% vốn điều lệ của MWG). Đua lệnh mua MWG giá cao, nhưng thanh khoản kém, muốn bán sẽ không hề đơn giản, rõ ràng NĐT có lý do để e ngại.

Duy trì tăng trưởng: Thách thức

Trong các năm gần đây, thành tích kinh doanh của MWG rất ấn tượng. Lợi nhuận sau thuế năm 2013 đạt 255 tỷ đồng, cao gấp đôi so với năm 2012. Trước đó, lợi nhuận năm 2011 cũng rất ấn tượng với 212 tỷ đồng. Câu hỏi nhiều NĐT quan tâm là liệu tới đây, MWG có tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng cao như vậy hay không?

Theo số liệu thống kê của công ty nghiên cứu thị trường GfK Việt Nam, sức mua trên thị trường điện máy  năm 2013 sụt giảm khoảng 10% so với năm 2012. Ngược với cầu, tổng cung lại tăng gấp đôi khi các DN có tiềm lực tăng cường mở rộng hệ thống.

Trong bản phân tích mới đây về MWG, CTCK FPTS dựa trên các dữ liệu thu thập được cho rằng, nhu cầu các thiết bị di động và hàng điện máy sẽ nhanh chóng chạm ngưỡng bão hòa trong 5 năm sắp tới, đặc biệt là nhóm thiết bị di động, do tính năng của các thiết bị này đang có xu hướng vượt quá nhu cầu thực sự của đại đa số người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nhu cầu hàng điện máy đã bão hòa tại khu vực thành thị và dự báo cũng sẽ bão hòa tại các tỉnh và vùng nông thôn, khi mặt bằng thu nhập bình quân đầu người đang tăng dần đều.

Một điểm đáng chú ý là thị trường đang cạnh tranh rất khốc liệt. Mô hình của MWG là mở các cửa hàng nhỏ, có độ phủ sóng rộng tại khắp 63 tỉnh, thành. Trong 2 năm trở lại đây, các đối thủ của Công ty như FPTshop, Viễn thông A, Điện máy Chợ Lớn, Nguyễn Kim, Mai Nguyên, Trần Anh… cũng đang thực hiện tương tự khi đặt chiến lược tiến về các tỉnh thành. Khảo sát từ báo giá của MWG cho thấy, giá bán nhiều sản phẩm của Công ty không hề thấp, thậm chí cao hơn các đối thủ. Khi cơ cấu sản phẩm tương tự nhau, mạng lưới và dịch vụ của các DN cùng xuất hiện dày đặc, người tiêu dùng sẽ ưu tiên về giá khi quyết định mua hàng. Lợi nhuận trên mỗi đơn vị sản phẩm bán ra sẽ không thể cao như trước.

Từ thực tế hoạt động của MWG, FPTS cũng chỉ ra rằng, những khu vực tiềm năng với mật độ dân cư cao, mức thu nhập trên mức trung bình đều đã được MWG đặt cửa hàng. Còn triển vọng ở các vùng tỉnh lẻ và nông thôn, với mật độ dân cư thưa thớt và thu nhập dưới mức trung bình lại chưa thực sự rõ ràng.

“Năm 2014 là năm tăng trưởng đỉnh điểm của MWG và DN sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn tăng trưởng thấp từ 2015 trở đi”, FPTS nhận xet.                       

Tin bài liên quan